• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chiến tranh Biên giới: "Chẳng ai muốn chiến tranh cả, dù có thắng cũng thiệt và thua cũng thiệt hại"

Thời sự 14/02/2019 11:35

(Tổ Quốc) - Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 2, Trưởng ban liên lạc cựu chiến binh toàn quốc mặt trận Vị Xuyên, Hà Tuyên đã chia sẻ với phóng viên báo điện tử Tổ Quốc về 10 năm Chiến tranh Biên giới (1979-1989).

Từ tổn thất lớn lao…

- Cuộc chiến trên chiến trường Vị Xuyên, Hà Giang diễn ra trong bối cảnh nào thưa Thiếu tướng?

+ Từ năm 1979 đến năm 1984, giai đoạn đó Trung Quốc đánh chúng ta, dùng pháo bắn sang, dùng biên phòng và bộ đội địa phương đánh chiếm chúng ta. Do vậy, chúng ta mới nói cuộc chiến tranh biên giới 10 năm 1979-1989.

Thời điểm nổ ra cuộc chiến tranh Biên giới 17/2/1979, tôi đang là Tư lệnh Sư đoàn 325 đang chiến đấu ở Campuchia. Sau đó, chúng tôi được lệnh rút về bảo vệ Thủ đô và sẵn sàng ứng cứu với Quân đoàn 2, Quân đoàn 3 (Đây là 2 quân đoàn có những sư đoàn thiện chiến trong chiến tranh chống Mỹ), với tình huống chuẩn bị kỹ nếu chúng thọc sâu vào đường Bắc Sơn, Sài Hồ.

Khi chúng phát động chiến tranh Biên giới, cơ bản chúng ta đã giúp xong nước bạn Campuchia.

Chiến tranh Biên giới: Chẳng ai muốn chiến tranh cả, dù có thắng cũng thiệt và thua cũng thiệt hại - Ảnh 1.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 2, Trưởng ban liên lạc cựu chiến binh toàn quốc mặt trận Vị Xuyên, Hà Tuyên.

- Từng tham gia hai cuộc chiến tranh chiến đấu chống Pháp, Mỹ, Thiếu tướng nhận được chỉ đạo trong hoàn cảnh nào khi tham gia cuộc chiến tranh Biên giới thưa ông?

+ Tôi tham gia quân đội từ năm 1948 qua 2 cuộc chiến tranh chống Pháp, Mỹ, kết thúc chiến tranh năm 1975 tôi được điều về Quân khu Thủ đô làm Phó Tham mưu trưởng lực lượng này năm 1981.

Tháng 3 năm 1985, tình hình chiến sự Vị Xuyên, Hà Giang ác liệt đòi hỏi tăng cường một số cán bộ đã có kinh nghiệm chiến đấu cũng như đơn vị tham mưu đưa lên tăng cường cho mặt trận này. Tôi nhận được lệnh từ Đại tướng Hoàng Văn Thái, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khi ấy, lên làm tham mưu trưởng trực tiếp ở mặt trận này.

Tình hình lúc ấy rất khó khăn. Lên đó tôi trực tiếp chỉ đạo ở Quân khu 2, nơi đây có 2 sở chỉ huy tại Yên Bái và tiền phương chỉ huy trực tiếp chiến đấu là ở thị xã Hà Giang.

Rất mừng cho tôi lúc ấy, anh Nguyễn Hữu An - Phó tư lệnh Tham mưu trưởng Quân khu 2 từng tham gia chiến tranh chống Mỹ và tham gia trận chiến ở Dinh Độc Lập, tôi thì nằm trong quân đoàn đó nên thầy trò gặp nhau rất hiểu nhau. Anh An sau đó đã giới thiệu tình hình tại mặt trận Vị Xuyên, chúng ta giành được một số thắng lợi nhưng cũng tổn thất lớn, đòi hỏi cần tăng cường thêm lực lượng chiến đấu.

Theo anh An, tình hình mặt trận khó khăn, tư tưởng một số chiến sỹ bi quan cho rằng địch đánh thì ta mất, ta phản kích lại cũng không giữ được vì ngày 12/7/1984, chúng ta tổ chức một đợt tấn công, tiêu diệt lấy lại một số cao điểm 772, 233, 1030… nhưng chúng ta đều thất bại. Riêng ngày 12/7 khoảng 7-800 anh em bị thiệt mạng.

.. tới việc lấy lại đà chiến thắng

- Giải pháp cho vấn đề này sau đó được đề ra như thế nào thưa Thiếu tướng?

+ Anh An sau đó có đề xuất phải chọn một điểm nào thích hợp, đánh được, giữ được để củng cố tinh thần cho anh em.

Chúng tôi sau đó đã chọn điểm A6B tại đồi Đài, gần cao điểm 400. Nơi đây là điểm phòng ngự bằng núi đá của địch nhưng là điểm tương đối thuận lợi cho ta, từ A6B sang điểm của địch chỉ khoảng 200m. Nhưng chúng tôi nhận ra, trước nay ta đánh được nhưng không giữ được điểm này là vì đây là khu vực núi đá phức tạp, đánh theo cách cổ điển như dùng pháo, bộc phá…

Chiến tranh Biên giới: Chẳng ai muốn chiến tranh cả, dù có thắng cũng thiệt và thua cũng thiệt hại - Ảnh 2.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy giới thiệu những tư liệu cho phóng viên.

Lần này, chúng tôi đã chọn một đại đội, tại đó Trung Quốc có một trung đội canh giữ. Đánh xong có thể đưa lực lượng tăng cường có thể đưa lên ngay, tiếp tế ngay được, tăng cường vũ khí đạn dược và người.

Sau khi chọn xong các chiến sỹ, chúng tôi chọn địa hình tương đối giống điểm A6B, đưa xuống huấn luyện, từ leo trèo, bám đá, ném lựu đạn vào hang, súng tiểu liên, trung liên sử dụng thế nào… Huấn luyện 20 ngày thì anh em thuần thục, không bị lộ bí mật.

Ngoài ra, chúng tôi chọn hơn 40 anh em, là người có ý chí tốt và động tác thành thạo để đánh trận địa. Tổ chức anh em làm 3 mũi: gần 20 người/mũi để đi trinh sát thực địa, 3 lần bò vào cửa hang địch nên nắm chắc quân địch và cách đánh thông thạo cả rồi.

Chủ trương lần này là đánh không công khai, nhưng để đảm bảo nghi binh, lần này chúng tôi sử dụng pháo binh của mặt trận sư đoàn bắn vào tất cả các cao điểm. Riêng điểm A6B thì ta không bắn pháo mà chỉ dùng cối 60 ly bắn vào xung quanh điểm cao đó.

Ngày 30/5/1985, 5h sáng, trời mù, chúng ta chính thức ra lệnh nổ súng, anh em nhảy được vào các điểm địch chốt giữ, lựu đạn, nổ pháo, 30 phút sau ta chiếm được cao điểm này. Chúng ta đã tiêu diệt toàn bộ quân địch và bắt sống một tên. Đây là trận thắng lợi hoàn toàn với số thương vong rất ít.

Nhưng điểm quan trọng nhất, trước đây ta chiếm được nhưng không giữ được do tăng cường cơ sở vật chất không kịp thời. Lần này chuẩn bị sẵn, anh em không được đánh đợt đầu thì sau đó nhanh chóng vượt vào tăng cường.

Thứ 2 là đạn các loại vũ khí để ở các điểm cao xung quanh để đưa vào ngay lập tức, thậm chí cả gỗ, bao cát đưa vào tăng cường.

Do vùng này toàn đá không thể có giao thông hào, quân địch muốn xông vào đều phải đi trên mặt đất nên chúng ta dùng cối 82, 60 ly đánh trực tiếp và pháo bắn chặn phía sau để khống chế.

Địch liên tục tấn công 11 ngày, có ngày từ 3-5 lần xung phong và thương vong hàng mấy trăm tên, có trung đoàn bị xóa sổ, đó là trận thảm bại với Trung Quốc trong cuộc chiến này.

Chiến tranh Biên giới: Chẳng ai muốn chiến tranh cả, dù có thắng cũng thiệt và thua cũng thiệt hại - Ảnh 3.

Bản đồ một trong các cao điểm tại Vị Xuyên.

- Sau đó, tình hình mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang diễn tiến như thế nào thưa Thiếu tướng?

+ Sau trận này, toàn mặt trận rất phấn khởi, như thế là chúng ta có thể đánh được, giữ được, lần này ta làm được đã giải quyết toàn bộ tư tưởng cho anh em, tạo ra bước ngoặt của cuộc chiến.

Tuy đây là một điểm với một trung đội thôi nhưng đã giải quyết tư tưởng cho toàn bộ cán bộ chiến sỹ của ta.

Sau đó, địch đánh trên toàn mặt trận, đánh vào 1 cụm ở Đông Sông Lô, tôi lại tiếp tục chỉ huy ở mặt trận này. Ngày 23/9/1985, các điểm khác đánh bại địch không chiếm được nhưng riêng Pa Hán, Trung Quốc đã phải dùng 1 tiểu đoàn để đánh lại 1 trung đội của ta phòng ngự tại đây. Chỉ huy mặt trận yêu cầu phải kiên quyết chiếm lại Pa Hán nếu không chúng sẽ phát triển sâu vào nội địa.

Tuy nhiên, địch cũng chỉ chiếm được Pa Hán trong 1 ngày, chúng tôi đã sử dụng hỏa lực, pháo binh của quân khu, mặt trận sư đoàn, bắn trùm vào sư đoàn chúng đang chiếm và cắt đường viện trợ. Chiều 24, chúng tôi lệnh cho sư đoàn 314 dùng tên lửa chống tăng B72 của Liên Xô bắn trúng 4 quả, tiêu diệt chỉ huy địch, chúng bỏ chạy, đồng thời pháo bắn trùm lên gây sát thương lớn, mờ sáng ngày 25, chúng tôi dùng 1 đại đội phản kích chiếm lấy Pa Hán. Đây là trận thứ 2 trong năm 1985 làm cho tinh thần bộ đội phấn chấn.

Chiến tranh Biên giới: Chẳng ai muốn chiến tranh cả, dù có thắng cũng thiệt và thua cũng thiệt hại - Ảnh 4.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy: "Chẳng ai muốn chiến tranh cả"

Chẳng ai muốn chiến tranh cả

- Thiếu tướng nhận định về chiến trường Vị Xuyên khác với chiến trường khác như thế nào?

+ Cuộc chiến tranh Biên giới 17/2 khác diễn ra trên toàn bộ 6 tỉnh nhưng lần này chúng chỉ tập trung huyện Vị Xuyên với khoảng 20 km đường biên và chiều sâu là 5km, tập trung xen kẽ ta và địch cứ đánh đi diệt lại liên tục, vùng này phần lớn là núi đá.

Ta với địch cứ xen kẽ bất cứ lúc nào, một ngày có thể đánh nhau 2-3 lần, bám chặt thắt lưng địch mà đánh.

Thứ 2, điểm khác biệt nữa là, từ các điểm xung đột trở về thị xã Hà Giang là cuộc sống bình thường, không có tiếng súng, rất hòa bình, các mẹ ở thị xã Hà Giang liên tục gửi quà lên động viên anh em, các điểm bán hàng phục vụ bộ đội 24/24 với đủ nhu yếu phẩm. Nhưng từ các điểm xung đột trở lên mới có chiến tranh giáp biên giới.

Tôi chiến đấu ở nhiều chiến trường nhưng có lẽ chỉ cuộc chiến này mới có điều đặc biệt như vậy. Cách nhau chỉ khoảng 10 km nhưng cuộc sống rất khác biệt nhau: một bên là cuộc sống bình yên và một bên là chiến tranh khốc liệt. Chia ngọt sẻ bùi giữa quân và dân tốt lắm, dân trồng rau lại cho bộ đội, bộ đội có sữa được tiếp tế thì lại cho bà con. Nhiều anh sau chiến tranh còn lấy vợ trên đó.

Các chiến trường như Quảng Trị cũng không như thế. Các chiến trường khác, đánh thắng lợi thì quân địch rút còn chúng ta ở đây cứ xen kẽ. 5 năm trời chúng không xuống sâu được chúng ta quá 2km và cuối cùng phải rút. Thương vong của chúng là hơn 1 vạn tên, và bị thương rất nhiều, của ta, các chiến sỹ cũng hy sinh rất lớn với hơn 5.000 người.

Mở đầu trận địa Vị Xuyên là ngày 28/4/1984, địch rút là tháng 10/1989.

- Theo quan điểm của Thiếu tướng, tại sao khi ấy địch lại chọn Vị Xuyên, Hà Giang để tập trung hỏa lực?

+ Tôi cho rằng, nếu đánh ở Lạng Sơn thì liệu họ có giấu được dư luận trong nước và quốc tế không? Nhưng Hà Giang là tỉnh hẻo lánh, với một con đường độc đạo, ít giao lưu với quốc tế, địa hình hiểm trở có điều kiện tấn công từ trên cao, địa hình địa thế thuận lợi để tấn công.

Quan trọng nhất là chúng tránh được dư luận thế giới lên án mà vẫn đạt được mục đích phá công cuộc xây dựng kinh tế của chúng ta và nếu có cơ hội thì lấn chiếm mảng biên giới xuống 5 km sâu vào ta.

Chiến tranh Biên giới: Chẳng ai muốn chiến tranh cả, dù có thắng cũng thiệt và thua cũng thiệt hại - Ảnh 5.

Ông trầm ngâm khi chiêm nghiệm về những cuộc chiến từng đi qua, những đồng đội của mình đã ngã xuống.

- Với Thiếu tướng là người trải qua 3 cuộc chiến, điều gì đọng lại trong ông sau khi chiêm nghiệm lại?

+ Là người lính, tâm nguyện của tôi là trách nhiệm với Tổ quốc dù bất cứ ở đâu, bất cứ kẻ thù nào, nếu có nhiệm vụ chiến đấu là tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Chẳng ai muốn chiến tranh cả, dù có thắng cũng thiệt và thua cũng thiệt hại, chúng ta rất muốn hòa bình, hữu nghị vì Trung Quốc cũng có lúc đã giúp chúng ta rất lớn. Giành được độc lập, chúng ta không quên họ nhưng họ không thể. Vì bất đắc dĩ ta phải đánh chứ không muốn gây sự với Trung Quốc.

Cuộc chiến tranh này đã khiến gần 5.000 chiến sỹ hy sinh nhưng mới mang về được 1.700 chiến sỹ, còn gần 3.000 hài cốt còn đang nằm rải rác khắp các nơi. Hiện đội quy tập đang tìm kiếm các hài cốt.

Đã đến lúc, chúng ta cần nói rõ cho nhân dân ta biết chúng ta có cuộc chiến tranh như thế, giáo dục lòng tự hào và cũng phải cảnh giác không chỉ riêng với Trung Quốc và bất kể nước nào có ý định xâm chiếm.

- Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!


Thái Linh (thực hiện), Ảnh: Nam Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ