(Tổ Quốc) - Để có được nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng đáp ứng được nhu của các doanh nghiệp, chúng tôi mạnh dạn đề xuất một số giải pháp
Thế giới đang có xu hướng chuyển từ nền kinh tế dựa vào sự giàu có của các nguồn tài nguyên sang kinh tế tri thức. Việc áp dụng những thành tựu của khoa học và công nghệ hiện đại vào quá trình sản xuất đã làm năng suất lao động tăng nhanh. Tuy nhiên, khoa học và công nghệ dù có sức mạnh thế nào cũng không thể thay thế hoàn toàn vai trò của con người, nguồn nhân lực vẫn đóng một vai trò quan trọng quyết định quá trình sản xuất, tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội. Trong bối cảnh như vậy, nguồn lực con người càng trở thành động lực chủ yếu của sự phát triển nhanh và bền vững. Trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực, đặc biệt là nhân lực có trình độ cao. Các doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển phải quan tâm tới việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Việt Nam hiện đang cạnh tranh với thế giới bằng lao động dồi dào, giá rẻ. Trên thực tế, lợi thế cạnh tranh này bị mất dần đi mà minh chứng cụ thể nhất là chúng ta liên tục tụt hạng trong bản xếp hạng chỉ số cạnh tranh toàn cầu, mà một trong những nguyên nhân căn bản là chất lượng lao động qua đào tạo. Để có được nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng đáp ứng được nhu của các doanh nghiệp, chúng tôi mạnh dạn đề xuất một số giải pháp sau:
Một là: phải làm tốt công tác kế hoạch về nhu cầu nguồn nhân lực.Việc xây dựng kế hoạch về nhu cầu nguồn nhân lực sẽ giúp cho doanh nghiệp, cũng như bản thân mỗi người lao động có được định hướng phát triển nguồn nhân lực ở tầm vĩ mô cũng như ở tầm vi mô của doanh nghiệp hay cho sự phát triển sự nghiệp của mỗi cá nhân. Đồng thời, việc dự báo này cũng giúp cho việc định hướng phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn, có tay nghề phù hợp với các nhu cầu nhân lực đa dạng. Việc dự báo chính xác nhu cầu về nguồn nhân lực sẽ giúp cho doanh nghiệp chủ động đưa ra được những chương trình đào tạo phù hợp, gắn với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp trong hiện tại cũng như đáp ứng được những thay đổi về nhu cầu nguồn nhân lực tại các ngành nghề, doanh nghiệp trong tương lai.
Hai là:đổi mới hình thức tuyển dụng nguồn nhân lực. Khâu tuyển dụng là một khâu rất quan trọng quyết định chất lượng nguồn nhân lực. Việc tuyển dụng phải tuân thủ nguyên tắc dân chủ và rộng rãi, thường xuyên có liên hệ với các trường đại học, cao đẳng để thu hút nhiều ứng viên tham gia tuyển dụng, đồng thời phải thông báo rộng rãi và quan tâm đến đội ngũ người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp khoi có nhu cầu tuyển dụng. Đây là cơ hội để đội ngũ cán bộ tìm hiểu thêm về khả năng người lao động của mình để phát triển nguồn nhân lực và sử dụng có hiệu quả, theo dõi thường xuyên sự biến động của từng loại nhân lực, từ đó xác định nguyên nhân khách quan, chủ quan để tìm ra giải pháp cụ thể, thiết thực. Ngoài ra, cần mở những đợt tuyên truyền rộng rãi xu hướng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của doanh nghiệp, các chương trình đào tạo ngành nghề cho các đối tượng khác nhau nhằm giúp họ nâng cao năng suất lao động, lựa chọn được những ngành nghề phù hợp với khả năng.
Ba là: Tăng cường phối hợp với các công ty cung ứng nguồn nhân lực. Một trong những giải pháp để phát triển nguồn nhân lực là tăng cường phối hợp chặt chẽ với các công ty cung ứng nguồn nhân lực. Các công ty cung ứng nhân lực không chỉ làm nhiệm vụ tuyển dụng nhân lực cho các doanh nghiệp tổ chức như hiện nay, mà các công ty này còn tham gia vào quá trình huấn luyện, đào tạo cơ bản và đào tạo lại nguồn nhân lực và tham gia vào hoạt động cho thuê đồng bộ nhân lực trong nước và ngoài nước. Việc làm này của các công ty cung ứng nguồn nhân lực sẽ góp phần làm cho thị trường lao động linh hoạt hơn, việc sử dụng nguồn nhân lực được hiệu quả hơn, đồng thời có thể đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp ở các địa phương khác nhau. Nghĩa là nếu nguồn nhân lực tại một địa phương nào đó không đủ đáp ứng nhu cầu, thông qua các công ty cung ứng dịch vụ này có thể điều động nguồn nhân lực rỗi việc hoặc thậm chí có thể thực hiện việc chuyển nhượng một số nhân lực kể cả người nước ngoài đến nơi cần nhân lực. Bên cạnh đó, các công ty cung ứng nguồn nhân lực còn thiết lập, nối mạng hệ thống thông tin thị trường lao động giữa các doanh nghiệp, tạo ra nguồn cung thị trường lao động dồi dào giúp doanh nghiệp lựa chọn lao động theo đúng các tiêu chí, nhu cầu tuyển dụng
Bốn là: tăng cường công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Ngoài việc tuyển dụng lao động từ các trường đào tạo của nhà nước, các doanh nghiệp nên tự thành lập hệ thống đào tạo kỹ thuật thực hành, học nghề để đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp mình. Hệ thống này chú trọng tới nhiều cấp trình độ khác nhau, trong đó ưu tiên đầu tư cho đào tạo lại cho công nhân kỹ thuật trình độ cao. Phối hợp phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề thông qua việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân có điều kiện mở ra cơ sở dạy nghề, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên dạy nghề. Xây dựng cơ sở liên kết giữa các đơn vị đào tạo nghề với các trường đại học, cao đẳng trong việc khảo sát nhu cầu nguồn nhân lực cho các ngành nghề, nhất là những ngành nghề mới sử dụng kỹ thuật công nghệ hiện đại, để từ đó có kế hoạch cho việc đào tạo theo địa chỉ và phù hợp với những tiêu chuẩn mà doanh nghiệp đặt ra. Đồng thời, các doanh nghiệp hỗ trợ các cơ sở đào tạo và người học nghề như cho phép các cơ sở dạy nghề gửi sinh viên đến thực tập sau khi đã hoàn thành kiến thức, kỹ năng nghề cơ bản vào tìm hiểu qui trình vận hành thiết bị của doanh nghiệp; cử các cán bộ làm công tác chuyên môn của doanh nghiệp đến giảng dạy hoặc tham gia các hoạt động thực hành của sinh viên tại các trường; hỗ trợ hoặc bán lại cho các cơ sở đào tạo với giá rẻ các thiết bị, máy móc của doanh nghiệp do chuyển đổi công nghệ, thiết bị. Đa dạng hóa các loại hình ngành nghề cần được đào tạo. Bên cạnh các ngành nghề truyền thống, cần đầu tư vào việc phát triển đào tạo các ngành nghề mới. Cần xây dựng các chương trình đào tạo một số ngành nghề đặc thù theo định hướng phát triển của doanh nghiệp. Đồng thời phải quan tâm xây dựng chương trình riêng đào tạo đội ngũ các nhà quản trị chủ chốt cho doanh nghiệp. Để phát triển nguồn nhân lực, một giải pháp mang tính quyết định đến chất lượng nguồn nhân lực là tăng cường chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ giảng viên có trình độ để đảm bảo khả năng làm công tác giảng dạy chuyên ngành, đưa đội ngũ giảng viên tiếp cận tới những kiến thức mới, tham gia vào các hoạt động chuyên ngành thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo, chú ý đến việc cập nhật, bổ sung các kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ cả về lý luận và thực tiễn cho học viên nhằm thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và thực tế công việc. Ngoài ra, các doanh nghiệp tăng cường liên kết với và tổ chức xã hội trong và ngoài nước nhằm xây dựng được lực lượng lao động có đủ điều kiện để sẵn sàng làm việc trong môi trường kinh doanh quốc tế.
Năm là: Phải có chính sách đãi ngộ hợp lý. Trong thời gian gần đây, việc di chuyển nguồn nhân lực có chất lượng cao từ doanh nghiệp nhà nước sang doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng gia tăng. Vì vậy các doanh nghiệp cần xây dựng chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với người lao động của mình theo mức độ cống hiến và khả năng phát triển tương lai, chính sách tiền lương cần được xây dựng và thực hiện một cách linh hoạt theo xu hướng không nên hạn chế mức thu nhập, nếu đó là mức thu nhập chính đáng từ tài năng và sáng tạo của người lao động. Đồng thời, cần xây dựng chế độ chính sách ưu đãi đối với nhân lực chất lượng cao để tạo động lực thu hút nhân tài trong và ngoài nước vào làm việc tại doanh nghiệp. Các chính sách này không chỉ dừng lại ở lương hay cổ phần mà còn là các phương thức khác như cung cấp nhà ở, hỗ trợ dịch vụ bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, tạo điều kiện môi trường làm việc thuận lợi. Tạo điều kiện thăng tiến, đề bạt những người trẻ tuổi có trình độ lên nắm những vị trí chủ chốt, tạo động lực cho người lao động cống hiến, phấn đấu.
Nước ta đang trong giai đoạn hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, nhu cầu một lực lượng đông đảo nguồn nhân lực có trình độ cao, có khả năng làm việc trong môi trường công nghệ và cạnh tranh. Để giải quyết vấn về nguồn nhân lực có chất lượng cao trong giai đoạn hiện nay các doanh nghiệp cần có chiến lược cụ thể, phối hợp chặt chẽ với các cơ sở đào tạo đồng thời có những chế độ chính sách để thu hút nguồn nhân lực có trình độ kiến thức cao, có các cơ chế khuyến khích về vật chất đối với những cống hiến mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.