• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chất vấn Chánh án vì sao không cho Châu Thị Thu Nga nói về “chạy tiền để làm ĐBQH”

Thời sự 18/11/2017 11:28

(Tổ Quốc) -Phiên chất vấn của Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình tại Quốc hội sáng 18/11 đã cung cấp nhiều thông tin mới về vụ Châu Thị Thu Nga.

Bà Nga khai chi tiền chạy ĐBQH như thế nào?

Theo Chánh án, hiện tòa án mới xét xử sơ thẩm vụ án Châu Thị Thu Nga, ĐBQH có đặt câu hỏi về việc tòa án cho dừng lời khai của bị cáo Nga khi nói tới việc “chạy tiền để làm ĐBQH”, vụ án có vẻ dấu diếm, có báo còn nói là cắt điện 30s tại phiên tòa.

“Chúng tôi ngay lập tức yêu cầu kiểm tra hồ sơ vụ án, kiểm tra kỹ thuật phòng xét xử, yêu cầu chủ tọa phiên tòa giải trình và gặp luật sư thì được biết, phòng xét xử vẫn diễn ra bình thường không có sự cố gì về kỹ thuật. Thứ 2 trong hồ sơ vụ án có tất cả những tài liệu như lời khai của bà Nga, biên bản đối chất của bà Nga và các đối tượng liên quan. Việc chủ tọa phiên tòa dừng không cho khai tiếp là do yêu cầu vụ án được tách ra. Theo quy định của luật, việc tách án là được phép, trên thực tế chúng ta đã tách án ở nhiều vụ việc như tại vụ án Ngân hàng Xây dựng, tòa tách ra 3 vụ, Oceanbank cũng tách”- Chánh án nói.

 Châu Thị Thu Nga bị tuyên chung thân bởi cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt 350 tỷ đồng hồi tháng 10. Ảnh: Dân trí

Giải thích thêm về việc tách án, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, nếu trong phiên tòa xuất hiện tình tiết mới thì sẽ tách án do vậy thẩm phán đã không hỏi thêm bà Nga. Nếu không tách án thì thẩm phán được quyền hỏi làm rõ vụ việc.

“Đó là thông lệ  bình thường không phải điều gì là quá khác biệt. Không có gì dấm dúi, dấu diếm gì cả”- Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu.

Ông cũng cho biết thêm, tại tòa bà Nga đã khai việc chi tiền. Trong đó có chi cho Hội đồng bầu cử địa phương để có tên trong dánh sách ứng cử viên. Thứ 2 là chi để giải quyết việc báo chí viết về bằng tiến sĩ giả của bị cáo Nga.

“Thời điểm bầu cử, báo chí có viết về vụ bà Nga không đi học tiến sĩ nhưng có bằng tiến sĩ. Thì bà Nga khai dùng 2 phần tiền để chi cho Hội đồng bầu cử địa phương và 1 phần tiền cho mục đích thứ 2”- Chánh án cho biết.

Một thông tin đáng lưu ý nữa, Chánh án cho hay, theo lời khai của bà Nga, bà này biết một doanh nghiệp buôn bán vàng có quan hệ rộng ở Hà Nội nên đã chủ động gặp doanh nhân này.

“Theo yêu cầu của doanh nghiệp này, Nga đưa tiền cho anh này nhiều lần, có lần 100.000-200.000 (USD-PV), tại các quán cà phê khác nhau. Sau đó anh này đưa đi đâu làm gì, Nga không biết. Chỉ có 2 người đó biết việc đưa và nhận tiền, không có ai làm bằng chứng. Anh này tại biên bản đối chất thì cho biết có quen biết Nga nhưng không nhận tiền, không gửi tiền cho ai cả”- Chánh án nêu.

Đồng thời kết luận, với tình huống như vậy, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, Tòa không hỏi thêm, không thể làm rõ và đề nghị cơ quan điều tra tách ra một vụ án khác. Khi cơ quan điều tra làm rõ tình tiết này thì sẽ có một phiên tòa công khai khác.

Trong phiên toà xét xử đầu tháng 10/2017, bị cáo Nga 2 lần xin được khai báo về khoản tiền 1,5 triệu USD đã dùng để "chạy" vào Quốc hội trước toà nhưng hai lần chủ toạ từ chối. Lần đầu chủ toạ nhắc luật sư "nội dung này không nằm trong phạm vi vụ án" và lần sau mời luật sư về chỗ. 

Vụ Hà Văn Thắm: nghiêm khắc với đối tượng cầm đầu, mở đường cho đối tượng làm công ăn lương

Trả lời câu hỏi của ĐBQH về vụ Hà Văn Thắm, Chánh án cho biết, đây là vụ án công khai minh bạch tranh tụng đến cùng, rất nghiêm khắc và có bản án phân hóa tội phạm.

Theo đó, vụ án này  nhìn lại thấy có 4 bài học: đã xác định đúng chính xác tội danh và tại phiên sơ thẩm lần một đã trả hồ sơ yêu cầu của cơ quan điều tra, viện kiểm sát truy tố đúng tội danh. Tại phiên xét xử lần sau, tòa án đã xét xử về tội tham ô. Phiên tòa được tranh tụng không hạn chế; phân hóa được đối tượng, nghiêm khắc với đối tượng cầm đầu và mở đường cho đối tượng làm công ăn lương. Hội đồng xét xử cũng đã làm hết chức năng của mình, trong bản án có nhiều kiến nghị khởi tố vụ án, kiến nghị xử lý cán bộ, chấn chỉnh các hoạt động kinh tế.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói thêm, từ khi có Nghị quyết 01 năm 2013, các thẩm phán rất ngại việc cho án treo với vụ án kinh tế tham nhũng. Tuy nhiên, Hà Văn Thắm là vụ án tham nhũng lớn tuyên tới 34 án treo, đó là các bị cáo làm công ăn lương, không hưởng lợi gì từ tài sản phạm tội và đã khai báo thành khẩn, tự nguyện khắc phục khó khăn.

“Như vậy sẽ tạo cho họ có một bản án cần thiết, cảnh tỉnh, răn đe nhưng cũng mở đường cho cuộc sống sắp tới”- Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói./.

Song Đào

NỔI BẬT TRANG CHỦ