• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chào mừng ngày Di sản Văn hóa Việt Nam: Nhiều hoạt động hấp dẫn

Văn hoá 14/11/2022 19:44

(Tổ Quốc) - Chiều ngày 14/11, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội đã tổ chức họp báo giới thiệu các hoạt động văn hóa chào mừng ngày Di sản Văn hóa Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 17 năm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2005-23/11/2022), Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp với các đơn vị và cá nhân tổ chức chuỗi hoạt động văn hóa gồm nhiều sự kiện đa dạng, sáng tạo từ ngày 18/11 - 31/12/2022. Các hoạt động này nhằm bảo tồn, quảng bá các giá trị di sản, gắn với đẩy mạnh phát huy truyền thống sáng tạo của người Thăng Long - Hà Nội đã được đúc kết từ hơn nghìn năm lịch sử.

Chào mừng ngày Di sản Văn hóa Việt Nam: Nhiều hoạt động hấp dẫn - Ảnh 1.

Bà Trần Thị Thúy Lan, Phó Trưởng Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phát biểu tại họp báo

Phát biểu tại họp báo, bà Trần Thị Thúy Lan, Phó Trưởng Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội cho biết: "Năm nay, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội chúng tôi đã tổ chức chương trình với chủ đề "Muôn nẻo đường tơ", câu chuyện về tơ lụa được nhắc đến rất nhiều lần trong các hoạt động văn hóa. Nhưng năm nay với ý tưởng "Muôn nẻo đường tơ" đã mang đến nhiều sự mới mẻ, tính ứng dụng về các loại hình nghệ thuật khác nhau. Những bộ sưu tập mang được tính thời đại từ truyền thống kết nối được cả hiện đại. Với các họa sĩ, nghệ sĩ ứng dụng được trong tác phẩm nghệ thuật của mình qua chính các chất liệu tơ lụa. Ngoài ra, chúng tôi còn giới thiệu sản phẩm, quy trình hình ảnh gia đình nghệ nhân làm tơ lụa, để đưa cho công chúng một cái nhìn khác về hình ảnh đơn thuần truyền thống ngày xưa".

Theo kế hoạch, lễ khai mạc sẽ diễn ra vào tối 18/11 tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, 50 Đào Duy Từ, Hà Nội. Dịp này sẽ tổ chức chương trình nghệ thuật chủ đề "Muôn nẻo đường tơ" giới thiệu BST áo dài ngũ thân và các trang phục thời trang từ tơ tằm, lụa và kết hợp với biểu diễn âm nhạc dân gian đương đại. Hoạt động là sự kết nối, giao lưu giữa các nghệ nhân, thợ thủ công và các nhà thiết kế. Khách tham quan có dịp được tìm hiểu về các sản phẩm lụa của nghệ nhân làng nghề và các sản phẩm thời trang của các nhà thiết kế.

Chào mừng ngày Di sản Văn hóa Việt Nam: Nhiều hoạt động hấp dẫn - Ảnh 2.

Nhà thiết kế Trịnh Thủy - Đại diện thương hiệu Trịnh Fashion

Đại diện thương hiệu Trịnh Fashion- Nhà thiết kế Trịnh Thủy chia sẻ về bộ sưu tập trình diễn trong sự kiện: "Trong bộ sưu tập lần này mang tên "Nhân bản", đây là một bộ sưu tập mà lần đầu tiên Trịnh Fashion kết hợp với một nhà thiết kế trẻ thì bộ sưu tập lần này mình muốn chia sẻ cho mọi người những thông điệp mới trong đó có giá trị về văn hóa, giá trị sự kết nối và giá trị về thẩm mỹ. Đặc biệt muốn nói lên truyền thống trong gia đình Hà Nội giữa thế hệ trước và thế hệ sau. Cái đó cũng tương tự như giữa hiện đại và truyền thống. Đấy là điều mà tất cả mọi người cũng như nhà thiết kế luôn trăn trở bởi vì một người làm thiết kế sản phẩm truyền thống như tôi thì rất chú trọng văn hóa và vấn đề kết nối. Phải làm sao để tạo ra được một sản phẩm vừa giữ được di sản vừa có sự kết nối thì qua bộ sưu tập này, tôi muốn nói lên một thông điệp kết nối giữa các thế hệ, cách để lưu giữ di sản văn hóa".

Trong khuôn khổ chương trình còn có rất nhiều hoạt động như: Tại Tầng I, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, 50 Đào Duy Từ, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp với các nhà nghiên cứu, các Họa sĩ sắp đặt, trang trí không gian giới thiệu về nghề ươm tơ, dệt vải truyền thống vùng đồng bằng Bắc bộ, và những ứng dụng của tơ trong đời sống ngày nay từ ngày 18/11-31/12/2022.

Song song với không gian trưng bày giới thiệu về nghề ươm tơ, dệt vải truyền thống vùng đồng bằng Bắc bộ tại tầng 1 Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp Viện nghiên cứu Ứng dụng Mỹ thuật sản phẩm làng nghề Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm chuyên đề về Tổng quan các làng nghề tơ lụa Việt Nam khu vực miền Bắc và các vấn đề về phát triển bền vững của nghề.

Tại ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây là điểm đến đã rất quen thuộc với nhiều người, nơi lưu giữ hình ảnh Hà Nội xưa. Tại đây, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp cùng Nghệ nhân Văn hóa Nghệ thuật ẩm thực trà Việt Nam Nguyễn Cao Sơn giới thiệu nét đẹp trà Việt tới đông đảo khách du lịch, cũng như người dân trên địa bàn. Năm nay nghệ nhân Trà sẽ giới thiệu với chúng về chủ đề " Thư – Trà kỳ ngộ ", kết hợp giới thiệu nghệ thuật Trà và Thư pháp Việt vào các ngày 19, 20/11/2022.

Chào mừng ngày Di sản Văn hóa Việt Nam: Nhiều hoạt động hấp dẫn - Ảnh 4.

Sản phẩm được trưng bày trong sự kiện sắp tới

Khu Phố cổ Hà Nội, hay còn gọi là khu "36 phố phường" luôn gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội, nơi đã và đang chứa đựng một kho tàng giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng. Nhắc tới Thăng Long – Hà Nội phải kể đến những ngành nghề truyền thống như nghề thuốc nam tại phố Lãn Ông. Trong chuỗi hoạt động văn hóa này, Ban tổ chức phối hợp cùng Hội Đông Y Hoàn Kiếm giới thiệu một số cây thuốc nam và sản phẩm đông nam dược tại không gian đình Kim Ngân - 42,44 Hàng Bạc từ ngày 18/11-30/11/2022.

Ngoài ra, ban tổ chức còn phối hợp tổ chức các sự kiện trong tuần lễ Thiết kế sáng tạo năm 2022 như: Không gian triển lãm trong chuỗi Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2022 "Tiên - Rồng", "Mơ Tiên"... và các tọa đàm liên quan tại trung tâm Văn hóa Nghệ thuật (22 Hàng Buồm); Không gian triển lãm "Tả Thanh Thiên" và trải nghiệm di sản thông qua công nghệ thực tế ảo tại trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm (số 2, Lê Thái Tổ)./.

Thu Thương - Ảnh: Lê Minh

NỔI BẬT TRANG CHỦ