• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chất lượng nhà giáo là gốc, là giải pháp đột phá trong chiến lược phát triển giáo dục phổ thông

Giáo dục 26/06/2020 16:17

(Tổ Quốc) - Đây là ý kiến của Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ tại phiên họp về "Định hướng mục tiêu và giải pháp cho giáo dục phổ thông trong chiến lược giáo dục giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2045".

Tham dự buổi họp, các đại biểu tham dự phiên họp đã thảo luận, cho ý kiến về định hướng mục tiêu và giải pháp cho giáo dục phổ thông trong chiến lược giáo dục giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2045.

GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc Đại học Thái Nguyên cho rằng, mục tiêu của Chiến lược phải tương đồng với Luật Giáo dục 2019.

Theo đó, mục tiêu của giáo dục được chuyển từ "đào tạo con người toàn diện" (theo Luật Giáo dục 2005) sang "phát triển toàn diện con người Việt Nam".

Để hoàn thành mục tiêu này, ngoài ngành GDĐT, còn có trách nhiệm lớn của các địa phương trong đầu tư, quan tâm đến giáo dục đào tạo, trách nhiệm của gia đinh và toàn xã hội.

GS. Phạm Hồng Quang và nhiều Hiệu trưởng trường phổ thông tham dự phiên họp đề xuất việc đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục, coi đây là giải pháp đột phá để thực hiện mục tiêu của chiến lược phát triển giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

"Tự chủ mới ra được chất lượng. Ở môi trường tự chủ, nhà trường sẽ làm được nhiều giá trị cho học sinh", bà Nguyễn Thị Nhiếp- thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục nói.

Ngoài đề xuất thí điểm cho một số trường thực hiện tự chủ rồi lâu dài sẽ áp dụng đại trà, bà Nhiếp cho rằng, cần đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp giáo dục, xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, đổi mới thi cử đáp ứng mục tiêu giáo dục phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực của học sinh.

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) bổ sung giải pháp đổi mới việc đào tạo cán bộ quản lý giáo dục để khắc phục tình trạng hiện nay phần lớn lãnh đạo trường phổ thông đi lên từ giáo viên và thực hiện việc quản lý, quản trị nhà trường theo kinh nghiệm.

Chất lượng nhà giáo là gốc, là giải pháp đột phá trong chiến lược phát triển giáo dục phổ thông - Ảnh 1.

Chất lượng nhà giáo là gốc, là giải pháp đột phá trong chiến lược phát triển giáo dục phổ thông (ảnh: Đại học Quốc gia TP.HCM)

Tại phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, định hướng mục tiêu, giải pháp cho giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 là "mảnh ghép" quan trọng trong chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam, nhằm thực hiện các nhiệm vụ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông, đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đáp ứng Luật Giáo dục 2019 và các yêu cầu mới.

Ghi nhận ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự phiên họp, Thứ trưởng giao các đơn vị chuyên môn của Bộ GDĐT tổng hợp và hoàn thiện định hướng phát triển giáo dục phổ thông 2021-2030 với mục tiêu tổng quát tương đồng với Luật giáo dục 2019, thống nhất 9 nhiệm vụ và giải pháp - đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 29.

Theo đó, ngành Giáo dục sẽ rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục phổ thông trong cả nước; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; triển khai thực hiện chương trình giáo dục giáo dục phổ thông mới, đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông.

Đồng thời nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục; hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo; tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng giáo dục; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thứ trưởng Độ nhấn mạnh, "Giải pháp đẩy mạnh giao quyền tự chủ đối với các cơ sở giáo dục phổ thông có thể xác định là "điểm nhấn". Tuy nhiên, trong mọi trường hợp vẫn phải lấy chất lượng nhà giáo là gốc, là giải pháp đột phá trong chiến lược phát triển giáo dục phổ thông".

Thứ trưởng yêu cầu, song song với việc đưa ra bộ chỉ số phát triển giáo dục phổ thông trong giai đoạn mới đảm bảo đúng hướng, đúng mục tiêu, đúng chỉ đạo, phù hợp với hội nhập quốc tế, phải đưa ra chỉ số đột phá để thấy sự khác biệt của giáo dục Việt Nam so với thế giới.

Phương Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ