• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chỉ có 16% các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ

Sức khỏe 05/07/2016 22:53

(Tổ Quốc) - Đây là thông tin được bà Đinh Thị Thu Thủy, chuyên viên vụ Pháp chế cho biết tại Hội thảo về đánh giá tuân thủ và vi phạm Nghị định về kinh doanh, sử dụng sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ ngày 5/7.

Quỹ tiếp cận Dinh dưỡng (ATNF) và chỉ số tiếp cận dinh dưỡng của ATNI của thế giới đã chỉ ra rằng: Nếu mọi trẻ em đều được bú mẹ tối ưu cho tới lúc 2 tuổi thì 800.000 trẻ em sẽ được cứu sống mỗi năm.

ATNF, ATNI khi nghiên cứu tại Việt Nam đã cho thấy, 29 trong số 814 phụ nữ cho biết được nhân viên y tế trao đổi về việc sử dụng các sản phẩm thay thế sữa mẹ, nhưng có đến 75,9% nhân viên y tế gợi ý sử dụng một sản phẩm cụ thể. Các công ty sữa được nhắc tới nhiều nhất là Abbott, Nestle và Friesland Campina.

Bà Đinh Thị Thu Thủy cho biết, qua khảo sát và thống kê cho thấy việc thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ, đặc biệt là nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu rất khó khăn, chỉ có khoảng 16%.

Hội thảo về đánh giá tuân thủ và vi phạm Nghị định về kinh doanh, sử dụng sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ (ảnh: Nhị Xuân)

Liên quan tới vấn đề này, từ năm 2014, Chính phủ đã ban hành nghị định Quy định về kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ 1/3/2015.

Nghị định nêu rõ lợi ích và tính ưu việt của việc nuôi con bằng sữa mẹ, khẳng định sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ; các yếu tố chống nhiễm khuẩn, đặc biệt là kháng thể chỉ có trong sữa mẹ có tác dụng giúp cho trẻ phòng, chống bệnh tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường hô hấp và một số bệnh nhiễm khuẩn khác.

Các bất lợi khi không nuôi trẻ bằng sữa mẹ mà thay vào đó là cho trẻ ăn sản phẩm thay thế sữa mẹ như: Không cung cấp được cho trẻ khả năng miễn dịch có trong sữa mẹ, tốn kém kinh tế, thời gian, trẻ có thể bị nhiễm khuẩn nếu pha chế không đúng cách và bất lợi khác.

Nghị định cũng nêu rõ trách nhiệm của cơ sở y tế là phải tổ chức thực hiện các biện pháp tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ cho phụ nữ mang thai, bà mẹ có con nhỏ và thành viên trong gia đình. Có hình thức tuyên truyền, treo pano, áp phích… tại các phòng khám thai, phòng chờ sinh.

Cùng với đó tạo điều kiện để và mẹ cho con bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho trẻ bú mẹ kéo dài đến 24 tháng hoặc lâu hơn.

Nhị Xuân

NỔI BẬT TRANG CHỦ