• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chi sai chế độ, sử dụng sai nguồn kinh phí vẫn tái diễn

Kinh tế 21/05/2018 15:04

(Tổ Quốc) - Tại các bộ ngành, địa phương còn sử dụng sai nguồn kinh phí 1.952 tỷ đồng; sử dụng nguồn cải cách tiền lương cho mục đích khác 804,8 tỷ đồng. Nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương quyết toán một số khoản chi thường xuyên không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức.

Trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong bối cảnh thu NSNN năm 2016 còn nhiều khó khăn nhưng về cơ bản, Chính phủ đã tích cực, chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để điều hành dự toán chi NSNN theo quy định, bám sát dự toán được giao; công tác kiểm tra, kiểm soát chi NSNN được tăng cường; công tác quản lý chi NSNN đã được quan tâm hướng tới mục tiêu tiết kiệm, chống lãng phí; bố trí nguồn lực cho đầu tư phát triển, an ninh, quốc phòng, các nhiệm vụ chi thường xuyên quan trọng; hỗ trợ sản xuất, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện chính sách an sinh xã hội. 

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày Báo cáo Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016.    Ảnh: Hà Giang

Bên cạnh kết quả đạt được, UBTCNS nhận thấy, còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý chi NSNN năm 2016.

Cụ thể, việc lập và giao dự toán chi đối với một số khoản chi chưa sát thực tế; vẫn còn tình trạng giao dự toán chậm; giao dự toán chi đầu tư phát triển chưa đúng đối tượng, chưa tuân thủ kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020.

Dự toán một số khoản mục chi chưa sát thực tế, dẫn đến số quyết toán chi vượt dự toán hoặc chi không hết dự toán phải chuyển nguồn lớn; còn tình trạng phân bổ vốn chậm, dồn vào các tháng cuối năm, nhiều khoản bổ sung có mục tiêu của TW trong năm mới giao dự toán; một số khoản chi thường xuyên của một số địa phương, bộ ngành phân bổ, giao dự toán chậm đến 30/6/2016 phải tạm dừng triển khai, hủy dự toán; việc bố trí kinh phí thực hiện chính sách cho miền núi, vùng đồng bào dân tộc còn thấp.  

Đối với chi đầu tư, vẫn còn tình trạng giao vốn nhiều lần chưa đúng quy định; giao vốn cho dự án không có trong danh mục đầu tư công trung hạn; giao vốn đối ứng ODA khi chưa có quyết định đầu tư 100 tỷ đồng; xác định nguồn vốn NSTW trong tổng mức đầu tư vượt tỷ lệ được hỗ trợ 543 tỷ đồng,…

Báo cáo thẩm tra cũng cho thấy, tình trạng chi sai chế độ, sử dụng sai nguồn kinh phí ở các đơn vị sử dụng ngân sách, các chủ đầu tư và cả trong điều hành ngân sách vẫn tái diễn.

Tại các bộ ngành, địa phương còn sử dụng sai nguồn kinh phí 1.952 tỷ đồng; sử dụng nguồn cải cách tiền lương cho mục đích khác 804,8 tỷ đồng; nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương quyết toán một số khoản chi thường xuyên không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, KTNN đã kiến nghị thu hồi, nộp NSNN 670,7 tỷ đồng; một số địa phương hỗ trợ không đúng nhiệm vụ chi; một số địa phương hụt thu nhưng không điều chỉnh dự toán hoặc thực hiện các biện pháp để xử lý hụt thu theo quy định.

Về chi đầu tư, báo cáo thẩm tra cho thấy vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư như phân bổ vốn chậm, bố trí kinh phí dàn trải, tình trạng phải điều chuyển vốn giữa các dự án, kéo dài thời gian giải ngân vốn vẫn diễn ra...

Bên cạnh đó, kết quả giám sát cho thấy, nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) có xu hướng giảm dần song trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, nhiều địa phương chưa bố trí đủ nguồn để thanh toán nợ đọng XDCB phát sinh trước 31/12/2014. Một số bộ, ngành, địa phương tỷ lệ nợ đọng lớn so với tổng chi đầu tư phát triển; còn để phát sinh nợ đọng mới 14.614 tỷ đồng; có địa phương chưa xây dựng phương án, lộ trình xử lý nợ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các dự án được kiểm toán hầu hết đều có sai sót trong nghiệm thu, thanh toán, nên qua kiểm toán 1.497 dự án KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 10.125 tỷ đồng.

UBTCNS đề nghị Chính phủ phân tích, đánh giá nguyên nhân của các bất cập, hạn chế trong chi thường xuyên, chi đầu tư, làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương đồng thời thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng điều hành chi NSNN, bảo đảm việc quản lý, sử dụng NSNN hiệu quả, tiết kiệm, tuân thủ các quy định của pháp luật về NSNN và pháp luật về đầu tư công./.

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ