(Tổ Quốc) - Sáng ngày 20/11, tại TP. Đồng Hới, UBND tỉnh Quảng Bình có buổi làm việc với đoàn công tác tỉnh Sạ-vẳn-na-khệt (nước CHDCND Lào) về xây dựng nông thôn mới (NTM) và xóa đói, giảm nghèo (XĐGN).
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình đã thông tin khái quát một số nét về tình hình, bài học kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới và xoá đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Đến nay, sau hơn 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, bình quân mỗi xã đạt 15,8 tiêu chí, tăng 12,2 tiêu chí/xã so với trước khi triển khai chương trình, bộ mặt nông thôn và đời sống của người dân có nhiều thay đổi rõ rệt.
Đối với công tác XĐGN, tỉnh Quảng Bình đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ hộ nghèo (HN) theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm bình quân từ 1%/năm trở lên; tỷ lệ HN đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) các xã vùng DTTS và miền núi giảm bình quân từ 4%/năm trở lên; cơ bản thoát khỏi tình trạng xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển; trên 80% số đơn vị cấp huyện, xã có tỷ lệ HN dưới 5% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025.
Đến nay, tỉnh Quảng Bình có tỷ lệ HN giảm 1,52% so với năm 2021; tỷ lệ HN DTTS là 58,17% so với hộ DTTS; có 4 xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển; xã có tỷ lệ HN dưới 5% là 103 xã; 100% người lao động thuộc HN, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ việc làm; 71,5% người thuộc HN, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế; tỷ lệ trẻ em thuộc HN, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt 95,7%...
Ông Đoàn Ngọc Lâm - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, những năm qua, tỉnh Quảng Bình luôn đặc biệt quan tâm, triển khai các hoạt động nhằm củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện với tỉnh Sạ-vẳn-na-khệt.
Qua hơn 10 năm thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tỉnh Quảng Bình đã đạt được những kết quả nhất định. Cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm thực hiện, với nhiều cách làm phong phú, sáng tạo, nhiều chính sách sát đúng với thực tiễn đã giúp đời sống người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới và khởi sắc…
Đồng thời mong muốn trong thời gian tới, tỉnh Quảng Bình và tỉnh Sạ-vẳn-na-khệt cùng thúc đẩy hợp tác trên một số lĩnh vực khác mà địa phương có thế mạnh, quan tâm, nhất là lĩnh vực phát triển kinh tế.
Ông Sẻn-sặc Sụ-li-sặc mong muốn tỉnh Sạ-vẳn-na-khệt được triển khai, hợp tác trên các lĩnh vực với tỉnh Quảng Bình, nhất là việc trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về xây dựng NTM, XĐGN…
Tại buổi làm việc, các bên đã trao đổi, chia sẻ bài học kinh nghiệm về xây dựng NTM, XĐGN giữa hai tỉnh, như: Việc ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện; cơ quan thực hiện công tác tham mưu; việc bố trí nguồn vốn, ngân sách; quy định về vùng sản xuất cụ thể…
Cùng nằm ở miền Trung hai nước Việt Nam và Lào, Quảng Bình và Sạ-vẳn-na-khệt có chung gần 23km đường biên giới. Những năm qua, với sự nỗ lực, tâm huyết của lãnh đạo hai địa phương, mối quan hệ hợp tác giữa hai tỉnh ngày càng gắn bó và đạt những thành tựu quan trọng trong nhiều lĩnh vực, mở ra hành trình phát triển mới với kỳ vọng lớn.
Trong giai đoạn phát triển mới, với nhiều nét tương đồng về quy mô dân số, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, các khu kinh tế, vị trí địa lý, mạng lưới giao thông, giáo dục, du lịch…, mối quan hệ Quảng Bình-Sạ-vẳn-na-khệt ngày càng phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực./.