• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chiếc xe máy đi mượn của thiếu tá quân y và sự run rẩy, bỡ ngỡ của nữ sinh lần đầu thấy F0 trở nặng, tím tái

Thời sự 03/09/2021 07:07

(Tổ Quốc) - "Trên cương vị là bác sĩ, lương y như từ mẫu, tất cả quân y đều chăm sóc F0 như người mẹ, thương con, thấy con đau bao nhiêu thì mình cũng lo lắng, đau bấy nhiêu!"

"Sức khoẻ cô thế nào?"

"Tôi hơi đau họng. Nhưng hôm qua thì đứa cháu sốt 38,5 độ…"

"Triệu chứng nhẹ thì cô uống theo đơn thuốc A, khi nào khó thở, SpO2 dưới 95% thì uống theo đơn B và liên hệ ngay với bác sĩ. Trong này có cả nước súc miệng, máy đo SpO2, nhiệt kế,… Cô cứ theo dõi rồi gọi. Không sao cả! Lúc nào cần thì tụi cháu luôn có mặt". Nghe xong câu khẳng định chắc nịch của Thiếu tá Nguyễn Đức Hiếu (lớp chuyên khoa II K35 Học viện Quân y), bà lão mới nở một nụ cười an tâm.

Ngoài cửa, chiếc máy trắng đen của bác sĩ Lê Thị Phương Thảo vẫn dồn dập. "Alo! Bác đo SpO2 đi. Bình tĩnh thôi. Tụi cháu đến ngay mà" - cô gái an ủi. Bệnh nhân tự đo Sp02 tại nhà thì hạ thấp nên vô cùng hoang mang, Thảo phải động viên mãi ông mới yên.

Cứ thế, từ khi trạm y tế lưu động tại P.12 (Q. Gò Vấp, TP.HCM) được thành lập, công việc của "Biệt đội điều trị F0 tại nhà" gần như kéo dài cả ngày lẫn đêm. Gọi là trạm, nhưng nó chỉ là 1 căn phòng nhỏ, được trưng dụng từ trường Nguyễn Tri Phương. Suốt hơn 1 tuần nay, 3 chiến sĩ quân y đã làm việc và nghỉ ngơi tại chỗ.

Chiếc xe máy đi mượn của thiếu tá quân y và sự run rẩy, bỡ ngỡ của nữ sinh lần đầu thấy F0 trở nặng, tím tái - Ảnh 1.

Công việc của "Biệt đội điều trị F0 tại nhà" gần như kéo dài cả ngày lẫn đêm.

Chiếc xe mượn để đi thăm khám F0

Cơn mưa đầu giờ chiều vừa dứt, Thiếu tá Nguyễn Đức Hiếu cùng đồng đội đã vội vã lên đường. Họ nhanh chóng mặc đồ bảo hộ, đeo chiếc túi đựng máy đo SpO2, đo huyết áp, nhiệt kế, kit test nhanh, túi thuốc điều trị Covid-19… Chỉ 10 phút sau, 3 chiếc xe máy đã đậu trước một con hẻm giăng dây trên đường Nguyễn Duy Cung.

2 gia đình sát cạnh nhau tham gia test Covid-19 tại trạm y tế chiều 25/8 thì đến 30/8 nhận thông báo dương tính. Lo sợ, họ tự kiểm tra dịch tễ tại nhà lần nữa cho toàn bộ thành viên, nhưng tất cả đều cho kết quả tương tự, không biết ai lây ai.

"Suốt tháng nay vợ chồng tôi gần như không ra khỏi nhà nên nhận kết quả, tôi sốc lắm. Đêm qua đứa con gái tự nhiên sốt 38,5 độ, tôi lo quá gọi trạm. Rất may chỉ vài tiếng họ đã có mặt" - anh Phạm Ngọc Lâm (34 tuổi) tần ngần kể.

Chiếc xe máy đi mượn của thiếu tá quân y và sự run rẩy, bỡ ngỡ của nữ sinh lần đầu thấy F0 trở nặng, tím tái - Ảnh 3.

Nhận tin có ca F0 cần thuốc gấp, tổ quân y lưu động nhanh chóng lên đường.

Bên cạnh, gia đình ông Võ Văn Hoàng (68 tuổi) có 5 F0. Trong đó, 2 cháu nhỏ dưới 10 tuổi, riêng 2 vợ chồng ông cụ thì đã gần 70, đau họng, chảy nước mũi đã hơn 2 ngày.

"Hai bác phải ăn uống nhiều, giữ tinh thần thoải mái nhất. Trong này có đầy đủ thuốc nhưng cần gì cứ gọi tụi cháu" - bác sĩ Võ Chí Thiện nhẹ nhàng chỉ dẫn từng người trong gia đình.

Thiếu tá Nguyễn Đức Hiếu chia sẻ: Hiện tại, phường 12 Gò Vấp có tổng cộng hơn 200 F0 điều trị tại nhà. Số lượng bệnh nhân lớn, lực lượng y tế phường phải phối hợp cùng tổ quân y lưu động mới có thể đảm đương hết toàn bộ công việc.

"Chăm sóc cùng lúc 110 người F0 là số lượng vô cùng lớn. Vì không thể đến tận nhà thăm khám mỗi ngày nên chúng tôi đã lập một group kết nối tất cả F0 trên điện thoại. Chỉ cần có dấu hiệu bất thường về hô hấp, họ hoàn toàn có thể chủ động liên hệ trạm. Nếu trường hợp khẩn hơn, cần cấp cứu thì y bác sĩ sẽ đến ngay, bất kể ngày đêm" - Thiếu tá Đức Hiếu vừa nói, vừa chỉ tay về phía chiếc xe máy dựng ở góc tường.

Chiếc xe ấy, anh vừa mượn cách đây 2 hôm. Thời gian trước, để có thể di chuyển đến địa chỉ nhà F0, cả ekip chỉ có 2 cách: Hoặc đi bộ, hoặc đi nhờ xe của tình nguyện viên tại phường.

Chiếc xe máy đi mượn của thiếu tá quân y và sự run rẩy, bỡ ngỡ của nữ sinh lần đầu thấy F0 trở nặng, tím tái - Ảnh 5.

Toàn bộ thành viên trong gia đình ông Hoàng đều cho kết quả dương tính.

Bác sĩ phải nhẹ nhàng chỉ dẫn và động viên tinh thần từng người trong gia đình.

Ngoài hướng dẫn điều trị cho F0, trạm y tế lưu động còn tham gia xét nghiệm Covid-19, tiêm vắc-xin cho người dân trên địa bàn…. Nhiều trường hợp bệnh nhân đột ngột trở nặng, bác sĩ gần như túc trực cả đêm lẫn ngày.

Chí Thiện nhớ cuộc gọi nửa đêm cách đây 2 hôm. Ông cụ khó thở, tự kẹp máy đo SpO2 vào tay thì đã không còn hiện chỉ số. "Chúng tôi đã nhờ người nhà thử máy thì chỉ số lại hiện ra. Lúc đó, mọi người đều hốt hoảng nên ekip phải lên đường ngay lập tức. May mắn cấp cứu giúp SpO2 vượt qua ngưỡng an toàn thì chúng tôi liền chuyển cụ lên tuyến trên để tiếp tục điều trị" - Thiện nói.

Chiếc xe máy đi mượn của thiếu tá quân y và sự run rẩy, bỡ ngỡ của nữ sinh lần đầu thấy F0 trở nặng, tím tái - Ảnh 7.

Vợ chồng chị Trần Thị Kim Vân chăm chú lắng nghe lời dặn dò của bác sĩ.

"Là quân nhân chúng tôi đã quen với gian khổ"

Từ ngày 21/8, Học viện Quân Y (Bộ Quốc phòng) đã tăng cường 1.400 cán bộ, nhân viên, học viên vào TP. HCM và các tỉnh phía Nam để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Đoàn công tác được chia thành 400 tổ quân y lưu động (3-5 người/tổ) để thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, tiêm phòng vắc-xin, quản lý, điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu các bệnh thông thường; quản lý, chăm sóc các trường hợp F0, cách ly, điều trị tại gia đình; phối hợp vận chuyển, chuyển tuyến khi có yêu cầu và thực hiện các nhiệm vụ khác khi được giao.

Đại tá Nguyễn Anh Tuấn (Trường đoàn Học viện Quân Y hỗ trợ miền Nam) khẳng định: "Lần này chúng tôi vào là đi vào cộng đồng, ở cùng dân, sống với F0. Bất cứ lúc nào dân cần thì lực lượng luôn luôn có mặt.".

Chiếc xe máy đi mượn của thiếu tá quân y và sự run rẩy, bỡ ngỡ của nữ sinh lần đầu thấy F0 trở nặng, tím tái - Ảnh 9.

Chiếc điện thoại hotline vang lên inh ỏi suốt ngày.

7 ngày, cả tổ đã đi vòng vèo hết tất cả ngõ ngách, hẻm nhỏ tại P.12, Q. Gò Vấp.

Lê Thị Phương Thảo và Võ Chí Thiện đều là sinh viên năm 4 được điều động vào TP. HCM từ đợt 1 ngày 21/8. "Cả khoá khi ấy đều tình nguyện Nam tiến. Vừa đến nơi đã điều về các tổ ở phường. Từ lúc đó đến nay, ngoài thăm khám F0, mọi người chỉ quanh quẩn trong trường học. Chưa bao giờ em nghĩ kỷ niệm đầu tiên đặt chân đến TP. HCM lại là trong tình hình căng thẳng như thế này" - Phương Thảo cười.

Thời điểm ban đầu thực hiện nhiệm vụ, phải trực tiếp tiếp xúc F0, cô sinh viên đã run lên vì bỡ ngỡ. Thế nhưng, khi chứng kiến F0 trở nặng, sắc mắt tím tái vì không tự thở, Thảo nhanh chóng bắt tay vào cấp cứu.

"Chúng em chỉ thực sự nhẹ nhõm lúc SpO2 của bệnh nhân trên mức 95%, hoặc bệnh nhân chuyển lên tuyến trên nhưng đã ổn định, cai máy thở" - Thảo nói.

Mọi người đều thấm đẫm mồ hôi sau khoảng thời gian thăm khám cho F0 tại nhà vào buổi chiều.

"Là quân nhân gần như tụi em đã quen với vất vả, gian khổ. Vì thế khi vào TP. HCM, bao nhiêu khó khăn này chẳng là gì. Trên cương vị là bác sĩ, lương y như từ mẫu, tất cả đều chăm sóc F0 như người mẹ, thương con, thấy con đau bao nhiêu thì mình cũng lo lắng, đau bấy nhiêu! Giờ thì chỉ mong miền Nam và cả Việt Nam nhanh chóng chiến thắng được đại dịch" - Chí Thiện tủm tỉm tâm sự.

Trên bàn làm việc, một cuộc gọi nữa lại nổ máy. Trước khi cúp máy, Thảo đã vội đọc số điện thoại riêng cùng lời dặn: "Nếu hotline không được, cô cứ gọi số này, đảm bảo 100% quân y luôn có mặt".

Một giọng cười an nhiên bất chợt vang lên phía bên kia đầu dây.

Huy Hậu ghi

NỔI BẬT TRANG CHỦ