• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chính phủ “quyết” miễn nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp Nhà nước sai phạm

Kinh tế 24/09/2019 14:34

(Tổ Quốc) - Chính phủ vừa yêu cầu rà soát, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân trong việc để xảy ra các vi phạm trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ cấu lại doanh nghiệp; miễn nhiệm người đứng đầu; thực hiện giải thể, phá sản doanh nghiệp yếu kém…

Vấn đề nói trên được nêu rõ trong Nghị quyết số 73/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ, triển khai Nghị quyết số 60/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Miễn nhiệm người đứng đầu

Theo Nghị quyết này, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, tổng kết, báo cáo Chính phủ việc sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn có liên quan; hoàn thiện để Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn có liên quan.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016 theo hướng tách bạch giữa những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế hoặc lĩnh vực công ích Nhà nước cần nắm quyền chi phối với những lĩnh vực nên huy động vốn đầu tư từ xã hội.

Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, tổng kết, báo cáo Chính phủ việc sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn có liên quan; căn cứ kết luận tại Phiên họp thứ 37 của UBTVQH khóa XIV, xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật Ngân sách Nhà nước quy định về thu, sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Bộ Nội vụ chủ trì rà soát, sửa đổi cơ chế, chính sách để gắn kết quả của việc thực hiện việc sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước với việc đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu; tiếp tục đổi mới công tác bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với người đứng đầu doanh nghiệp Nhà nước.

giai-ngan-von-dau-tu-cong-1566231904541

(Nguồn: Dân trí)

Giải thể, phá sản doanh nghiệp yếu kém

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý rà soát diện tích đất đang quản lý trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật hiện hành.

Quản lý, giám sát chặt chẽ việc huy động, sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước, nhất là việc vay nợ nước ngoài, các dự án đầu tư trong nước và ra nước ngoài, nguồn vốn mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp.

Khẩn trương bàn giao phần vốn nhà nước hiện đang quản lý về cơ quan có thẩm quyền được giao quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Rà soát, xử lý các doanh nghiệp vi phạm pháp luật, để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước, các dự án đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ Công Thương theo thẩm quyền chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý dứt điểm các dự án đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của ngành công thương.

Các Bộ, ngành, UBND các tỉnh/thành phố, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thường xuyên rà soát, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu trong việc để xảy ra các vi phạm trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ cấu lại doanh nghiệp gửi Bộ Nội vụ tổng hợp chung, báo cáo Chính phủ.

Chính phủ yêu cầu xem xét cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn trong xử lý các vấn đề về tài chính, đất đai, lao động, chính sách khoa học, công nghệ... nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của một số doanh nghiệp đã cơ cấu lại nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh còn chưa khả quan.

Nghị quyết nêu rõ việc áp dụng biện pháp giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật, nhất là doanh nghiệp nhà nước lâm vào tình trạng giải thể, phá sản mà không có phương án cơ cấu lại khả thi.

Nguồn: Dân trí

NỔI BẬT TRANG CHỦ