• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chi phí sinh hoạt toàn châu Á đồng loạt tăng vọt

Kinh tế 29/03/2022 12:54

(Tổ Quốc) - Khu vực châu Á đang đối mặt với khủng hoảng về chi phí sinh hoạt do xung đột, Covid-19 và những khó khăn trong duy trì chuỗi cung ứng.

Trong 30 năm qua, chủ siêu thị Hiromichi Akiba ở Tokyo đã tuân thủ phương châm "cung cấp cho khách hàng những thực phẩm tươi ngon với giá rẻ". Nhưng mục tiêu này đang gặp thử thách khi chi phí mua sắm hàng hóa tăng cao vì sự gián đoạn chuỗi cung ứng, xung đột Ukraine và nhu cầu tiêu dùng bị dồn nén sau hai năm đại dịch Covid-19 diễn ra.

Lạm phát diễn ra trên diện rộng

Người đàn ông 53 tuổi này hiện phải trả nhiều tiền hơn để đổ xăng cho 20 chiếc xe tải của mình, và hóa đơn tiền điện, khí đốt của ông cũng đang tăng mạnh. Chi phí lao động cũng cao hơn do khó khăn hơn để tìm nguồn nhân lực vì dân số trong độ tuổi lao động của Nhật Bản giảm, và dịch Covid-19 cũng khiến việc duy trì hoạt động bình thường trở nên khó khăn. Giá thực phẩm bán buôn cũng đang tăng khi hậu cần và các chi phí khác cũng tăng cao.

Ông Akiba nói: "Chi phí thực phẩm đang làm ngân sách của các hộ gia đình thêm khó khăn và người tiêu dùng thêm nhạy cảm với giá cả. Một mặt, chúng tôi phải tốn thêm chi phí 12 triệu yên/năm, nhưng mặt khác, lại không thể chuyển chi phí đó cho người tiêu dùng nên chúng tôi không có thêm lợi nhuận để trang trải chi phí tăng cao ... Không tìm được giải pháp nào cả".

Chi phí sinh hoạt toàn châu Á đồng loạt tăng vọt - Ảnh 1.

Giá nhiên liệu tăng cao đẩy giá cả nhiều mặt hàng khác cũng tăng theo. Ảnh: AFP/Jiji.

Chi phí đã gia tăng trước khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự Ukraine. Giờ đây, các doanh nghiệp và hộ gia đình ở châu Á còn gặp khó khăn hơn nữa. Trong bối cảnh các đồng tiền châu Á suy yếu so với đồng đô la và các ngân hàng trung ương đẩy lãi suất lên cao, châu Á - động lực tăng trưởng tiêu dùng của thế giới – đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt. Khi người châu Á ngày càng khó khăn hơn để kiếm sống, các nhà lãnh đạo dự kiến nhậm chức trong năm tới có thể phải đối mặt phản ứng gay gắt của người dân.

Kenta Goto, giáo sư tại khoa kinh tế tại Đại học Kansai ở Osaka, cho biết: "Chi phí sinh hoạt tăng, đồng thời với việc đồng tiền châu Á suy yếu trong khi Mỹ tăng lãi suất, có thể gây ra lực kìm hãm cho nền kinh tế khu vực. Nếu lạm phát tiếp tục tăng và thu nhập thực tế giảm, sức mua của khu vực châu Á sẽ bị ảnh hưởng".

Một số công ty đã tăng giá. Hãng điều hành taxi lớn nhất Singapore ComfortDelGro trong tháng này đã tăng giá vé lần đầu tiên trong một thập kỷ, với lý do giá nhiên liệu tăng 10%.

Tại Thái Lan, Thai President Foods, nhà sản xuất mì ăn liền Mama - là một loại thực phẩm được tiêu thụ rộng rãi, giá cả phải chăng - cho biết họ sẽ tăng giá bán lẻ thêm 9% lên 6,00 baht (0,18 USD) / gói 90 gram. .

Tương tự như vậy, các chuỗi cà phê của Đài Loan (Trung Quốc) đang chuyển chi phí gia tăng cho người tiêu dùng. Louisa Coffee, một chuỗi cà phê lớn, đã tăng giá 40 sản phẩm, trong khi Cama Cafe dự kiến sẽ tăng giá lần đầu tiên sau 5 năm. Lạm phát cũng ảnh hưởng đến các sản phẩm từ giấy vệ sinh đến gà rán và trà sữa.

Các đợt tăng giá mạnh đã khiến rất nhiều người dân lo lắng. Somchai Bua-gnern, 39 tuổi, lái xe tuk tuk ở Thái, cho biết: "Giá thịt lợn tăng, giá trứng tăng và ngay cả thực phẩm rẻ như mì gói cũng đắt hơn". Trong khi đó, thu nhập của ông chỉ khoảng 200 baht (khoảng $ 6) mỗi ngày.

Một cuộc khảo sát do Văn phòng Nội các Nhật Bản thực hiện vào tháng 2 cũng cho thấy 92% người được hỏi dự đoán rằng chi phí sinh hoạt sẽ tăng trong năm tới.

"Hóa đơn tiền điện và ga đang tăng. Tôi lo lắng không biết chúng tôi sẽ gặp những tác động như thế nào đối với cuộc sống hàng ngày", một người nội trợ 60 tuổi ở Tokyo cho biết. Bà đã mua sắm ít hơn và tìm đến những cửa hàng rẻ hơn "bởi vì ngay cả khi mọi thứ trở nên đắt đỏ hơn, thu nhập của chúng tôi cũng không tăng".

Thêm vào đó, hành động quân sự của Nga tại Ukraine diễn ra vào đúng thời điểm khó khăn này, khi các nền kinh tế đang cố gắng vượt qua đại dịch Covid-19. Nga là nước xuất khẩu lớn các loại phân bón như kali và amoni nitrat, trong khi Ukraine là nhà cung cấp ngô và lúa mì chính. Hiện nay, đang có những lo ngại về nguồn cung lương thực dài hạn và giá cả trong tương lai.

Một nông dân trồng cà chua ở Tokyo cho biết một số nhà cung cấp phân bón đã ngừng nhận đơn đặt hàng mới. Người này cho biết: "Tôi đã xoay sở đủ phân bón để đảm bảo cho mùa vụ này, nhưng tôi sẽ phải trả nhiều tiền hơn và tranh giành phân bón trong tương lai". Giá dầu nặng, được sử dụng để giữ ấm cho các nhà kính, tăng cao cũng đã khiến chi phí của ông tăng thêm 300.000 yên mỗi năm.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà máy thức ăn chăn nuôi Thái Lan Pornsilp Patcharintanakul cho biết giá thức ăn chăn nuôi tăng đã đẩy chi phí sản xuất thịt và gia cầm lên cao. Giá ngô tăng gần 20% so với năm ngoái và giá đậu tương tăng 25%. Ông nói: "Chúng tôi đều cho rằng chính phủ nên làm điều gì đó để giúp hạn chế sự gia tăng của giá thức ăn chăn nuôi".

Lạm phát và nguy cơ tới sự ổn định chính trị

Một số chính phủ châu Á đang cố gắng kiềm chế lạm phát với lo ngại có thể bị ảnh hưởng về chính trị.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Hàn Quốc ngày 15/3 ước tính GDP của nước này sẽ giảm 0,2 điểm % và cán cân tài khoản vãng lai của nước này sẽ giảm 2 tỷ USD nếu giá dầu tăng 10%. Để giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng, chính phủ đã gia hạn lệnh cắt giảm thuế 20% đối với doanh số bán xăng và dầu diesel thêm ba tháng cho đến cuối tháng Bảy.

Đầu tháng này, Thái Lan cho biết họ sẽ giới hạn giá dầu diesel ở mức 30 baht/lít. Chính phủ cũng đang cân nhắc việc thiết lập mức trần cho các nhu cầu thiết yếu khác. Đài Loan đã thực hiện các biện pháp tương tự bằng cách giảm thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu, bao gồm miễn thuế kinh doanh 5% đối với đậu nành, ngô và lúa mì, giảm một nửa thuế đối với bơ, sữa bột và giảm thuế hàng hóa đối với dầu diesel và xăng.

Một số nhà kinh tế cho rằng châu Á vẫn chưa phải đối mặt với khủng hoảng, nhưng không loại trừ áp lực lạm phát ngày càng gia tăng.

Irfan Qureshi, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Phát triển Châu Á, cho biết lạm phát gia tăng trong khu vực vẫn có thể kiểm soát được.

Ông Qureshi nói :"Điều quan trọng là các ngân hàng trung ương trong khu vực phải theo dõi tình hình lạm phát của họ một cách chặt chẽ và không bị tụt lại phía sau. Lạm phát cao và kéo dài ảnh hưởng nặng nề nhất đến người nghèo, có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng và căng thẳng xã hội."

Tại Nhật Bản, chính phủ của ông Kishida hôm thứ Ba tiết lộ rằng họ dự định đưa ra một gói cứu trợ để giảm bớt tác động của giá nhiên liệu và vật liệu tăng. Gói này sẽ được chuẩn bị sẵn sàng vào cuối tháng 4, trước cuộc bầu cử thượng viện vào tháng 7.

Người dân Đài Loan cũng sẽ đi bỏ phiếu vào tháng 11 năm tới. Những nỗ lực của chính quyền bà Thái Anh Văn nhằm ổn định giá dầu, điện, nước và hàng hóa cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của chính phủ trong các cuộc bầu cử địa phương, vốn được coi là điềm báo cho cuộc bỏ phiếu vị trí lãnh đạo cao nhất vào năm 2024.

Philippines, do tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 5, đã phát hành 3 tỷ peso (57 triệu USD) trợ cấp nhiên liệu cho các tài xế khu vực công và nông dân vào đầu tháng này. Vài ngày sau, Tổng thống Rodrigo Duterte đã phê duyệt 200 peso trợ cấp hàng tháng cho các gia đình nghèo, và sau đó đã tăng lên 500 peso.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ