• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính: Xây dựng, Môi trường xếp quán quân

Thời sự 17/08/2018 16:20

(Tổ Quốc)-Sáng 17/8, tại Hà Nội, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ đã công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2018 (APCI).

Đây là lần đầu tiên, chỉ số này được điều tra, nghiên cứu và công bố.

Gây áp lực cải cách thủ tục hành chính

Báo cáo vừa được công bố cho thấy quán quân trên bảng xếp hạng APCI là nhóm thủ tục thuế với chi phí trung bình chỉ hơn 73.000 đồng, trong khi nhóm thủ tục xây dựng đứng sau cùng với chi phí lên tới hơn 64 triệu đồng.

Với nhóm thủ tục xây dựng, mặc dù chi phí thời gian của nhóm này không ở nhóm cao nhất, nhưng chi phí trực tiếp cao vượt trội đã làm nhóm thủ tục này trở nên đắt đỏ bậc nhất. Với mỗi triệu đồng mà doanh nghiệp phải chi trả thì 0,93 triệu đồng là chi phí trực tiếp doanh nghiệp cần để hoàn thiện hồ sơ và 0,07 triệu đồng là chi phí thời gian.

 Toàn cảnh cuộc họp.

Còn về nhóm thủ tục quán quân là thuế, báo cáo cho biết vị trí quán quân của nhóm thủ tục hành chính có thể được lý giải bởi những nỗ lực cải cách của ngành thuế dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ.

Ông Ngô Hải Phan cho hay, công tác chuẩn bị hồ sơ của doanh nghiệp rất phức tạp. Khâu chuẩn bị hồ sơ, hoàn tất chiếm 55% chi phí, là khâu chiếm chi phí lớn nhất, khâu nộp hồ sơ và trả kết quả chiếm 33%. Như vậy, dư địa cải cách còn rất nhiều.

Ngoài ra, báo cáo cũng cho thấy chi phí thực hiện cùng một thủ tục có sự khác biệt giữa các địa phương.

Chẳng hạn về thủ tục xây dựng, các tỉnh tại  vùng  kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có mức chi phí tuân thủ cao nhất, gấp gần 2,3 lần so với mức trung bình trên cả  nước. Trong khi đó, mức chi phí tuân thủ tại các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chỉ tương đương 20% mặt bằng chung toàn quốc.

“Báo cáo được kỳ vọng sẽ tạo áp lực và cạnh tranh trong cải cách tại các bộ ngành, địa phương” – ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính nhấn mạnh.

Chưa đánh giá được chi phí phi chính thức

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, mục tiêu về cải cách thủ tục hành chính của chúng ta không phải là ở những công việc đang làm mà còn phải xa hơn. Với cách lượng hóa từ thủ tục hành chính theo cách tính của Ngân hàng Thế giới thì với việc cải thiện thủ tục, có thể tiết kiệm cho doanh nghiệp được hơn 3h đồng hồ với hàng lưu kho, hàng xuất khẩu. Từ đó có thể tiết kiệm được hàng chục triệu giờ đồng hồ và hàng triệu đô la.

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

“Ở đây ta chưa đánh giá được chi phí chính thức mà các doanh nghiệp tiếp cận với các cơ quan nhà nước để hoàn thiện một bộ hồ sơ, chi phí ngoài luồng phi chính thức như bao thư, thiệp chúc mừng… Nếu dần dần chúng ta công khai được việc này thì có lẽ doanh nghiệp sẽ hài lòng hơn”- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Giải thích về chi phí tuân thủ thủ tục hành chính khác nhau ở các địa phương, ông Ngô Hải Phan cho biết, chi phí tại vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cao do thời gian chuẩn bị hồ sơ dài, cộng với chi phí trực tiếp cao, gồm cả chi phí không chính thức và chi phí tư vấn.

Với căn cứ chi phí trực tiếp tại các tỉnh trọng điểm Bắc Bộ cao hơn so với các tỉnh trọng điểm phía Nam, ông Ngô Hải Phan cho rằng, đây chính là việc các địa phương cần chấn chỉnh, kể cả công tác cán bộ. Và trong trường hợp các dịch vụ tư vấn độc quyền thì chi phí tư vấn sẽ cao, còn nếu có nhiều đơn vị tư vấn thì chi phí sẽ giảm.

Ông Trương Gia Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Cải cách Thủ tục hành chính, Trưởng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân. 

Tại buổi công bố, ông Trương Gia Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Cải cách Thủ tục hành chính, Trưởng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho rằng, việc sử dụng báo cáo APCI các cơ quan không nên chỉ nhìn vào các con số mà còn phải nắm xem các chỉ số được thiết kế như thế nào. Khi hiểu sâu được bộ chỉ số sẽ tìm được cách rút ngắn chi phí thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp.

Một việc khác nữa, theo ông Trương Gia Bình đặt ra: tại sao nơi này làm tốt mà nơi khác chưa làm tốt, do con người hay do điều kiện vật chất, do lãnh đạo không quan tâm… Từ đó, mới tìm ra được cách thức để kéo giảm chi phí thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp, thúc đẩy cải cách, minh bạch không chỉ với lãnh đạo các địa phương, bộ ngành mà còn với cả Chính phủ./.

Thái Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ