(Tổ Quốc) - Ngoài là nghệ nhân, người này còn được biết tới là ông ngoại của hot TikToker Tun Phạm.
- 27.01.2024 Những sự thật về màu xanh ngát của bánh chưng mà nhiều người ăn bao năm vẫn lầm tưởng
- 22.01.2024 Lạ kỳ hoa mai có màu xanh ngọc lục bảo đang là hàng hiếm được chị em săn lùng chơi Tết năm nay
- 18.01.2024 Gần một thập kỷ nữa mới có ngày 30 Tết, một quy luật thời gian mà nhiều người chưa biết
Trong đoạn clip ghi lại cảnh về thăm nhà ông bà ngoại ở Hà Nội, TikToker Tun Phạm gây chú ý khi review chi tiết căn phòng làm việc của ông ngoại. Đây vốn không phải là lần đầu tiên anh chàng nhắc về ông, nhưng lại là lần đầu tiên mọi người được chiêm ngưỡng cận cảnh phòng trưng bày hoa khô và nghe ông nói về các tác phẩm.
Theo như lời giới thiệu của cháu, ông ngoại của Tun Phạm chính là nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Bá Mưu.
Người đưa hoa tươi lẫn hoa khô Việt Nam ra thế giới
Được biết, trước kia, ông Nguyễn Bá Mưu tốt nghiệp ngành Trồng trọt ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam (xưa là Đại học Nông nghiệp Hà Nội). Trong quá trình công tác, ông được giao nhiệm vụ nghiên cứu xuất khẩu hoa tươi Việt Nam sang Nga.
Mặc dù hoa tươi là mặt hàng khó bảo quản, rất khó giữ được nguyên vẹn khi vận chuyển đường dài. Vậy mà ông vẫn tìm được các giống hoa đáp ứng được yêu cầu và hoàn thành nhiệm vụ đưa hoa tươi Việt Nam ra thế giới. Sau khi đất nước thống nhất, ông lên Đà Lạt làm nhiệm vụ nghiên cứu hoa địa lan xuất khẩu.
Cũng nhờ mối duyên với các loài hoa Việt Nam mà ông bắt đầu nghiên cứu tới việc làm hoa khô. Điểm đặc biệt là hoa khô sẽ được ông bảo quản, tạo hình để giữ nguyên vẹn hình dáng, màu sắc ban đầu.
Trong một bài phỏng vấn, ông từng tiết lộ rằng: "Khi hoa đang tươi mang về, phải làm cho hoa "chết" đột ngột. Sau khi dùng hóa chất làm cho cánh hoa không rụng và vẫn giữ được hình dáng nguyên bản của bông hoa thì sẽ đem phơi khô trong không gian có ánh sáng và nhiệt độ nhất định, để bông hoa trông vẫn đẹp như hoa tươi."
Những bình, lẵng hay tạo hình hoa khô, tranh hoa lá khô của nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu đã được xuất khẩu nhiều năm liền. Ông nhiều lần được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân, được truyền tụng là "ông tổ" của nghề làm hoa khô, tranh ghép lá khô. Đồng thời, cũng được biết đến là người đầu tiên làm tranh bằng hoa khô trên thế giới.
Phòng trưng bày với những tác phẩm từ vài trăm ngàn đến cả ngàn USD
Mặc dù đã ngoài 80 tuổi nhưng hằng ngày, ông vẫn miệt mài với hoa, lá và những công đoạn làm ra các tác phẩm nghệ thuật sống động. Trong clip của người cháu, ông giới thiệu về mỗi tác phẩm của mình với giọng đầy tự hào.
Trong căn nhà có nhiều phòng đã cho thuê, nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu vẫn giữ nguyên một căn phòng để trưng bày các tác phẩm do mình tự tay làm ra. Có những bông hoa để trong chiếc ly với giá khoảng 200.000đ. Những gánh hàng hoa được lấy cảm hứng từ hình ảnh Hà Nội xưa với giá 500.000đ. Cũng có những bình hoa lớn với giá từ 3.000.000đ - 4.000.000đ.
Đáng chú ý, có cả bình hoa được dùng từ chính những bông hoa trong ngày ăn hỏi cô cháu gái (chị gái của Tun Phạm) đã được ông làm khô và bảo quản đến nay được 6 năm.
Bên cạnh đó là những bức tranh làm bằng hoa, cỏ khô với giá từ 1.000.000đ đến 44.000.000đ (ông bán với giá ~2000 USD)
Lý giải tại sao so với hoa tươi, những bình hoa khô lại đắt như vậy, ông nói: "Bông hoa tươi chúng ta tặng nhau chỉ giữ được 5 ngày là tàn phai, nhưng hoa khô, sau khi được xử lý thì tồn tại 15 - 20 năm, không bao giờ héo. Mang ý nghĩa về sự vĩnh cửu".