(Tổ Quốc) - Nhiều nước châu Âu gần đây đã báo hiệu sự sẵn sàng tiếp nhận khí đốt tự nhiên của Nga thông qua dự án đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ.
Ý, Bulgaria, Serbia và Hungary đang tìm cách đẩy mạnh mua năng lượng của Nga. Trong xu hướng này, tương lai bùng nổ doanh thu từ LNG của Mỹ có vẻ ảm đạm, theo Sputnik.
Mặc dù châu Âu đã buộc Moscow hủy bỏ dự án cung cấp khí đốt tới Nam Âu qua đường ống South Stream năm 2014, nhưng ngành năng lượng Nga vẫn đang tìm đường đến Nam Âu qua những con đường ống. Tổng thống Nga Putin đã nói rõ rằng, Điện Kremlin đang xem xét việc đưa khí đốt tới bán đảo Italy bằng đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ.
Khí đốt Nga rộng đường tới châu Âu
Danh sách những nước châu Âu tiềm năng tham gia vào một dự án khí đốt liên kết với Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ đã được hình thành.
"Chúng tôi đang khai thác tất cả các khả năng: kết nối Italy theo các tuyến đường khác nhau với Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, có thể thông qua Bulgaria, có thể đi xa hơn thông qua Serbia, Hungary, hay cũng có thể thông qua Hy Lạp", Tổng thống Nga Putin cho biết trong một cuộc họp báo với Thủ tướng Ý Giuseppe Conte.
Dòng chảy South Stream - dự án liên kết Nga- Ý- Pháp- Đức - dự kiến sẽ cung cấp khí đốt theo đường ống của Nga dưới Biển Đen cho Bulgaria, và sau đó vận chuyển qua bán đảo Balkan đến Ý và Áo. Kế hoạch được vạch ra bởi Gazprom của Nga và Eni của Ý vào năm 2007, và những năm tiếp theo có sự tham gia của công ty EDF, Pháp (2010) và Wintershall Holding của Đức (2011).
Tuy nhiên, trong năm 2014, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tại Ukraine, châu Âu đã gây sức ép buộc các bên tham gia dự án phải từ bỏ chương trình khí đốt sinh lợi này, theo Sputnik.
Dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ đang nhận được sự quan tâm của nhiều nước châu Âu. (Nguồn: Sputnik)
Thượng nghị sĩ Nga Alexey Pushkov đã từng nói, "việc Bulgaria bỏ rơi Dòng chảy phương Nam (South Stream) là một sai lầm đã rõ, Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức nắm lấy cơ hội của mình [với dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ], và Đức thì vẫn đang hướng tới xây dựng Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2). Một bài học tốt cho Sofia (Bulgaria)."
Vào tháng 11/2015, Ankara đã nhảy vào băng ghế chờ đợi các dự án đường ống dẫn khí đốt của Nga và mở đường cho chương trình Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ.
Dự án này gồm hai đường ống với tổng công suất 31.5 tỷ m3/năm. Đường ống đầu tiên, với công suất 15.75 tỷ m3, sẽ cung cấp năng lượng từ Nga trực tiếp cho Thổ Nhĩ Kỳ. Đường ống thứ hai là nhằm cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga tới các quốc gia châu Âu.
Vào tháng 5/2018, Sofia đã tỏ ra quan tâm đến Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Tổng thống Bulgaria Rumen Radev cũng đề xuất xây dựng một đường ống dẫn trực tiếp từ Nga đến Bulgaria.
"Tôi hy vọng rằng các chính phủ của chúng ta sẽ xem xét khả năng cung cấp khí đốt trực tiếp từ Nga qua Biển Đen", ông Radev cho biết trong chuyến thăm Moscow vào tháng 5/2018.
Trước đó, vào tháng 3/2018, Nga và Serbia đã cho biết sẽ tái xem xét lại kế hoạch xây dựng một đường ống dẫn khí đốt tại quốc gia Balkan này- động thái diễn ra sau chuyến đi của Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đến Moscow vào tháng 12/2017. Cũng đã có thông tin rằng, đường ống Serbia sẽ được kết nối với Bulgria và Hungary để lấy khí đốt từ dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ.
Vào tháng 9/ 2018, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã tới Nga để thảo luận về các khả năng cung cấp khí đốt của Nga đến năm 2020 và khả năng mở rộng đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ đến Hungary.
"Không có gì bí mật rằng, khi đường ống được xây dựng từ phía nam, chúng tôi muốn nó đi qua Hungary. Đó sẽ là cơ hội tuyệt vời cho Hungary và tôi đã đề nghị Tổng thống [Putin] cân nhắc nghiêm túc một lựa chọn như vậy, "ông Orban nhấn mạnh sau hội nghị thượng đỉnh với ông Putin.
Như vậy, sau chuyến thăm của ông Conte đến Moscow, danh sách những bên tham gia tiềm năng vào một dự án khí đốt liên kết với Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ đã được hình thành.
Triển vọng bùng nổ LNG Mỹ gặp khó?
Sự gia tăng nguồn cung cấp năng lượng của Nga cho châu Ây không phù hợp với kế hoạch của Washington để biến châu Âu trở thành "người mua lớn" đối với khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ (LNG).
Vào tháng 7/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi các nhà lãnh đạo EU tăng cường số lượng các cơ sở đầu cuối tiếp nhận LNG ở châu Âu để đón nhiên liệu của Mỹ. Tuy nhiên, vấn đề là ngay cả các thiết bị đầu cuối hiện tại cũng chỉ đang được sử dụng với công suất chưa đầy 1/4.
Người châu Âu coi LNG của Hoa Kỳ là một nguồn nhiên liệu không cạnh tranh: "LNG từ Hoa Kỳ có giá cao hơn vì phần lớn khí thu được thông qua các nguồn sản xuất phi truyền thống (Mỹ thường sản xuất dầu từ đá phiến và phải có thêm công đoạn sử dụng thủy lực để cắt phá - fracking). Loại nhiên liệu này hiện không có tính cạnh tranh ở Đức", Sputnik dẫn một báo cáo của Bộ Ngoại giao Đức cho biết vào đầu tháng 10/2018.
Trong khi Washington đang tìm cách tăng đáng kể sản lượng LNG, vẫn chưa rõ liệu nỗ lực này có mang lại lợi nhuận hay không, đặc biệt là sau quyết định của Trung Quốc ngừng mua nhiên liệu của Mỹ. Đến cuối năm 2019, Washington dự định tăng gấp ba sản lượng LNG từ 3.6 tỷ feet khối hiện nay lên 9.6 tỷ feet khối/ ngày (tương đương mỗi năm khoảng 99 tỷ m3). Lúc này, triển vọng bùng nổ xuất khẩu năng lượng của Mỹ đang gặp nhiều lo ngại.