(Tổ Quốc) - Lúc 11 giờ 16 phút ngày 26/7, chiến đấu cơ Su-22U, số hiệu 8551 của Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân thực hiện bay huấn luyện, mất liên lạc lúc 11 giờ 35 phút.
Địa điểm xảy ra vụ rơi chiến đấu cơ Su 22: Nguồn Vnexpress |
Theo tin từ Thông tấn quân sự cho hay, vào lúc 11 giờ 16 phút ngày 26/7, chiến đâu cơ Su-22U, số hiệu 8551 của Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân thực hiện bay huấn luyện, mất liên lạc lúc 11 giờ 35 phút. Thông tin ban đầu, máy bay rơi tại làng Dừa, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An.
Hai phi công bay huấn luyện đã hy sinh, gồm: Trung tá Khuất Mạnh Trí, Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn Không quân 921, sinh năm 1978; quê quán: phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội; Thượng tá Phạm Giang Nam, Chủ nhiệm bay Trung đoàn Không quân 921, sinh năm 1972; quê quán: Thụy Bình, Thái Thụy, Thái Bình.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân chủng Phòng không - Không quân phối hợp với các đơn vị liên quan trên địa bàn tổ chức cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả.
Hình minh họa: Nguồn Báo Giao thông |
Được biết chiến đấu cơ Su-22 gia nhập Không quân Nhân dân Việt Nam từ năm 1979. Đến nay, nó vẫn là một trong các máy bay chủ lực của Việt Nam làm nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, vùng biển.
Chiến đấu cơ Su-22 được thiết kế dựa trên mẫu Su-7 ra đời từ giữa những năm 1950. Thời điểm đó, việc đặt cửa hút không khí cho động cơ phản lực dường như rất thịnh hành ở đầu mũi máy bay. Chính vì vậy mà khi ra đời Su-22 thừa hưởng thiết kế như vậy.
Vào thời điểm những năm 1980, chiến đấu cơ Su-22 được coi là máy bay hiện đại nhất của không quân Việt Nam.
Theo Kiến thức đưa tin, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia duy nhất sở hữu chiến đấu cơ Su-22. Tuy nhiên, điểm độc đáo và tính năng tối ưu của chiến đấu cơ Su 22 lại nằm ở “đôi cánh thiên thần”.
Hình minh họa: Nguồn Báo Giao thông |
Cụ thể, chiến đấu cơ Su-22 được Liên Xô trang bị cho kiểu cánh cụp cánh xòe. Nghĩa là, cánh máy bay có thể giang rộng ra hoặc áp sát vào thân máy bay. Việc thiết kế như vậy giúp cho máy bay bay tầm thấp với tốc độ cao hoặc đạt tốc độ cao vượt âm thanh ở trần bay lớn. Khi cánh xòe hết cỡ thì lực nâng của cánh tăng lên cho phép máy bay có thể cất hạ cánh ở đường băng ngắn.
Chiến đấu cơ Su-22 được trang bị động cơ tuốc bin phản lực Lyuka AL-21F3 cho phép đạt tốc độ tối đa 1.860km/h ở trên độ cao lớn, bán kính chiến đấu hơn 500km, trần bay hơn 14km, vận tốc leo cao 230m/s.
Hiện không có quốc gia nào ở Đông Nam Á sở hữu loại máy bay nào có kiểu cánh tương tự chiến đấu cơ này./.
Vi Phong (T/h)