(Tổ Quốc) - Chiều nay (12/4), trên cơ sở các ý kiến đóng góp về dự án Luật Thư viện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị tiếp tục rà soát kỹ các điều luật, hoàn thiện để trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 7.
- 11.04.2019 Luật Thư viện ra đời sẽ góp phần chấn hưng văn hóa đọc tại Việt Nam
- 13.03.2019 Luật Thư viện được ban hành sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý phát triển sự nghiệp thư viện
- 11.03.2019 Đảm bảo đúng tiến độ việc xây dựng Dự án Luật Thư viện
- 19.02.2019 Tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của các đơn vị liên quan về Dự thảo Luật Thư viện
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện báo cáo tóm tắt tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự án Luật Thư viện. (Nguồn: Quochoi.vn)
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều nay tiếp tục cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật Thư viện.
Báo cáo tóm tắt tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp lần thứ 32 về dự án Luật Thư viện, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL ) Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, ngay sau phiên họp thứ 32 diễn ra cách đây một tháng của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo rà soát và tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chỉnh lý cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp nhằm hoàn thiện Dự án Luật. Các nội dung bao gồm: chính sách của Nhà nước về phát triển thư viện; Vị trí, chức năng, nhiệm vụ và phân loại thư viện; Phí hoạt động thư viện; Trách nhiệm của các Bộ, ngành; Tổ chức biên chế thư viện; nguyên tắc lấy người sử dụng thư viện là trung tâm; quyền sử dụng thư viện của một số đối tượng đặc biệt...
Đơn cử, về vị trí, chức năng, nhiệm vụ và phân loại thư viện, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định làm rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, việc thành lập của các loại hình thư viện; rà soát lại việc phân loại thư viện cho thống nhất và phù hợp. Bổ sung Điều 3; sửa đổi Điều 5 về phân loại thư viện. Theo đó thư viện được phân loại theo 03 tiêu chí: hình thức sở hữu, chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động thư viện; trong đó bổ sung quy định nhiệm vụ của từng loại thư viện (khoản 2 Điều 5)...
Đại biểu Phan Thanh Hải góp ý về dự án Luật Thư viện.
Báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự án Luật Thư viện, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho hay, Chính phủ đã chỉ đạo Ban soạn thảo tích cực nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Thường trực Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng và Ủy ban Pháp luật để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật Thư viện, đảm bảo đủ điều kiện trình Quốc hội theo quy định. Qua đó, Thường trực Uỷ ban nhất trí với tên gọi, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Dự thảo Luật.
Theo Chủ nhiệm Phan Thanh Bình, về cơ bản, Thường trực Uỷ ban nhận thấy dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung, chất lượng được nâng lên, đã hợp lý và chặt chẽ hơn. Để hoàn thiện Dự thảo Luật, Thường trực Uỷ ban đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh một số nội dung.
Chẳng hạn, về khái niệm thư viện: Khoản 1 Điều 2 Dự thảo Luật định nghĩa: Thư viện là nơi xây dựng và phát triển vốn tài liệu, người làm thư viện cung cấp thông tin, tài liệu, dịch vụ và tiện ích thư viện theo yêu cầu để phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu, công tác, giải trí của người sử dụng.
Thường trực Uỷ ban cho rằng, khái niệm thư viện có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở để xác định tổ chức và hoạt động của thư viện, xác lập các quy định điều chỉnh, chính sách phát triển thư viện. Tuy nhiên, khái niệm thư viện trong Dự thảo Luật chưa thể hiện rõ bản chất của thư viện là có vốn tài liệu được xử lý bằng nghiệp vụ thư viện và thực hiện các hoạt động nghiệp vụ thư viện.
"Do vậy, Thường trực Uỷ ban đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, chỉnh sửa cho phù hợp", Chủ nhiệm Phan Thanh Bình nhấn mạnh.
Góp ý cho dự thảo Luật, các đại biểu: Phan Thanh Hải, Phan Xuân Dũng... đánh giá cao việc tiếp thu của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra.
"Chỉ sau hơn một tháng mà hồ sơ dự án Luật Thư viện đã hoàn thiện đầy đủ như hiện nay khiến tôi đánh giá cao việc tiếp thu của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Hai bên đã phối hợp rất tốt. Theo tôi, hồ sơ dự án Luật đã đủ cơ sở để trình ra Quốc hội thảo luận vào Kỳ họp thứ 7 tới đây", đại biểu Phan Xuân Dũng nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam góp ý về dự án Luật Thư viện (Nguồn: TTXVN)
Góp ý về dự thảo luật, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Dự thảo Luật đã dành một số điều, khoản quy định về thư viện số. Theo Phó Thủ tướng, đây là một nội dung mới, Ban soạn thảo đã tập hợp, nghiên cứu bước đầu về các văn bản liên quan tới thông tin mạng để xây dựng các quy định về nội dung này.
Về quy định xếp hạng thư viện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, việc xếp hạng nhằm tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động thư viện song cũng cần cân nhắc bởi nếu không cẩn thận thì xếp hạng sẽ tạo ra "hình thức, chạy đua nâng hạng'.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng làm rõ thêm một số nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, đặc biệt là về thư viện số, quyền của thư viện, những điều cấm... Trên cơ sở các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.