(Tổ Quốc) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 94/2021/NĐ-CP ngày 28/10/2021 sửa đổi, bổ sung Điều 14 của Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch về mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Nghị định 94/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày ký ban hành (28/10/2021). Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định tại Điều 1 Nghị định này được thực hiện đến hết ngày 31/12/2023.
Giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết ngày 31/12/2023
Theo đó, việc giảm tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành là biện pháp hỗ trợ giúp giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp lữ hành còn hoạt động cũng như các doanh nghiệp mới muốn tham gia vào lĩnh vực lữ hành.
Theo quy định của Nghị định 94, mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành mới cụ thể như sau:
Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa: 20 triệu đồng (mức cũ là 100 triệu đồng).
Trong khi đó, mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế đến Việt Nam là 50 triệu đồng (mức cũ là 250 triệu đồng);
Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài: 100 triệu đồng (mức cũ là 500 triệu đồng);
Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài: 100 triệu đồng (mức cũ là 500 triệu đồng).
Chính phủ giao Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn, tổ chức thi hành Nghị định này.
Hoàn trả tiền chênh lệch ký quỹ cho doanh nghiệp
Nghị định 94 cũng quy định, ngân hàng nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành có trách nhiệm thu hồi Giấy chứng nhận tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đã cấp cho doanh nghiệp, cấp mới Giấy chứng nhận tiền ký quỹ theo mức ký quỹ nêu trên và hoàn trả số tiền chênh lệch giữa mức ký quỹ theo quy định tại Nghị định số 168/2017/NĐ-CP và Nghị định 94/2021/NĐ-CP cho doanh nghiệp kể từ ngày Nghị định 94/2021/NĐ-CP có hiệu lực (28/10/2021).
Gửi danh sách, thông tin doanh nghiệp đã tiến hành đổi giấy chứng nhận tiền ký quỹ về cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định trong thời gian 30 ngày kể từ ngày doanh nghiệp đổi giấy chứng nhận tiền ký quỹ.
Nghị định còn nêu rõ, doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định tại Nghị định số 168/2017/NĐ-CP có thể đổi Giấy chứng nhận theo mức quy định tại Nghị định 94/2021/NĐ-CP và gửi đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đổi.
Từ ngày 1/1/2024, doanh nghiệp ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành phải đổi Giấy chứng nhận tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành theo mức ký quỹ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 14 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP và gửi đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đổi.
Doanh nghiệp du lịch gặp nhiều khó khăn
Năm 2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm 80%, trước đó nhờ lượng khách quốc tế này đưa vị thế du lịch Việt Nam lên top đầu của châu Á. Năm 2021 giảm đến 90% khách du lịch quốc tế (10% là chuyên gia, lao động kỹ thuật cao).
Về khách nội địa, năm 2020 có 85 triệu lượt khách nhưng sang năm 2021 hầu như đóng băng. Trong quý 1 có được một số lượng khách nhất định nhưng không bảo đảm thường xuyên.
Cơ sở lưu trú du lịch cũng bị tác động nặng nề. Qua thống kê cho thấy có đến 90% các cơ sở lưu trú đều phải đóng cửa và không hoạt động, công suất hoạt động phòng khách sạn không có, chỉ sử dụng 10% là tối thiểu.
Thời gian qua, ngoài đề xuất giảm tiền ký quỹ du lịch cho các doanh nghiệp du lịch lữ hành sửa đổi theo Nghị định 168 giảm 80% nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ VHTTDL còn đề xuất và Chính phủ, Quốc hội chấp thuận: giảm tiền điện trong cơ sở lưu trú được áp dụng thời gian khá dài; Hỗ trợ cho hướng dẫn viên du lịch, trợ cấp khó khăn cho họ khi phải chịu tác động du lịch được ban hành và thụ hưởng.
Bộ VHTTDL cũng đồng kiến nghị xem xét để có gói tín dụng dành cho doanh nghiệp nói chung trong đó có doanh nghiệp du lịch./.