• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% trong năm 2022

Thời sự 05/01/2022 14:09

(Tổ Quốc) - Sáng nay (5/1), tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2022. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự hội nghị.

Thủ tướng: Năm 2021 gặp những khó khăn chưa có tiền lệ - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Hội nghị Chính phủ với các địa phương. Ảnh: Nhật Bắc

Khó khăn, thử thách chưa có tiền lệ

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, năm 2021, bên cạnh với những thuận lợi, đất nước gặp những khó khăn, thử thách rất lớn, chưa có tiền lệ. Đó là đợt dịch bùng phát lần thứ 4 ở nhiều địa phương với biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm hơn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế, xã hội, sản xuất, kinh doanh trên phạm vi cả nước, nhất là sức khỏe, tính mạng của Nhân dân.

Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự chỉ đạo sát sao, chặt chẽ của Tổng Bí thư, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay, hợp lực và giám sát hiệu quả của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; sự đồng tình, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng: Năm 2021 gặp những khó khăn chưa có tiền lệ - Ảnh 2.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với 8 trọng tâm, 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 193 nhiệm vụ cụ thể; vừa phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh và thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng.

Thủ tướng cho biết, hội nghị sẽ tập trung phân tích, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2021, khẳng định những ưu điểm và thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan.

Đồng thời, đề xuất những giải pháp khắc phục, thảo luận kỹ lưỡng và thống nhất về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, nhất là Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức.

Đạt và vượt 7/12 chỉ tiêu trong năm 2021

Về những kết quả đạt được trong năm qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”, ngay sau khi được kiện toàn, Chính phủ đã nhanh chóng ổn định, giải quyết công việc không để gián đoạn; đã ban hành, triển khai Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó đã xác định các nhiệm vụ, đề án lớn, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, khả thi.

Thủ tướng: Năm 2021 gặp những khó khăn chưa có tiền lệ - Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc

Chính phủ đề ra 6 quan điểm, định hướng lớn, trong đó nhấn mạnh yêu cầu: Xây dựng Chính phủ và cơ quan hành chính các cấp đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương; hành động thiết thực, hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam trở thành nguồn lực, động lực quan trọng nhất cho sự phát triển kinh tế-xã hội.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành theo dõi sát tình hình thế giới, khu vực; dự báo và xây dựng các kịch bản tăng trưởng, định kỳ cập nhật bảo đảm sát với diễn biến tình hình thực tế để đề ra và triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, hiệu quả, phục vụ cả mục tiêu trước mắt và lâu dài. Ước cả năm đạt và vượt 7/12 chỉ tiêu chủ yếu.

Theo đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm tăng 1,84%; các cân đối lớn được bảo đảm. GDP tăng 2,58%, trong đó quý IV tăng mạnh, đạt 5,22% sau khi giảm 6,02% trong quý III. Thu ngân sách nhà nước đạt trên 1,563 triệu tỷ, vượt 16,4% dự toán.

Để đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong năm 2021, Chính phủ đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.101 quy định kinh doanh. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 924 quy định và sửa đổi, bổ sung 183 văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của 07 bộ.

Trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, Chính phủ đã kịp thời ban hành và triển khai hiệu quả Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 116/NQ-CP, đã dành gần 71,5 nghìn tỷ đồng hỗ trợ 742.000 lượt người sử dụng lao động, 42,8 triệu người lao động; xuất cấp trên 158.000 tấn gạo.

Chính phủ đã xây dựng chiến lược và thúc đẩy ngoại giao vaccine, thành lập Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19, tích cực nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine trong nước, phát động chiến dịch tiêm chủng miễn phí toàn dân lớn nhất từ trước tới nay.

Kết quả, từ một nước có tỷ lệ tiêm vaccine rất thấp đã vượt lên là 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất trên thế giới. Đến nay, tỷ lệ bao phủ vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên 1 mũi là 99,6%, 2 mũi là 90,9%; người từ 12 đến 17 tuổi 1 mũi là 85,6%, 2 mũi là 57%; đang đặt mua vaccine tiêm cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Số ca nhiễm nhập viện, chuyển nặng, tử vong đang có chiều hướng giảm.

Phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6-6,5% trong năm 2022

Trình bày Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ đề xuất 12 nhiệm vụ giải pháp chủ yếu (tương ứng với 180 nhiệm vụ cụ thể).

Thủ tướng: Năm 2021 gặp những khó khăn chưa có tiền lệ - Ảnh 4.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trình bày Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Ảnh: Nhật Bắc

Trong đó, nổi bật là triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình phòng chống dịch COVID-19 và chương trình phục hồi, phát triển KTXH, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6-6,5%, GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD.

Thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và đổi mới sáng tạo, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số thiết thực, hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm; tiếp tục xây dựng và hoàn hiện thể chế hành chính nhà nước dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch, phục vụ người dân và doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, phát triển KTXH, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, tăng cường kết nối vùng, liên vùng, khu vực, quốc tế, nhất là công trình hạ tầng giao thông quan trọng như Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông; dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ; dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; đẩy nhanh và đưa vào hoạt động một số tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội, TPHCM,…

Phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam. Phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành động lực, sức mạnh nội sinh thúc đẩy phát triển bền vững đất nước. Phát triển công nghiệp văn hóa…

Củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội…

Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần củng cố vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Quán triệt, triển khai đường lối đối ngoại của Đảng, phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động nguồn lực bên ngoài để phát triển nâng cao vị thế, uy tín của đất nước./.


Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ