(Tổ Quốc) - Trong các quy hoạch của Hà Nội đều có các chính sách di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm trong nội thành. Tuy nhiên, việc thực hiện không quyết liệt đã dẫn tới tình huống như vụ cháy nhà máy Rạng Đông mới đây.
- 11.09.2019 Vụ cháy ở Công ty Rạng Đông: Hai Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương làm rõ phạm vi, giới hạn khu vực ô nhiễm môi trường
- 11.09.2019 Hà Nội buộc Công ty Rạng Đông di dời đến cơ sở mới
- 10.09.2019 Không tìm thấy kết quả quan trắc chất lượng môi trường sau vụ cháy Rạng Đông
- 10.09.2019 Chủ tịch Công ty Rạng Đông "bay" hơn 2 tỷ đồng sau vụ cháy
- 10.09.2019 PGS. TS Bùi Thị An: “Công ty Rạng Đông vô trách nhiệm với sức khỏe của người dân và cần phải xử lý những người có liên quan”
Trong quy hoạch, Rạng Đông phải di dời nhưng vẫn sản xuất
Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, trước năm 1986, Hà Nội có 7 khu công nghiệp trong nội thành, nhưng tới Quy hoạch Thủ đô năm 1992 đã xác định rõ phải cải tạo lại các khu công nghiệp trong nội đô để đảm bảo không gây cháy nổ và gây ô nhiễm môi trường.
Khi đó, Hà Nội cũng đã có chính sách ưu tiên di dời cụm công nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là có chính sách ưu tiên giới thiệu địa điểm thích hợp; hình thành cụm công nghiệp vừa và nhỏ để các cơ sở công nghiệp này di dời ra như Minh Khai, Mỹ Đình, Đông Anh.
Tới Quy hoạch chung thủ đô năm 1998, Hà Nội chủ trương di dời các khu cụm công nghiệp ra khỏi nội đô và lúc đó Hà Nội đã bổ sung thêm nhiều chính sách ưu tiên như ưu đãi thuế và tiền thuê đất. Lúc ấy có nhiều doanh nghiệp nhỏ lẻ, các nhà máy lớn đã có di dời hợp lý hình thành diện mạo mới như khu vực Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, Dệt 8.3. Năm 1998, Hà Nội còn đẩy mạnh phát triển các cụm công nghiệp vừa và nhỏ, liên kết vùng thủ đô để tạo lập các nơi mới như Hưng Yên, Hải Dương để phát triển công nghiệp.
Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông có địa chỉ tại phố Hạ Đình, Thanh Xuân đã bị cháy ngày 28/8. Trong vật liệu bị cháy có nhiều bóng đèn chứa thủy ngân gây lo lắng cho người dân sinh sống khu vực xung quanh. Ảnh: Bảo Trung
"Thời điểm ấy đã có nghiên cứu để chuyển hóa cho phù hợp với quy hoạch này như khu công nghiệp ở Lạc Trung, nhà máy xe điện, tàu điện Thụy Khuê đã được di dời không cho khai thác sử dụng nữa. Hà Nội cũng nghiên cứu tổ chức liên kết thí điểm với nhiều TP của các nước trên thế giới để cải tạo các khu như Cao- Xà- Lá (cụm nhà máy Cao su Sao Vàng, Xà phòng, Thuốc lá Thăng Long- quận Thanh Xuân- PV)…"- KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết.
Ông cũng cho biết thêm, sau Quy hoạch năm 1998, Hà Nội làm được khá nhiều việc. Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (năm 2011) một lần nữa khẳng định yêu cầu trên và thêm vào đó là Luật Thủ đô 2013 đã xác định phải di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi nội đô, xây dựng những đô thị vệ tinh các khu công nghiệp mới để tạo điều kiện cho các cơ sở di dời.
Dẫn lại những cơ sở công nghiệp phải di dời theo quy hoạch, KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, Hà Nội phải quyết liệt hơn nữa trong việc di dời các nhà máy.
"Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông và khu Cao – Xà – Lá đều là những cơ sở có quyết định di dời sớm, TP có địa điểm cho họ triển khai thực hiện nhưng rất tiếc là không di dời sớm. Thậm chí chưa di dời trụ sở văn phòng, một số nhà máy như Rạng Đông vẫn tiếp tục sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm, không di dời trong khi TP có chủ trương theo quy hoạch là có phát triển cải tạo chỉnh trang lại các khu dân cư xung quanh"- KTS Đào Ngọc Nghiêm nói.
Trong công văn mới của Chủ tịch UBND TP giao Công an Thành phố sau khi hoàn thành việc lấy mẫu để phục vụ công tác điều tra khẩn trương bàn giao ngay hiện trường vụ cháy cho Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông để tiến hành ngay việc thu gom, xử lý toàn bộ các chất thải do vụ cháy để lại đúng quy trình, quy định hiện hành; Sau đó tổ chức tẩy độc toàn bộ khu vực.
Đồng thời khẩn trương di dời nhà máy đến cơ sở sản xuất mới theo quy định tại Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Chưa quyết liệt di dời
Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, vụ cháy ở Công ty Rạng Đông thể hiện là họ vẫn sản xuất, có nguy cơ ô nhiễm nhưng chưa tạo ra được khoảng cách với khu dân cư xung quanh.
"Trong quy chuẩn Việt Nam QC01-2008 đã có quy định rõ về việc này hay Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã xác định rất rõ trách nhiệm ở đây thuộc về chủ dự án, chủ sở hữu các công trình gây ô nhiễm. Trong đó có yêu cầu họ phải có trách nhiệm công bố mức độ nguy hại với cộng dồng dân cư xung quanh. Hà Nội cũng có quyết liệt, cơ chế đồng bộ nhưng thực hiện thì vẫn còn tồn tại như tại Rạng Đông"- KTS Đào Ngọc Nghiêm nói.
Nguyên nhân của tình trạng này theo KTS Đào Ngọc Nghiêm là do chưa quyết liệt việc di dời, Hà Nội thực hiện quy hoạch theo kiểu vừa di dời vừa xây dựng mới nên còn đan xen, khai thác sử dụng cũ.
Thứ 2 nữa là trong quá trình quá độ, Thủ đô chú trọng phát triển mới mà chưa kiểm tra, thanh tra thường xuyên cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, không xử lý nghiêm túc để xảy ra tình trạng như vậy.
"Chính quyền địa phương chưa quyết liệt, phải di dời ngay các cơ sở này. Đây là thách thức với Thủ đô trong quá trình quy hoạch: vừa thực hiện di dời vừa thực hiện phát triển mới nên không đảm bảo hành lang an toàn giữa khu vực sản xuất và khu vực dân cư xung quanh. Đặc biệt là thiếu kiểm soát ô nhiễm môi trường và phòng cháy chữa cháy. Phòng cháy chữa cháy mới tập trung ở các khu chung cư, chứ chưa tập trung tại các cơ sở gây ô nhiễm môi trường"- KTS Đào Ngọc Nghiêm nói.
Được biết, hiện tại, Hà Nội đang xem xét 21 dự án thuộc diện di dời nhà máy ra khỏi khu vực nội thành, với diện tích chuyển mục đích sử dụng đất là 346.000m2.
Số lượng các cơ sở đề xuất di dời tại 12 quận là 117 cơ sở, cụ thể: quận Đống Đa 15 cơ sở; quận Ba Đình 2 cơ sở; quận Cầu Giấy 2 cơ sở; quận Hai Bà Trưng 18 cơ sở...
Ngoài ra, đến giữa năm 2018, đã có 35 cơ sở sản xuất công nghiệp chuyển đổi chức năng trong khu vực nội thành như: Tổ hợp hỗn hợp cao tầng tại 31 Kim Mã, Ba Đình của Công ty TNHH Hòa Bình; Khu nhà ở Mỹ Đình tại tổ 15 phường Cầu Diễn, Nam Từ Liêm của Công ty CP Mỹ Đình được thành lập bởi liên danh các nhà đầu tư Công ty TNHH MVT Giống gia súc Hà Nội, Công ty CP đầu tư Nam Anh, Công ty CP Tập đoàn đầu tư P.H./.