(Tổ Quốc) -Đây là băn khoăn của một số phụ huynh khi một bên phải lựa chọn máy tính bảng với sự tiện ích với một bên là sách in truyền thống. TS. Vũ Dương Thúy Ngà – Vụ trưởng Vụ Thư viện Bộ VHTTDL đã có những chia sẻ băn khoăn này với báo chí.
- Vừa là Vụ trưởng Vụ Thư viện, lại là tác giả của cuốn sách “Những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh”, xin bà cho biết lý do bà lựa chọn đưa tấm gương đọc sách Chủ tịch Hồ Chí Minh đến công chúng?
+ Bác Hồ có một tuổi thơ không may mắn, 11 tuổi mồ côi mẹ, 14 tuổi mới được đi học. Khi tâm sự với thanh thiếu niên về sau này, Bác đã chia sẻ: Tôi chỉ học hết tiểu học, 17 tuổi mới nhìn thấy ngọn đèn điện đầu tiên. Nhưng thực tế Bác đã có sự hiểu biết phi thường, hiểu biết rộng lớn… tất cả là nhờ có việc học và đọc sách suốt đời. Từ khi còn bé, cha của Bác đã dạy con; Nếu mỗi ngày con không xem được mười trang sách thì có lẽ ngày đó như là con bị nhịn đói nhịn khát.
TS. Vũ Dương Thúy Ngà - Vụ trưởng Vụ Thư viện- Bộ VHTTDL. |
Năm 1911 trước khi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, Bác có tìm gặp cha Nguyễn Sinh Sắc và được tặng một cuốn sách do chính cha viết với tên gọi “nhị vị tập” trong đó có ý nhắc nhở: Nếu như đọc sách, sẽ tìm ra được một chân trời mới cho đất nước. Khi Bác ra đi tìm đường cứu nước và đọc được luận cương Lê – nin, Bác đã tìm ra con đường đi cho dân tộc. Hình ảnh “lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lê - nin” mãi mãi vẫn còn ghi dấu và trở thành hình tượng quen thuộc của người dân Việt Nam.
Khi nhắc nhở các cháu thiếu nhi, kể cả Đảng viên lớn tuổi, Bác vẫn nhắc một điều: Chúng ta phải không ngừng học tập. Coi việc học tập đấy như một cái thang không có bậc cuối cùng mà con người phải thực hiện. Và năm Bác 71 tuổi nhưng ngày nào Bác cũng phải học, nếu không học thì công việc sẽ tụt lại phía sau. Thế giới tiến bộ, đất nước phát triển, ngày càng đòi hỏi mỗi con người phải cố gắng học tập.
Vì thế, thông qua ngày hội “Đọc và học tập suốt đời theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại”, chúng tôi mong rằng phong trào này sẽ được lan tỏa toàn xã hội để mọi người có ý thức đầy đủ hơn về việc đọc sách và tự học theo tấm gương đọc sách của Bác. Từ đó, không ngừng nâng cao dân trí và trở thành con người thông thái góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Theo bà, làm thế nào để phong trào đọc sách hiệu quả, trở thành thói quen thường ngày ở đối tượng học sinh?
+ Trên thực tế khi xây dựng Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã mời thành viên của Bộ Giáo dục & Đào tạo cùng chung tay xây dựng. Vì vậy, đề án phát triển văn hóa đọc đã có giải pháp đặt ra đối với nhà trường rất rõ. Khác với đề án trước đây, các giải pháp đưa ra không chỉ dừng lại ở việc làm thay đổi nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền… mà còn trang bị các kỹ năng đọc, bồi dưỡng lòng yêu đọc sách. Và việc trang bị kỹ năng đọc này thuộc về nhà trường, các thầy cô giáo, cán bộ thư viện và cha mẹ học sinh.
Một tiết mục ý nghĩa trong Ngày hội "Đọc và học tập suốt đời theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại". |
Thực tế hiện nay trong trường học đã bắt đầu thực hiện các tiết học dành cho thư viện và thông qua tiết học này giữa cán bộ thư viện, các thầy cô đã có sự “bắt tay” trong việc xây dựng các tài liệu mở rộng, giúp các em học tập ở ngay trong nhà trường. Nhiều trường tôi đã đi dự và thấy các trường đã mở cửa thư viện ở ngay trong dịp hè, các cô thư viện luôn bám sát chương trình giảng dạy cũng như học tập của giáo viên và học sinh để từ đấy phục vụ hiệu quả hơn.
Tôi nghĩ việc thực hiện đề án lần này sẽ có chiều sâu bởi lòng yêu đọc sách được bồi dưỡng, kỹ năng đọc sách được trang bị nên việc đọc sẽ trở thành nhu cầu phát triển.
- Hiện nay, khi công nghệ thông tin phát triển, ngoài sách giấy truyền thống còn có sách nói, sách điện tử, vậy nếu vì sự tiện ích của sách điện tử và công nghệ thông tin, phụ huynh chỉ mua máy tính bảng, laptop hay điện thoại cho con để đọc sách thay vì mua sách giấy truyền thống thì theo bà có phải là giải pháp có tốt không?
+ Trong đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đã bao gồm vừa phát triển tài liệu đọc truyền thống vừa phát triển đọc các tài liệu điện tử. Với xu thế khoa học công nghệ phát triển như hiện nay, internet đã trở thành phổ biến với tất cả mọi người thì việc đọc trên mạng hay việc đọc điện tử chúng ta cũng phải xem xét đấy là một dạng đọc. Các tài liệu điện tử đó bản chất vẫn là tài liệu in nhưng được “số hóa”, hoặc được chế bản dưới dạng điện tử ngay từ đầu. Chính vì thế chúng ta cũng không nên quá lo lắng và cứ phải sách in mới là đọc. Ở đây văn hóa đọc là bao gồm có cả đọc sách in truyền thống và sách điện tử.
Tuy nhiên, nếu chỉ đọc sách điện tử không thôi thì tôi nghĩ cũng… hơi lệch. Thực tế, với tôi cảm tưởng khi được cầm quyển sách trên tay ngửi thấy mùi thơm của giấy và mực in thì bao giờ niềm phấn khích cũng tăng lên. Và người đọc có thể giở đi giở lại để đọc từng trang một. Theo tôi thì hai phương thức đọc – đọc sách giấy và sách điện tử sẽ bổ trợ cho nhau.
Với đề án phát triển văn hóa đọc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã phát biểu tại Ngày hội “Đọc và học tập suốt đời theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại” đặt ra nhiệm vụ của thư viện phải phát triển cả vốn tài liệu in truyền thống và cả vốn tài liệu điện tử.
Ảnh minh họa. Nguồn baotintuc.vn |
Đặc biệt hiện nay, đối với người khiếm thị, người khuyết tật, vùng sâu vùng xa thì chúng tôi cũng đang đẩy mạnh việc phát triển sách nói. Vì sách nói cũng là phương tiện giúp họ tiếp cận thông tin một cách dễ dàng, nhất là đối với người khiếm thị. Trong những năm gần đây, hoạt động phục vụ cho người khuyết tật ở trong các thư viện được đẩy mạnh. Đối với những người khuyết tật như người mù thì nhiều khi tài liệu in truyền thống lại khó tiếp cận, vì phải là chữ nổi brai, hoặc sách nói. Do vậy, ở đây chúng ta cũng không nên quá lo ngại. Nếu chúng ta giúp cho mọi người hiểu được đầy đủ ý nghĩa của việc đọc thì họ có thể tìm tài liệu đọc dưới mọi dạng thức.
- Vậy theo bà, từ những hình thức đọc khác nhau như đã nói ở trên thì thống kê từng được công bố rằng mỗi người dân Việt Nam chỉ đọc trung bình một cuốn sách một năm phải chăng là chưa chính xác?
+ Thống kê hiện nay chưa chính xác, bởi tất cả con số thống kê đó hoàn toàn dựa trên số liệu thư viện công cộng báo cáo, còn rất nhiều những thư viện nhà trường nữa… nên con số đó chưa tổng hợp hết. Vì thế nếu nói một người dân chỉ đọc một cuốn sách mới chỉ là đọc ở thư viện công cộng. Nếu chúng ta làm một phép tổng sẽ khác. Do vậy, trong đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng chúng tôi đã đặt ra đến 300 triệu lượt đọc năm 2020, tức là trung bình mỗi người dân phải đọc tối thiểu bốn cuốn sách một năm.
Cảm ơn bà!.