• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chi hội Kiều học Hà Nội- "Địa chỉ đỏ" dành cho những người yêu Truyện Kiều ở Thủ đô

Văn hoá 27/04/2019 14:34

(Tổ Quốc) - Ngày 25/4, Chi hội Kiều học Hà Nội (thuộc Hội Kiều học Việt Nam) chính thức được thành lập, với mong muốn gắn kết những người yêu Truyện Kiều ở Thủ đô cũng như có thêm công trình nghiên cứu Truyện Kiều gắn với mảnh đất Thăng Long - nơi sinh ra đại thi hào Nguyễn Du.

Nhân dịp này, Đại hội lần thứ nhất nhiệm kỳ 2019-2022 Chi hội Kiều học Hà Nội cũng đã diễn ra với sự hiện diện của lãnh đạo Hội Kiều học Việt Nam, Chi hội Kiều học TP Hải Phòng, Ban vận động và hội viên Chi hội Kiều học Hà Nội cùng một số cơ quan thông tấn báo chí.

Chi Hội Kiều học Hà Nội là chi hội thứ 13 thuộc Hội Kiều học Việt Nam, Chi hội Kiều học Hà Nội tuân thủ Điều lệ chung với tôn chỉ mục đích là tổ chức xã hội - nghề nghiệp tự nguyện của các nhà nghiên cứu và những người Việt Nam yêu mến Truyện Kiều thuộc các ngành từ văn học nghệ thuật đến khoa học xã hội, khoa học tự nhiên nhằm phát huy trí tuệ tập thể trong việc nghiên cứu và phổ cập kiến thức khoa học chuyên ngành lấy Truyện Kiều làm đối tượng nghiên cứu là ngành Kiều học, phát huy mọi giá trị tinh hoa về văn học nghệ thuật, về văn hóa xã hội được kết tinh, hội tụ trong Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du để tôn vinh giá trị và bảo tồn di sản văn hóa quý giá của dân tộc Việt Nam.

Chi hội Kiều học Hà Nội- Địa chỉ đỏ dành cho những người yêu Truyện Kiều ở Thủ đô - Ảnh 1.

Ban Chấp hành Chi hội Kiều học Hà Nội nhiệm kỳ đầu tiên

Chi Hội hoạt động theo Điều lệ của Hội Kiều học Việt Nam tuân thủ quy định của pháp luật, chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ; chịu sự quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực hoạt động chính của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và các Bộ, ngành có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hội hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật; công bố các giá trị, tinh hoa văn học nghệ thuật và văn hóa xã hội kết tinh trong Truyện Kiều; tôn vinh, phát huy và bảo vệ di sản văn hóa của dân tộc. Đồng thời Chi hội tập trung mọi hoạt động có tính chất đặc thù là gắn với nơi Nguyễn Du sinh ra ở phường Bích Câu - Thăng Long năm 1765.

Tại buổi lễ, TS. Đinh Công Vỹ, Trưởng ban vận động đã báo cáo kết quả hoạt động thời gian qua của từng thành viên; vận động các hội viên tham gia vào từng lĩnh vực tìm hiểu, nghiên cứu Truyện Kiều; phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ. Với nỗ lực không ngừng, sau thời gian vận động, những công dân Hà Nội yêu Truyện Kiều, những nhà nghiên cứu, nhà giáo, nhà quản lý văn hóa đã đăng ký tham gia Chị hội Kiều học Hà Nội. Một đội ngũ những trí thức, văn nghệ sĩ, người yêu Truyện Kiều đã tự nguyện tập hợp vào ngôi nhà chung, như: TS Đinh Công Vỹ (nguyên cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm), TS. Lê Xuân Kiêu (Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám), Nhà nghiên cứu Hoài Yên, PGS.TS Lê Nguyên Cẩn (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), nhà văn Bùi Việt Thắng (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội), nhà văn PGS.TS Lê Thị Bích Hồng (Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội), nhà nghiên cứu Hán Nôm Lê Khắc Huy, nhà giáo Nguyễn Trung Văn (nguyên giảng viên Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội), Nguyễn Huy Mỹ (hậu duệ Nguyễn Huy Trường Lưu)…

Trong nhiệm kỳ đầu, Chi Hội đề ra 9 hoạt động quan trọng trong nhiệm kỳ: Hoàn chỉnh niên biểu chi tiết về Nguyễn Du; Tổng kết khoa học, chính xác thời điểm Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều; Phối hợp với UBND TP Hà Nội để có nghiên cứu khẳng định về khoa học thời gian Nguyễn Du được phong Tri phủ Thường Tín (năm 1802). Xây dựng địa danh Tổ nội, Tổ ngoại của Nguyễn Du ở Thanh Oai thành trọng điểm du lịch trong bản đồ du lịch quê cha, quê mẹ, quê vợ và tổ tiên Nguyễn Du; Tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức nghệ thuật để các thế hệ người Việt và bạn bè quốc tế biết đến kiệt tác Truyện Kiều.

Cùng đó, tổ chức hội thảo khoa học về mối quan hệ giữa hai dòng họ: Nguyễn Tiên Điền và Nguyễn Huy Trường Lưu, tổ chức hội thảo khoa học, tọa đàm về Nguyễn Du và Truyện Kiều, quan hệ của Nguyễn Du với phái đẹp ở đất Thăng Long, diễn đàn trao đổi qua trang mạng, hay tập san của Hội Kiều học Hà Nội và phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng Khu di tích Nguyễn Du ở Hà Nội và Vườn Kiều.

Trong chương trình, Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Chi hội Kiều học Hà Nội nhiệm kỳ thứ nhất (2019- 2022) gồm 7 thành viên: Chủ tịch - TS Đinh Công Vỹ; 02 Phó Chủ tịch: nhà văn Bùi Việt Thắng, nhà văn PGS.TS Lê Thị Bích Hồng; 04 ủy viên: PGS.TS Lê Nguyên Cẩn, Lê Khắc Huy, Nguyễn Trung Văn và Nguyễn Huy Mỹ.

Đến dự và phát biểu chúc mừng thành công của Đại hội, GS. Phong Lê - Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam, đánh giá cao sự nỗ lực của từng thành viên Ban vận động trong suốt thời gian qua; sự giúp đỡ, hướng dẫn tận tình về chuyên môn của cán bộ lãnh đạo Hội Kiều học Việt Nam; đặc biệt Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã tạo những điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất góp phần cho sự ra đời của Chi hội Kiều học Hà Nội hôm nay.

GS. Phong Lê cũng thông tin về các kết quả hoạt động của Hội trong 8 năm qua cùng sức lan tỏa ảnh hưởng của Hội. Nhằm quảng bá giá trị kiệt tác Truyện Kiều đã được dịch sang hơn 20 ngôn ngữ trên thế giới, thời gian tới, chủ trương của Hội sẽ thành lập Văn phòng đại diện Hội Kiều học Việt Nam tại nước ngoài. Hội sẽ tổ chức hai cuộc thi: Thi đọc thuộc lòng Truyện Kiều (3254 câu), thi viết văn tế Nguyễn Du…

GS. Phong Lê cũng gợi ý những hoạt động của Chi hội, cùng với Hội Kiều học Việt Nam, Chi hội tiếp tục nghiên cứu, khẳng định sức hấp dẫn đặc biệt của tác phẩm Truyện Kiều; có trách nhiệm tuyên truyền, quảng bá rộng rãi nhằm công chúng thêm hiểu biết, trân trọng, nâng cao sự cảm thụ để thấy được cái hay, cái đẹp, giá trị nhân văn trong kiệt tác Truyện Kiều; tổ chức hội thảo khoa học...

Đồng thời Hội tuyên truyền vận động, tập hợp hội viên Hà Nội tham gia vào các lĩnh vực tìm hiểu, nghiên cứu Truyện Kiều; thông tin kịp thời những công trình nghiên cứu Truyện Kiều của hội viên Hà Nội; nghiên cứu, chuyển thể thành những tác phẩm nghệ thuật. Trên cơ sở đại thi hào Nguyễn Du đã được tôn vinh là danh nhân văn hóa thế giới nhân kỷ niệm 250 năm Ngày sinh của ông. Năm tới (2020) chú trọng tổ chức nhiều hoạt động gắn với sự kiện quan trọng tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày mất của đại thi hào Nguyễn Du (16/9/1820-16/9/2020)…

Việc thành lập Chi hội Kiều học Hà Nội trong thời điểm này dù có muộn hơn so với các địa phương khác như: Hà Tĩnh quê cha, Bắc Ninh quê mẹ, Thái Bình quê vợ… song vẫn có ý nghĩa quan trọng riêng như 2 câu thơ của Nguyễn Du trong Truyện Kiều:

"Muộn mằn mà lại thêm tươi

Muộn mằn mà lại hơn mười rằm xưa"

Trong nhiệm kỳ đầu này, Chi hội Kiều học Hà Nội sẽ triển khai từng hoạt động trong kế hoạch và cùng với Hội Kiều học Việt Nam tiếp tục khẳng định những giá trị to lớn của kiệt tác Truyện Kiều; tôn vinh giá trị nhân văn, giá trị tư tưởng thấm nhuần tinh thần dân tộc; tích cực xây dựng những hoạt động thiết thực góp phần cho sự phát triển, lan tỏa giá trị của Truyện Kiều tới nhân dân Thủ đô, đến cùng nhân dân cả nước và mang Truyện Kiều đến bạn bè quốc tế.


Nhà văn Lê Thị Bích Hồng

NỔI BẬT TRANG CHỦ