(Tổ Quốc) - Thời gian vừa qua, cùng với cái nắng nóng thiêu đốt diễn ra trên nhiều tỉnh, thành thì một số địa phương còn xảy ra tình trạng cháy rừng gây thiệt hại khá nặng nề. Nhưng đáng chú ý là nguyên nhân của vụ cháy xuất phát từ sự bất cẩn, thiếu ý thức của chính con người.
Nhiều vụ cháy rừng liên tiếp xảy ra
Vào tuần cuối tháng 6, tại Nghệ An do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao đã khiến một số rừng thông ở huyện Nam Đàn, Yên Thành, Diễn Châu, Thanh Chương… liên tục bị cháy.
Theo thống kê từ báo Nghệ An, từ đầu năm đến nay (tháng 7) trên địa bàn tỉnh này đã xảy ra 13 vụ cháy rừng. Mặc dù các lực lượng chức năng và tại chỗ đã tích cực dập lửa rừng nhưng đã có những mất mát về người và thiệt hại nhiều diện tích rừng.
Nguyên nhân của hai vụ cháy rừng liên tiếp ở Hà Tĩnh đều xuất phát từ người dân đốt cỏ rác. Ảnh minh họa/ Nam Nguyễn
Còn tại Hà Tĩnh, từ đầu tháng 7 đến trung tuần tháng 7 đã xảy ra liên tiếp nhiều vụ cháy rừng gây thiệt hại hàng chục ha rừng. Đáng chú ý do thời tiết và địa hình phức tạp, khiến những đám cháy bùng phát trở lại gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý và cuộc sống của người dân.
Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 6 tháng đầu năm 2019, cả nước xảy ra 156 vụ cháy rừng với diện tích rừng bị cháy 930 ha, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Từ tuần cuối tháng 6 đến tuần đầu tháng 7 năm 2019 tại các tỉnh miền Trung đã xảy ra hàng chục vụ cháy gây thiệt hại rừng của Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên. Diện tích rừng bị thiệt hại ước tính sơ bộ khoảng 293ha (có 14 vụ chưa xác định diện tích rừng bị thiệt hại).
Thống kê của Bộ Công an cho biết, từ 7/2014-5/2018, cả nước đã xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người, thiệt hại về tài sản ước tính trên 6.500 tỷ đồng và 6.400 ha rừng.
Xuất phát từ ý thức con người
Xuất phát từ sự thiếu ý thức do sự bất cẩn, thiếu ý thức, không lường trước được hậu quả mình làm đã dẫn đến những vụ việc cháy rừng đáng tiếc xảy ra.
Cơ quan CSĐT Công an huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối tượng Phan Đình Thành (SN 1973, trú tại thôn 7, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân) về tội "Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy" theo Điều 313 Bộ luật Hình sự. Tại cơ quan điều tra, ban đầu đối tượng khai nhận vào sáng 28/6 đi mua đồ ăn và một chiếc bật lửa ga để hút thuốc, sau đó ra vườn gom rác, cỏ khô để đốt. Nhưng vì bất cẩn, không kiểm soát ngọn lửa khiến "bà hỏa" lan rộng và trở thành vụ cháy rừng gây thiệt hại khá nặng nề.
Mới đây, ngày 10/7, Công an huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), đã khởi tố bị can Nguyễn Thị Hảo (SN 1983, trú tại thôn Yên Sơn, huyện Hương Sơn) cùng tội với trường hợp trên Vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy. Cũng tại cơ quan điều tra, nguyên nhân ban đầu được đối tượng khai lại tiếp tục giống với trường hợp kể trên của đối tượng Phan Đình Thành, đó là dùng lửa đốt cỏ tại khu vực ruộng Nương Mua (thuộc thôn Yên Sơn, xã Sơn Trung). Nhưng cộng với thời tiết nắng nóng, gió Tây Nam thổi mạnh nên lửa đã cháy lớn và lây lan rộng và sau đó mất kiểm soát và lửa càng ngày càng lan rộng.
Cháy rừng ở Hà Tĩnh đã phải huy động nhiều lực lượng tham gia chữa cháy
Cách đây khoảng một tháng, tại bán đảo Sơn Trà đã xảy ra một vụ cháy rừng. Nguyên nhân ban đầu vụ cháy rừng được xác định do du khách tổ chức nấu nướng bất cẩn, khi ra về không dập tắt hết lửa, kết hợp với thời tiết nắng nóng, khiến đám cháy bùng phát gây thiệt hại hàng nghìn mét vuông.
Dẫn chứng nguyên nhân ban đầu được các đối tượng khai để thấy xuất phát điểm của một đám cháy rừng gây ra nhiều thiệt hại lại chỉ là một đốm lửa nhỏ để đốt rác hay nấu ăn. Một lý do nghe không có vẻ gì to tát nhưng để lại hậu quả vô cùng lớn và khó lường. Không những thế hai vụ cháy rừng liên tiếp xảy ra lại có cùng nguyên nhân đốt cỏ, đốt rác trong vườn cho thấy rõ sự chủ quan, lơ là, bất cẩn của con người. Nhưng hậu quả thì đã rõ, một cái giá quá đắt được bắt nguồn từ đám cháy tưởng rằng "lãng xẹt", tầm phào, không đáng quan tâm.
Ông cha ta đã nói "thủy hỏa đạo tặc" để ví sự tàn phá của nước và lửa có sức ghê gớm để cảnh báo con người không được chủ quan, coi thường trước thiên tai, hỏa hoạn.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến thủy, hỏa trở thành "đạo tặc" như do thiên tai, nhưng không thể không nhắc đến nguyên nhân do chính con người gây nên. Chúng ta chưa có ý thức được việc giữ gìn, bảo vệ môi trường sống, khai thác bừa bãi, cạn kiệt tài nguyên dẫn đến thiên tai, lũ lụt, hạn hán… Còn với những vụ hỏa hoạn phần lớn xuất phát từ sự bất cẩn của con người. Chập điện, cháy nổ, cháy rừng… đều vì con người chủ quan, coi thường những sự cố vụn vặt hàng ngày mà không nghĩ tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn. Hỏa hoạn một khi đã xảy ra sẽ có sức lan rộng và tàn phá rất nhanh, kéo theo những thiệt hại nặng về về tính mạng, sức khỏe, vật chất không chỉ của riêng cá nhân mà ảnh hưởng đến cộng đồng.
Vì vậy có lẽ cách để không xảy ra vụ hỏa hoạn là mỗi chúng ta hãy ý thức, cẩn trọng từ khi chưa xảy ra sự cố đáng tiếc nào từ những việc làm nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày. Đó là cách "dập lửa" hiệu quả nhất mà chúng ta cần phải thực hiện cho chính bản thân và cộng đồng.