Nằm trong khuôn khổ Chương trình Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023, Triển lãm - Trưng bày và Hội thi sinh vật cảnh diễn ra từ ngày 9/3 đến ngày 15/3/2023 tại khu đất trống đường Nguyễn Tất Thành - Trường Chinh (TP. Buôn Ma Thuột).
Triển lãm trưng bày và giới thiệu gần 6.500 tác phẩm sinh vật cảnh với nhiều loại như: tùng, si, sanh, hoa giấy… chậu gốm sứ và vật tư phục vụ ngành sinh vật cảnh của hơn 150 nghệ nhân, nhà vườn các đơn vị trực thuộc Hội Sinh vật cảnh tỉnh Đắk Lắk và các một số tỉnh, thành trên cả nước.
Ông Nguyễn Hữu Tuyên, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: trong những năm qua tại tỉnh Đắk Lắk và một số tỉnh miền Trung Tây Nguyên, sinh vật cảnh ngày càng trở nên quan trọng trong cuộc sống của người dân ở các buôn làng và đô thị. Sinh vật cảnh đã góp phần thay đổi diện mạo buôn làng, làm đẹp cảnh quan đô thị, cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm giàu cho hội viên và đóng góp rất lớn trong các hoạt động của chính quyền địa phương.
Triển lãm, trưng bày và Hội thi Sinh vật cảnh nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và kết quả phong trào hoạt động sinh vật cảnh của tỉnh. Là hoạt động có ý nghĩa sâu sắc chào mừng Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023. Đây cũng là dịp tạo sân chơi để các nghệ nhân, nhà vườn tham gia trưng bày, mua bán, trao đổi các sản phẩm sinh vật cảnh; trao đổi học tập kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, quảng bá sản phẩm nông nghiệp và tiếp cận ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thông qua các hoạt động tại triển lãm sinh vật cảnh, nhằm khuyến khích phong trào phát triển kinh tế sinh vật cảnh, giúp người dân và hội viên làm giàu bền vững, tham gia tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, góp phần cải thiện môi trường. Đồng thời, hợp tác, liên kết với các tổ chức hội, trung tâm trong việc xây dựng Đề án phát triển sinh vật cảnh giai đoạn 2023 - 2026 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và giao lưu, tiêu thụ sản phẩm sinh vật cảnh với các vùng, miền trong cả nước.
Trên thực tế, phong trào chơi Sinh vật cảnh của Đắk Lắk ra đời muộn hơn so với các tỉnh phía Bắc và phía Nam. Song đó lại là lợi thế bởi song song với việc khai thác các Sinh vật cảnh đặc trưng, mang bản sắc riêng của địa phương thì những nghệ nhân, người chơi cây cảnh nhanh nhạy sưu tầm được nhiều chủng loại Sinh vật cảnh bổ sung, lai tạo, cấy ghép để đa dạng chủng loại của các vùng miền. Chính vì vậy không phải ngẫu nhiên mà giới chơi Sinh vật cảnh đánh giá Đắk Lắk là một trong những “thiên đường”, nơi hội tụ, giao thoa của các sản phẩm Sinh vật cảnh trên mọi miền đất nước.
Các tác phẩm tham dự đều thể hiện sự tinh hoa của trí tuệ, công sức, sự sáng tạo cùng bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, nhà vườn, tạo ra không gian sinh vật cảnh đặc sắc để nhân dân Đắk Lắk và du khách gần xa cùng thưởng ngoạn.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung chia sẻ, sinh vật cảnh không chỉ là thú vui tao nhã mà còn là một nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ một phôi gốc hoặc những cây sưu tầm được người dân, nghệ nhân "mát tay" uốn nắn, cắt tỉa, tạo dáng để nâng tầm giá trị cho cây lên gấp nhiều lần. Do đó, với nhiều cây độc, lạ thì giá trị từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí có cây lên đến vài tỷ.
Để ghi nhận công sức, sự sáng tạo và khéo léo của người làm cây cảnh, dịp này Ban tổ chức đã trao 4 giải vàng, 7 giải bạc, 11 giải đồng, 15 giải khuyến khích và 13 giải ấn tượng cho các tác phẩm xuất sắc nhất tại Triễn lãm.
Hội tụ đủ 4 yếu tố Cổ - Kỳ - Mỹ - Văn, Cây Tùng Búp Bonsai đã vinh dự đạt giải Vàng, tác phẩm đẹp nhất tại Triễn lãm.
Những chậu Bonsai đẹp, độc đáo cũng chính là sự kết hợp giữa thiên nhiên cùng bàn tay con người để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật sống động.
Nhân dịp này, Hội Sinh vật cảnh tỉnh cũng tổ chức chương trình đấu giá các tác phẩm sinh vật cảnh gây quỹ thiện nguyện, tặng quà, xe đạp cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Nhiều tác phẩm đã thu hút người dân đến ngắm nghía, chiêm ngưỡng và phân tích vẻ đẹp của chúng.
Bonsai được gọi là nghệ thuật sống nên giá trị của chúng nằm ở cả vẻ đẹp bên ngoài lẫn vẻ đẹp tiềm ẩn bên trong. Để tạo dáng Bonsai, người chơi phải rất kỳ công uốn thân cây, cành và tạo tiểu cảnh.
Một tác phẩm vô cùng đặc sắc được trưng bày và giới thiệu tại triển lãm.
Đây là hoạt động nhằm tuyên truyền, quảng bá các tác phẩm sinh vật cảnh đến người dân, đồng thời tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về phát triển sinh vật cảnh đẹp, có giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ, giúp cho con người có cuộc sống hài hòa với thiên nhiên, làm cho cuộc sống tươi vui, tốt đẹp hơn…