(Tổ Quốc) - Đạo luật mới về thị trường kỹ thuật số sẽ buộc các nền tảng Big Tech phải "phá bỏ khu vườn có tường bao quanh" của họ vào năm 2023.
Vào ngày 1 tháng 11, Đạo luật thị trường kỹ thuật số (DMA) của Liên minh châu Âu sẽ có hiệu lực. Nó hứa hẹn sẽ thay đổi Internet mãi mãi, bằng việc khiến quá trình trở thành các gã khổng lồ công nghệ từ giờ trở đi sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Cụ thể, nó sẽ đếm ngược trên một quy trình dự kiến sẽ buộc Amazon, Google và Meta làm cho nền tảng của họ trở nên cởi mở hơn và có thể tương tác vào năm 2023. Điều đó có thể mang lại những thay đổi lớn đối với những gì mọi người có thể làm với các thiết bị và ứng dụng của họ. Và đây cũng là một lời nhắc nhở mới, rằng Châu Âu đã quản lý các công ty công nghệ tích cực hơn nhiều so với Mỹ.
“Chúng tôi hy vọng tác động sẽ là đáng kể", Gerard de Graaf, một quan chức kỳ cựu của EU, người đã giúp DMA được đưa vào áp dụng, cho biết. Tháng trước, ông đã trở thành giám đốc của một văn phòng mới của EU tại San Francisco, nơi được thành lập để giải thích những vấn đề của đạo luật mới đối với các công ty Big Tech. De Graaf nói rằng họ sẽ buộc phải "phá bỏ khu vườn có tường bao quanh" của các công ty này.
“Nếu bạn có iPhone, bạn sẽ có thể tải xuống ứng dụng không chỉ từ App Store mà từ các cửa hàng ứng dụng khác hoặc từ internet”, de Graaf nói. DMA yêu cầu các nền tảng thống trị mạng Internet phải cho phép các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn có cơ hội phát triển, thậm chí có thể buộc WhatsApp của Meta nhận tin nhắn từ các ứng dụng cạnh tranh như Signal hoặc Telegram, hay ngăn Amazon, Apple và Google đưa ra các động thái ưu tiên các ứng dụng và dịch vụ của riêng họ.
Mặc dù DMA bắt đầu có hiệu lực, nhưng các nền tảng công nghệ không phải tuân thủ ngay lập tức. Trước tiên, EU phải quyết định những công ty nào "đủ lớn" và "đủ sức ảnh hưởng" để được phân loại vào nhóm “người gác cổng”, buộc họ phải tuân theo các quy tắc khắc nghiệt nhất. De Graaf dự kiến rằng khoảng một chục công ty sẽ nằm trong nhóm đó, trong một danh sách sẽ được công bố vào mùa xuân năm sau. Những "người gác cổng" này sau đó sẽ có sáu tháng để tuân thủ các quy tắc mới.
De Graaf đã dự đoán về một làn sóng kiện tụng sẽ xuất hiện, thách thức các quy tắc mới của Liên minh Châu Âu đối với Big Tech. Nhưng ông cũng cho biết sự hiện diện của mình ở California chính là để giúp nói rõ với những tập đoàn công nghệ khổng lồ ở Thung lũng Silicon rằng các quy tắc của Internet đã thay đổi. EU trước đây đã phạt Google, Apple và những gã khổng lồ khác thông qua các cuộc điều tra chống độc quyền, một cơ chế đã đặt gánh nặng về việc phải chứng minh sai phạm lên các quan chức, theo de Graaf. Nhưng với DMA, hoạt động này sẽ thay đổi và đi đúng hướng hơn.
“Thông điệp chính là các cuộc đàm phán đã kết thúc, và giờ là tình trạng tuân thủ”, de Graaf nói. "Bạn có thể không thích nó, nhưng đó là cách nó vận hành."
Giống như luật bảo mật kỹ thuật số của EU, GDPR , DMA dự kiến sẽ dẫn đến những thay đổi về cách các nền tảng công nghệ phục vụ những người ngoài 400 triệu người dùng internet của châu Âu, bởi vì một số chi tiết về việc tuân thủ sẽ dễ dàng thực hiện hơn trên toàn cầu.
Các công ty công nghệ cũng sẽ sớm phải đối mặt với đạo luật thứ hai của EU, Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA), yêu cầu đánh giá rủi ro của một số thuật toán và tiết lộ về việc đưa ra quyết định tự động và có thể buộc các ứng dụng xã hội như TikTok phải mở kho dữ liệu của họ để bên ngoài giám sát. Luật cũng sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn, với các nền tảng trực tuyến lớn nhất dự kiến sẽ phải tuân thủ vào giữa năm 2024. EU cũng đang xem xét thông qua các quy tắc cụ thể cho trí tuệ nhân tạo, thứ có thể đưa ra lệnh cấm với một số trường hợp sử dụng công nghệ này.
De Graaf cho rằng cần có những quy định cứng rắn hơn đối với những gã khổng lồ công nghệ, nhằm không chỉ để giúp bảo vệ mọi người và các doanh nghiệp khác khỏi các hành vi không công bằng mà còn cho phép xã hội nhận được đầy đủ lợi ích của công nghệ. Ông cũng chỉ trích cái gọi là "Bản Tuyên ngôn Nhân quyền áp dụng cho AI" của Mỹ, nói rằng việc thiếu các quy định chặt chẽ có thể làm suy giảm niềm tin của công chúng vào công nghệ. Ông nói: “Nếu công dân của chúng ta mất lòng tin vào AI vì họ tin rằng nó phân biệt đối xử với họ và dẫn đến những kết quả có hại cho cuộc sống của họ, thì họ sẽ xa lánh AI và nó sẽ không bao giờ thành công”.
Văn phòng mới của EU được mở tại Thung lũng Silicon sau những động thái gần đây của khối này và Mỹ nhằm hợp tác nhiều hơn về chính sách công nghệ. De Graaf cho biết cả hai bên đều quan tâm đến việc tìm cách giải quyết tình trạng thiếu chip và cách các chính phủ có thể tận dụng công nghệ và internet.
Ông cũng đang lên kế hoạch cho một chuyến gặp gỡ các nhà lập pháp của bang California, những người mà ông nói là "những người đi tiên phong trong việc chống lại Big Tech". Tháng trước, họ đã thông qua một dự luật yêu cầu cài đặt quyền riêng tư mặc định cho trẻ em và kiểm soát cách các công ty sử dụng dữ liệu họ thu thập về trẻ em. Quốc hội Mỹ đã thông qua tương đối ít luật ảnh hưởng đến ngành công nghệ trong những năm gần đây, ngoài Đạo luật Khoa học và Chip trị giá 52 tỷ USD nhằm hỗ trợ sản xuất chất bán dẫn vào tháng Bảy.
Marlena Wisniak, người lãnh đạo về công nghệ thuộc Trung tâm Luật không vì lợi nhuận của Châu Âu, coi sự hiện diện mới của EU trong sân sau của giới công nghệ là bằng chứng mới cho thấy họ nghiêm túc trong việc định hình lại chính sách công nghệ trên toàn cầu. Bà nói rằng de Graaf nên sử dụng một phần sức mạnh đó để mang lại lợi ích cho những người phụ thuộc vào các nền tảng công nghệ lớn bên ngoài nước Mỹ và châu Âu, những người hiếm khi được đại diện trong lĩnh vực ngoại giao công nghệ.
Wisniak cũng hy vọng các "sứ giả kỹ thuật số" của EU có thể tránh rơi vào những "cái bẫy" ở Thung lũng Silicon, nơi nổi tiếng là có nhiều giám đốc điều hành, doanh nhân và nhà đầu tư hơn là các chuyên gia chính sách. “Tôi hy vọng rằng các nhà hoạch định chính sách của EU không bị lóa mắt bởi sự cường điệu của công nghệ", bà nói.
Tham khảo Wired