(Tổ Quốc) - Sáng 17/1, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp cho ý kiến về các nội dung liên quan đến Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khoá XV.
Chính phủ chịu trách nhiệm về việc lựa chọn phương án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo
Theo đó, tại phiên họp, một trong hai nội dung mà Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đó là việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, ngày 16/1, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và tại Hội trường về nội dung với 42 lượt đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu.
Trên cơ sở ý kiến phát biểu tại Tổ, tại Hội trường của các vị ĐBQH, báo cáo tiếp thu, giải trình của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Tài chính, Ngân sách phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan khác của Chính phủ tiếp thu, giải trình và hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về nội dung trên.
Báo cáo tiếp thu, giải trình một số nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, có ý kiến ĐBQH đề nghị báo cáo rõ về tính cấp bách của các dự án khi bố trí từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách, tại Tờ trình số 10/TTr-CP của Chính phủ đã đề xuất sử dụng dự phòng chung nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để dự kiến tập trung bố trí cho 50 dự án thuộc 5 ngành và dành 57.735 tỷ đồng/63.725 tỷ đồng bố trí cho các dự án giao thông trọng điểm.
Tại kỳ họp này, Quốc hội chưa quyết định phân bổ cụ thể đối với số vốn 30.568,013 tỷ đồng dự kiến bố trí cho các dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, Chính phủ báo cáo để Quốc hội quyết định việc dành số vốn này cho 17 dự án, trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án.
Khi đủ thủ tục đầu tư, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định trước khi Chính phủ giao vốn cho các bộ, ngành, địa phương; trường hợp cấp bách, giữa 02 kỳ họp Quốc hội, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định và sẽ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Như vậy, việc sử dụng vốn cho các dự án chỉ được thực hiện trên cơ sở tuân thủ và hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định.
Về bố trí vốn cho Tập đoàn điện lực để thực hiện Dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, một số ý kiến ĐBQH nhất trí bố trí vốn cho dự án như kiến nghị của Chính phủ, một số ý kiến đề nghị báo cáo, thuyết minh rõ hơn về sự cần thiết đầu tư, tính hợp lý, cơ sở lựa chọn phương án cấp điện cho Côn đảo; đề nghị Chính phủ chịu trách nhiệm về tính hiệu quả của phương án sử dụng, đảm bảo đúng quy định về đánh giá tác động môi trường và đồng bộ với quy hoạch cảng biển quốc tế Trần Đề, luồng hàng hải Định An.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến ĐBQH, thể hiện trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội tại Điều 2 của dự thảo Nghị quyết, trong đó yêu cầu “Chính phủ chịu trách nhiệm và cam kết về việc lựa chọn phương án cấp điện từ lưới điện quốc gia báo cáo Quốc hội là phương án tối ưu để đảm bảo tính hiệu quả, tiết kiệm, giá thành và chi phí hợp lý; đảm bảo đúng quy định về đánh giá tác động môi trường và đồng bộ với quy hoạch; chỉ đạo thực hiện bàn giao, bổ sung vốn, tài sản sau khi dự án hoàn thành thực hiện theo quy định của pháp luật”.
Một số ý kiến ĐBQH đề nghị chú trọng việc tăng cường quản lý, thực hiện các dự án đầu tư công; nhất là trong đầu tư xây dựng đường cao tốc để tránh gây lãng phí, tốn kém, phát sinh nhiều vấn đề khi thực hiện; cần khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án để triển khai kịp thời, hiệu quả...
Theo ông Lê Quang Mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tiếp thu ý kiến ĐBQH, thể hiện về nội dung này tại dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua. Theo đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, sớm phân bổ vốn KHĐTCTH giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch vốn đầu tư công hằng năm theo quy định của Luật Đầu tư công và bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị chỉnh lý tên báo cáo như tên dự thảo Nghị quyết là Báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo Nghị quyết về việc sử dụng dự phòng chung, dự phòng nguồn ngân sách Trung ương của Bộ Kế hoạch đầu tư vấn cho các bộ cơ quan Trung ương, địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Đồng thời, đề nghị rà soát thể hiện báo cáo một cách ngắn gọn, nêu rõ hầu hết đại biểu Quốc hội tán thành với dự thảo Nghị quyết, đồng thời góp ý thêm một số ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo tiếp thu, giải trình.
Về sự cần thiết và tính cấp bách của các dự án, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị báo cáo rõ về tính cấp bách của các dự án khi bố trí dự phòng kế hoạch đầu tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, danh mục dự án Chính phủ trình đã được rà soát kỹ và được bố trí vốn tập trung cho 5 ngành lĩnh vực quan trọng đã phù hợp với chủ trương đường lối của Đảng, Nghị quyết 29…Đồng thời, thể hiện luôn nội dung giải trình đối với dự án cấp điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nhấn mạnh ý nghĩa của dự án.
Về một số ý kiến đề nghị không sử dụng vốn mà chưa đủ thủ tục cho các dự án, ý kiến khác tán thành nhưng phải báo cáo Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị thể hiện rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo là tất cả các dự án này đều quan trọng cấp bách, dự án nào đủ thủ thì thực hiện theo quy trình, dự án nào đang trong quá trình chuẩn bị thì Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định để đảm bảo tính linh hoạt và nhanh nhạy.
Một số ý kiến đề nghị Chính phủ thuyết minh cụ thể đối với các trường hợp bố trí vượt mức quy định, Chủ tịch Quốc hội đề nghị thể hiện theo hướng cần khẳng định hầu hết các dự án đảm bảo đủ vốn theo quy định, có thể kể tên một số dự án quan trọng quốc gia, cấp bách cần phải được triển khai sớm để đáp ứng yêu cầu. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ ngoài vốn này đã huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để bảo đảm bố trí vốn có thể hoàn thành dự án.
Một số ý kiến đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ phải tăng cường triển khai công tác này theo đúng quy định pháp luật, chặt chẽ, hiệu quả; Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ yêu cầu đề nghị các cơ quan có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả./.