• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chính phủ họp thường kỳ tháng 1: Thủ tướng yêu cầu cầu mạnh dạn mở cửa, không để lỡ nhịp phục hồi

Thời sự 28/01/2022 14:49

(Tổ Quốc) - Sáng nay, 28/1, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 1, với một trong những nội dung quan trọng là thảo luận và hoàn chỉnh chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tháng 1 vừa qua có nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội, đối ngoại quan trọng. Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc với địa phương tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2022; phục vụ kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa XV. Thủ tướng đón, hội đàm với Thủ tướng Lào; lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ tổ chức, tham dự các hoạt động nhân dịp Tết Nhâm Dần (chương trình Xuân Quê hương; thăm, tặng quà lực lượng tuyến đầu chống dịch, công an, quân đội, y tế, người có công, đối tượng chính sách, hộ gia đình gặp khó khăn...). Các bộ, ban, ngành tổng kết công tác năm 2021, đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2022, triển khai Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ.

Cả nước tiếp tục thực hiện thống nhất, quyết liệt Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 năm 2022 trên cơ sở nền tảng của năm 2021 tiếp tục đạt một số kết quả rất đáng trân trọng.

Về cơ bản, chúng ta vẫn kiểm soát được dịch bệnh. Các cấp, các ngành tích cực xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm ngay từ đầu năm. Nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt kết quả tích cực; nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh được nối lại, chuỗi cung ứng lao động được khôi phục.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 sẽ tập trung đánh giá tình hình tháng 1 năm 2022, triển khai nhiệm vụ tháng 2, quý I và các tháng tiếp theo; thảo luận và hoàn chỉnh nghị quyết của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội.

Phiên họp cũng thảo luận về ưu tiên phòng chống dịch; làm tốt công tác an sinh xã hội theo tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau", mọi người, mọi nhà đều có Tết, bảo đảm an ninh trật tự để bảo đảm cho nhân dân đón Tết an toàn, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm…

Chính phủ họp thường kỳ tháng 1: Thủ tướng yêu cầu cầu mạnh dạn mở cửa, không để lỡ nhịp phục hồi - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Kinh tế- xã hội tháng 1: Nhiều kết quả khởi sắc, tiếp tục quỹ đạo phục hồi

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các ý kiến tại phiên họp thống nhất đánh giá, những hành động quyết liệt, kịp thời của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có tác động ngay tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2022 với nhiều kết quả khởi sắc, tiếp tục quỹ đạo phục hồi.

Đây là thành quả của việc chuyển đổi phương thức phòng, chống dịch theo hướng "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả" và tiêm chủng vaccine thần tốc, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế - xã hội được tổ chức trở lại. Nhờ đó, các hoạt động đang dần lấy lại trạng thái bình thường, sản xuất kinh doanh, dịch vụ phục hồi mạnh và nhanh; sức tiêu dùng của người dân tăng cao; giải ngân đầu tư công đạt kết quả ấn tượng. An sinh, an toàn, an dân được bảo đảm, tạo khí thế phấn khởi, gia tăng niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế.

Bên cạnh đó, việc sớm ban hành và triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP của Chính phủ đã tạo ra động lực mới cho các cấp, các ngành, thu hút sự quan tâm, ủng hộ của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, tạo xung lực mới góp phần thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, nền kinh tế nước ta vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức từ dịch bệnh và tình hình biến động quốc tế, khu vực, đòi hỏi các cấp, các ngành không được chủ quan, lơ là, phải khẩn trương, quyết tâm, nỗ lực hơn nữa trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, kế hoạch đã đề ra ngay từ đầu năm, nhằm phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất trong năm 2022, tạo nền tảng, động lực cho phục hồi và phát triển của cả giai đoạn 2021-2025.

Nếu cứ chờ đợi thì sẽ lỡ nhịp phục hồi, phát triển

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, tháng đầu tiên của năm 2022 có nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội, đối ngoại quan trọng, các công việc được triển khai toàn diện, có hiệu quả, đạt những kết quả rất đáng khích lệ. Các vấn đề phát sinh cơ bản được giải quyết dứt khoát, không để tồn đọng, như vấn đề ùn tắc hàng hóa nông sản biên giới, thiếu oxy y tế, các đề xuất của doanh nghiệp…

Thủ tướng yêu cầu, trong dịp Tết, cùng với các nhiệm vụ thường xuyên, phải tổ chức tốt công tác ứng trực, sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra; khẩn trương triển khai công việc ngay từ những ngày đầu năm sau Tết và có những việc phải làm ngay, làm tốt, làm hiệu quả ngay trong Tết, tinh thần là không để tháng Giêng là tháng ăn chơi.

Về công tác phòng chống COVID-19, Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; làm tốt công tác dự báo và chuẩn bị sẵn sàng để không bị động, lúng túng, bất ngờ. Tiếp tục thực hiện nghiêm "5K + vaccine + thuốc điều trị + công nghệ + đề cao ý thức của người dân và các biện pháp khác" với 3 trụ cột về cách ly, xét nghiệm, điều trị.

Coi trọng, làm tốt công tác phòng ngừa và tiếp tục xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực trên các lĩnh vực, nhất là trong phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Về kinh tế xã hội, Thủ tướng nêu rõ, phát huy thành quả đã đạt được trong năm 2021 với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt ngay từ tháng 1, tình hình kinh tế xã hội chuyển biến tích cực và tiếp tục khởi sắc.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn được bảo đảm. Bên cạnh kết quả đạt được, tình hình vẫn có những khó khăn, thách thức như kinh tế vĩ mô còn rủi ro, áp lực lạm phát đến từ cả bên trong và bên ngoài. Một số hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tháng 1 ở mức cao. Xuất khẩu sang một số thị trường trọng điểm còn khó khăn. Xảy ra một số vụ án gây bức xúc dư luận như các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em. Đời sống một bộ phận người dân còn gặp khó khăn. Ở một số nơi, trẻ em chưa được đến trường học tập trực tiếp.

Nhận định tình hình sắp tới có khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, thời cơ, chúng ta chưa dự báo hết được những diễn biến bất ngờ có thể xảy ra, Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị tâm thế, mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp ở mức cao hơn bình thường.

Các bộ ngành phân công ứng trực Tết phù hợp, khoa học để xử lý ngay, hiệu quả các vấn đề có thể xảy ra. Không tổ chức thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; không dự các lễ hội nếu không được phân công; không tham gia các hoạt động mê tín dị đoan; không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi... Tổ chức "Tết trồng cây" thiết thực, hiệu quả, gắn với kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, tiếp tục thực hiện chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh.

Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công bố công khai, cụ thể về việc mở cửa trường học và các hoạt động du lịch, nêu rõ lộ trình, các điều kiện, công việc cần làm, diễn tập các phương án xử lý khi có ca nhiễm COVID, tinh thần là mở cửa sớm nhất có thể, bảo đảm an toàn, hợp lý, khoa học, hiệu quả, phù hợp tình hình. Các bộ, ngành phối hợp với Bộ Y tế để ban hành quy định phòng chống dịch trong các ngành, thống nhất thực hiện trên toàn quốc, giám sát, kiểm tra để thực hiện hiệu quả.

Thủ tướng khẳng định, đến nay, khi đã đạt độ bao phủ vaccine, đúc kết được các kinh nghiệm, công thức, phương châm phòng chống dịch, chúng ta mạnh dạn, tự tin mở cửa trở lại. "Trong khó khăn, không có giải pháp hoàn hảo mà chỉ có giải pháp tối ưu, nếu cứ chờ đợi thì sẽ lỡ nhịp phát triển", Thủ tướng nhấn mạnh.

Chính quyền các địa phương thực hiện nghiêm các quy định về quản lý hoạt động đi lại của người dân trong dịp Tết theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nơi nào tự ý đặt các quy định, yêu cầu riêng trái với quy định, hướng dẫn chung thì các bộ ngành phải kiểm tra, xử lý. Phối hợp, tham gia đón người dân từ các nơi trở về an toàn, không ngăn sông cấm chợ và trở lại làm việc sau Tết...


PV

NỔI BẬT TRANG CHỦ