(Tổ Quốc) - “Việc gắn chữ "báo chí" vào chương trình đào tạo không khiến cho sinh viên dễ tìm được việc làm hơn, vì để làm việc được trong lĩnh vực báo chí truyền thông sinh viên phải có đủ năng lực, kỹ năng, kiến thức”.
Đó là chia sẻ của PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Chủ nhiệm Khoa Báo chí và Truyền thông (trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) trước việc hiện một số cơ sở đào tạo đã và đang tìm mọi cách đưa chữ "báo chí" dính vào danh mục các ngành tuyển sinh của đơn vị mình.
Đơn cử như trường hợp của trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) vừa qua. Sinh viên học chuyên ngành Văn – Báo chí nhưng khi tốt nghiệp ra trường thì nhận bằng tốt nghiệp chỉ ghi “Văn học” (Báo điện tử Tổ Quốc đã phản ánh).
Theo PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, khó mà hình dung cuộc sống của chúng ta trong xã hội hiện đại mà thiếu vắng các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là báo chí- bộ phận chiếm vị trí trung tâm, có vai trò nền tảng và có khả năng tác động đến tính chất, khuynh hướng của một xã hội.
Chính vì vậy, nghề báo sẽ luôn là một trong những nghề quan trọng trong xã hội hiện đại, thu hút đông đảo sự quan tâm của người học.
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt để tuyển sinh, nhiều cơ sở đào tạo đã và đang tìm mọi cách đưa "báo chí" dính vào danh mục các ngành tuyển sinh của đơn vị mình. Tuy nhiên, nghề báo là một nghề đặc biệt, bởi lẽ, thông tin nhà báo đưa ra có ảnh hưởng đến đông đảo công chúng và góp phần quan trọng trong việc tạo lập và định hướng dư luận xã hội.
Bản chất của hoạt động báo chí là thông tin, nhưng báo chí thông tin để thực hiện chức năng tư tưởng, chức năng giáo dục, thực hiện vai trò quản lý, giám sát, phản biện xã hội, thông tin để thực hiện chức năng văn hóa, giải trí.
Giấy triệu tập và trúng tuyển ghi "...đủ điểm vào học Chuyên ngành Văn - báo chí"... |
...nhưng cấp bằng tốt nghiệp chỉ ghi "Văn học". |
Nghề báo là một nghề được định danh rõ ràng. Làm báo không chỉ là một nghề đơn thuần, mà còn là một sứ mệnh, bởi nghề báo không tồn tại tự nó và cho nó, mà tồn tại vì xã hội và cho xã hội. Báo chí, nhà báo phải hoạt động vì cuộc sống, vì lợi ích của đại bộ phận người lao động trong xã hội, nên luôn phải hướng tới những giá trị chân, thiện, mỹ đích thực.
“Báo chí không giống như những ngành học truyền thống nặng về lý thuyết như lịch sử, triết học hay văn học, và, báo chí cũng khác hoàn toàn với những ngành chỉ chú trọng kỹ năng thực hành như kỹ sư chế tạo máy, hay kỹ sư điện. Kiến thức nền tảng sâu rộng về văn hóa - chính trị - xã hội, kỹ năng tác nghiệp báo chí thuần thục (đặc biệt là khả năng sử dụng thiết bị công nghệ trong làm báo) và đạo đức nghề nghiệp báo chí là 3 trục nội dung then chốt trong đào tạo báo chí”, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương nhấn mạnh.
PGS.TS Đặng Thị Thu Hương cho rằng, chất lượng đào tạo báo chí phải được nhận thức rõ ràng, sâu sắc từ những người làm đào tạo.
“Việc gắn chữ "báo chí" vào chương trình đào tạo không khiến cho sinh viên dễ tìm được việc làm hơn, vì để làm việc được trong lĩnh vực báo chí truyền thông sinh viên phải có đủ năng lực, kỹ năng, kiến thức.
Bên cạnh đó, nếu "lọt lưới" chẳng may được làm nhà báo khi chưa được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, sẽ có nguy cơ tạo nên những sản phẩm thông tin kém chất lượng, thiên lệch, ảnh hưởng và tác hại tới xã hội còn lớn hơn nhiều”, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương chia sẻ.
Nghề báo được xem là một lĩnh vực nghề nghiệp đặc thù, đòi hỏi người làm nghề phải luôn năng động, sáng tạo và cần sự trải nghiệm không ngừng trong công việc. Để trở thành một nhà báo thực thụ, đòi hỏi người theo nghề phải có phông kiến thức nền sâu rộng, lòng đam mê, sự năng động, óc tư duy liên tục, sự bền bỉ và sự dấn thân với nghề...(Ảnh minh họa) |
Trong lúc đó, chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc về vấn đề này, hai nhà Quản lý Giáo dục cho rằng, về mặt khoa học thì một chương trình đào tạo đều học lần lượt từ các môn học ở khối kiến thức giáo dục đại cương (General education), đến khối kiến thức khối ngành, đến khối kiến thức cơ sở ngành và sau cùng mới học đến phần chuyên ngành và thường học vào thời gian sau cùng.
Các khối kiến thức có quan hệ mật thiết, gắn kết và logich về mặt nội dung với nhau. Nên trên thực tế một số trường cũng có ghép phần đuôi nhưng là phải có tính logich về nội dung.
Thường thì các ngành có cùng các khối ngành và ngành gần như nhóm ngành: kinh doanh và quản lý có mã ngành 734 (3 chữ số). Trong nhóm ngành này có nhiều khối ngành, trong đó có khối ngành: kinh doanh, mã khối ngành là 73401 (5 chữ số), trong khối ngành này có nhiều ngành như ngành: quản trị kinh doanh, mã ngành là 7340101, Marketing có mã ngành là 7340102, kinh doanh quốc tế 7340120 (7 số)… là những ngành gần, vì những ngành này có nhiều khối kiến thức trùng nhau ở khối kiến thức nhóm ngành, kiến thức khối ngành như: kinh tế vĩ mô, kinh tế vi mô, tâm lý khách hàng, quản trị học và cũng có cùng kiến thức cơ sở ngành nên có tính liên thông, phát triển từ dễ đến khó về nội dung nên dẫn đến chương trình đào tạo có khả năng đạt năng lực đầu ra cho SV cao hơn.
Trong khi đó, Văn và Báo chí là hai ngành thuộc hai nhóm ngành khác nhau, nên cũng không cùng khối ngành và càng không là ngành gần.
Ngành báo chí thuộc nhóm ngành Báo chí và Thông tin, mã nhóm ngành là 732, trong nhóm ngành này có khối ngành là Báo chí và Truyền thông, mã khối ngành là 73201, trong khối này có ngành Báo chí trong đó với mã ngành là 7320104;
Còn ngành Văn học thuộc nhóm ngành nhân văn mã số 722, trong nhóm ngành này có khối ngành “khác” và mã ngành Văn học là 7229030. Nằm trong nhóm ngành “khác” thuộc nhóm ngành 732 này.
“Như vậy là hai ngành học này là rất cách xa nhau, nên các khối kiến thức ở ngành Văn sẽ dẫn đến hình thành đầu ra ở các chuyên ngành thuộc khối ngành và ngành gần ngành Văn nhiều hơn là Báo chí. Cũng như khối kiến thức chuyên ngành về báo chí thì không được học khối kiến thức nền tảng của ngành báo chí thuộc mã ngành này trong những năm đầu.
Vì thế, việc ghép (Văn – Báo chí) thì thật khó có nội dung liên thông, logich đầy đủ để đạt năng lực đầu ra cho SV và SV phải rất xoay xở để thực nghiệp. Điều này cũng được quy định rất cụ thể tại thông tư 24/2017 của Bộ GD&ĐT về quy định tên và mã tên để mở ngành đào tạo”, một nhà quản lý giáo dục phân tích.
Trước đó, Báo điện tử Tổ Quốc đã phản ánh, một số sinh viên bức xúc phản ánh với báo chí vì thông báo tuyển sinh và giấy báo trúng tuyển của trường Đại học Duy Tân ghi là chuyên ngành Văn – Báo chí nhưng trên bằng tốt nghiệp lại chỉ ghi tốt nghiệp “Văn học”.