Chiếu A Lấ của người Tà Ôi: Hành trình từ sính lễ ngày cưới đến sản phẩm du lịch
(Tổ Quốc) - Tấm chiếu A Lấ là sính lễ không thể thiếu của người con gái Tà Ôi trong lễ cưới hỏi truyền thống. Ngày nay, nghề đan chiếu A Lấ được gìn giữ, quảng bá bằng việc đưa vào các hoạt động du lịch cho du khách tham quan, trải nghiệm.
Chiếu A Lấ (hay còn gọi là chiếu Âmber) là một sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc Tà Ôi tại huyện vùng cao A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế). Nghề đan chiếu A Lấ đã có từ lâu đời và còn gìn giữ đến tận bây giờ, bởi tấm chiếu A Lấ là một sính lễ không thể thiếu của người con gái Tà Ôi trong lễ cưới hỏi truyền thống.
Theo tìm hiểu, nguyên liệu chính để đan chiếu A Lấ là lá cây a'anh chác (lá cây dứa dại). Cây này thường có hai loại, mọc ở vùng đầm lầy hoặc sỏi đá. Đặc điểm dễ nhận biết nhất là lá cây có nhiều gai sắc nhọn. Khi hái, nếu không cẩn thận rất dễ bị gai cứa vào tay, chân gây xước chảy máu. Lá cây a'anh chác sau khi được người dân Tà Ôi lấy từ rừng về được loại bỏ hết gai nhọn và tước thành những sợi nhỏ, phơi khô, nhuộm màu để tạo hoa văn khi đan chiếu.
Để đan được tấm chiếu A Lấ đẹp đòi hỏi sự khéo tay, cần cù, sáng tạo của người thợ. Từ công đoạn tước sợi phải thật tỉ mỉ để sợi chiếu thật đều, khi đan mới đẹp. Rồi cách pha, tạo màu bằng các nguyên liệu tự nhiên ra sao để có được những màu sắc ưng ý. Muốn đan hoàn thiện một tấm chiếu, người thợ thành thạo cũng phải mất từ vài ngày đến một tuần lễ.
Trong phong tục truyền thống của đồng bào Tà Ôi, người con gái khi về nhà chồng phải có một tấm chiếu A Lấ để mang theo trong ngày cưới. Tấm chiếu A Lấ là lễ vật thể hiện tình yêu thương và tôn trọng của người con gái đối với gia đình nhà chồng. Giữ gìn phong tục này nên trước đây, hầu hết phụ nữ Tà Ôi đều biết đan chiếu từ nhỏ nhờ được bà, mẹ, chị truyền lại. Tuy nhiên, từng có thời gian, số người biết đan chiếu A Lấ còn lại rất ít do công việc này mất nhiều thời gian và có ít người theo học. Khi cưới hỏi, người có nhu cầu thường đặt chiếu cho các nghệ nhân hoặc những người lớn tuổi làm giúp.
Sau này, nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, nghề đan chiếu A Lấ đã dần dần được khôi phục. Qua các lớp truyền dạy, nhiều phụ nữ Tà Ôi đã được các nghệ nhân trao truyền lại nghề. Hiện nay, trên địa bàn huyện A Lưới có nhiều hộ gia đình, nghệ nhân thực hành đan chiếu. Mỗi tấm chiếu A Lấ tùy theo yêu cầu của người đặt, khi làm ra được bán với giá dao động từ 700 nghìn đồng đến 2 triệu đồng/chiếc. Công việc này mang lại thu nhập cho một số gia đình.
Theo các nghệ nhân lâu năm, khó khăn lớn nhất hiện nay chính là nguồn nguyên liệu đang còn hạn chế do phụ thuộc hoàn toàn từ tự nhiên. Sản phẩm làm ra vì vậy cũng không được ổn định. Người đồng bào Tà Ôi đang tìm cách đưa cây a'anh chác từ rừng sâu về trồng ở gần khu dân cư để dễ dàng trong thu hoạch. Ngoài ra, vẫn còn quá ít người trẻ đam mê, gắn bó với nghề này.
"Để tìm được một người trẻ theo nghề là rất khó, bởi bây giờ xã hội ngày càng phát triển, có rất nhiều nghề để các cháu lựa chọn. Hơn nữa, để có được những họa tiết độc đáo, riêng biệt trên chiếc chiếu, ngoài khéo léo, kiên trì thì phải có thêm sự sáng tạo nên chẳng mấy ai thiết tha với nghề là vậy", bà Viên Thị Thanh Loan – một người gắn bó với nghề đan chiếu A Lấ trăn trở.
Phòng VHTT huyện A Lưới cho biết, để gìn giữ, phát huy nghề đan chiếu A Lấ truyền thống của đồng bào dân tộc Tà Ôi, bên cạnh các lớp truyền dạy, địa phương cũng đã lồng ghép, đưa nghề và sản phẩm của nghề vào các hoạt động du lịch để cho du khách tham quan, tìm hiểu. Thời gian qua, các hoạt động này nhận được sự quan tâm và phản hồi tích cực từ du khách sau khi trải nghiệm tại một số điểm du lịch.
Hiện tại, địa phương cũng khuyến khích người dân sáng tạo thêm những mặt hàng thủ công từ sợi cây a'anh chác, tương tự như đan chiếu A Lấ. Cách làm này ngoài giúp cho bà con có thêm công việc, thu nhập lúc nông nhàn còn góp phần đa dạng hóa sản phẩm phục vụ thị trường du lịch. Qua đó, cũng giúp bảo tồn được nghề đan chiếu truyền thống của dân tộc mình.