• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chiêu lừa "con đang cấp cứu" đã xuất hiện tại Hà Nội

Thực hiện: Minh Ngọc | 14/03/2023

(Tổ Quốc) - Sau khi xuất hiện tại một số tỉnh phía Nam, mới đây kẻ lừa đảo tiếp tục xuất hiện ở Hà Nội mạo danh giáo viên gọi điện thông báo cho phụ huynh lừa "con đang cấp cứu tại bệnh viện".

Theo thông tin chia sẻ cảnh báo trong các hội nhóm để phụ huynh cảnh giác, một nhân viên làm ở phòng cấp cứu bệnh viện đã gửi tin nhắn cảnh báo đến nhà trường để thông báo cho các phụ huynh đề phòng.

Cụ thể; "Kẻ mạo danh là nhân viên y tế của nhà trường gọi điện cho phụ huynh nói rằng con trai bị tai nạn ngã cầu thang hôn mê đang cấp cứu ở bệnh viện và yêu cầu phụ huynh chuyển khoản để đóng viện phí cấp cứu khẩn cấp cho con". Hiện tượng này xảy ra tại một số trường trên địa bàn Hà Nội.

Đáng chú ý, ngay sau khi nhận được cuộc điện thoại lừa đảo này, phụ huynh hoảng loạn chạy đến bệnh viện, có người chuyển tiền theo hướng dẫn của kẻ lừa đảo. 

Trước tình hình trên, trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội) xác nhận, nhà trường có hai phụ huynh bị kẻ xấu mạo danh giáo viên, nhân viên y tế nhắn tin với nội dung: "Con gặp tai nạn đang ở bệnh viện cấp cứu, cần chuyển tiền ngay để nhập viện".

Tuy nhiên, cả hai phụ huynh này đã tỉnh táo và cảnh giác, xác minh thông tin từ nhà trường, giáo viên chủ nhiệm nên không bị lừa.

Hà Nội xuất hiện chiêu mạo danh giáo viên lừa phụ huynh 'Con đang cấp cứu, chuyển tiền ngay để nhập viện" - Ảnh 1.

Thông báo từ trường THPT Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội)

Ngay sau khi nhận được thông tin, nhà trường yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm thông báo đến phụ huynh của tất cả các lớp trên toàn trường để tránh bị lừa. Đồng thời nhà trường cũng báo cáo với cơ quan chức năng để ngăn chặn kịp thời tình trạng này.

Trong thông báo của nhà trường cho biết: "Ngày hôm nay có 02 phụ huynh của trường bị kẻ xấu giả danh giáo viên/nhân viên y tế của trường gọi điện báo tin con gặp nạn, nói "Con đang ở viện cấp cứu và cần chuyển tiền ngay để nhập viện". Kẻ xấu nắm rất rõ thông tin của học sinh và tên chính xác của giáo viên, kể cả môn dạy. Nếu cha mẹ học sinh nhận được tin nhắn, cuộc gọi tương tự thì liên hệ ngay với phó hiệu trưởng hoặc thầy cô chủ nhiệm để xác minh".

Phòng ngừa thủ đoạn lừa đảo với chiêu thức nói trên

Trao đổi với PV, TS. Đào Trung Hiếu - Chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an) cho hay, qua theo dõi thông tin do báo chí cung cấp, ông đánh giá đây là trò lừa đảo mới xuất hiện và khá tinh vi.

Để đề phòng thủ đoạn lừa đảo với chiêu thức trên, chuyên gia tội phạm học đã đưa ra những biện pháp sau:

Giữa nhà trường và gia đình học sinh tăng cường sự liên lạc, trao đổi thông tin thông qua đường dây nóng, để phụ huynh học sinh có thể cập nhật tình hình của con ở trường. Lưu ý khi lên lớp giáo viên thường không bắt máy, nên phải có những số máy thường trực luôn ở trạng thái chờ kết nối, tức là đường dây nóng với nhà trường;

Các lớp học, giáo viên và phụ huynh học sinh cần nâng cao ý thức bảo mật thông tin, đề phòng bị hack điện thoại, hoặc vô tình lộ lọt thông tin cá nhân, danh sách lớp học.

Hà Nội xuất hiện chiêu mạo danh giáo viên lừa phụ huynh 'Con đang cấp cứu, chuyển tiền ngay để nhập viện" - Ảnh 2.

Thông báo phụ huynh nhân được từ nhân viên bệnh viện cảnh báo (hình ảnh chia sẻ trong hội nhóm của các phụ huynh)

Phụ huynh học sinh cần cập nhật thường xuyên tình hình an ninh trật tự để biết các thủ đoạn phạm tội mới;

Tình huống nhận được cuộc gọi báo tin con bị tai nạn, cần hỏi rõ họ tên, chức vụ của người cung cấp thông tin. Sau đó, gọi điện cho nhà trường, hoặc giáo viên, hoặc cho con mình (nếu con có điện thoại) để kiểm tra, kiểm chứng thông tin. Tình huống không liên lạc được thì phải trực tiếp hoặc nhờ người tin cậy đến tận nhà trường kiểm tra. Tuyệt đối không dễ dàng làm theo những yêu cầu của người lạ, cho dù có xưng danh là ai.

Phải trình báo ngay với cơ quan Công an gần nhất để cơ quan chức năng có biện pháp giải quyết. Đồng thời cần thông báo cho nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, hoặc chủ động đưa thông tin lên mạng xã hội về tình huống bị lừa đảo của mình để cảnh báo xã hội, giúp nhiều người cảnh giác với thủ đoạn phạm tội mới của bọn tội phạm.

NỔI BẬT TRANG CHỦ