(Tổ Quốc) -Tại phiên chất vấn Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chiều 6/6, câu chuyện về quản lý tiền ảo, trong đó có Bitcoin được nhiều đại biểu đề cập.
Theo đại ý của các đại biểu Quốc hội thì trong xu hướng phát triển cách mạng công nghệ 4.0, đồng tiền ảo Bitcoin phải được coi là phương tiện thanh toán mới. Do đó thay vì cấm, nên nghiên cứu chính sách để tạo hành lang pháp lý quản lý Bitcoin.
Trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết: Hiện tại, Pháp luật của chúng ta thì chưa công nhận loại tiền này, song thực tế giao dịch mua bán với tư cách tài sản đang diễn ra. Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu kỹ kinh nghiệm thế giới xử lý ra sao để có đối sách phù hợp.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ trả lời chất vấn. Ảnh Nam Nguyễn |
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ , mặc dù Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ ban hành quy định cấm nhập khẩu máy đào tiền ảo, Nhưng tình trạng nhập máy đào tiền ảo vẫn đang rất “sôi động”. Theo số liệu mà Bộ Tài chính báo cáo lên Chính phủ, từ năm 2017 tới nay đã có 15.600 máy đào Bitcoin được nhập vào Việt Nam. Chính vì vậy, thời gian tới, Chính phủ sẽ phải xem xét lại các khía canh pháp lý trước khi ban hành các quy định liên quan.
Cho ý kiến về việc này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định dù là xu hướng nhưng cho đến giờ phút này, pháp luật Việt Nam chưa cho phép lưu hành đồng tiền ảo.
Tháng 5 vừa qua, trong Lễ hội Blockchain 2018 được Tập đoàn Huobi tổ chức ngày ở Thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia kinh tế nước ngoài đã công bố các thống kê từ Huobi Pro (một trong những sàn giao dịch tài sản kỹ thuật số đứng đầu thế giới), hiện có hơn 74.000 người dùng đăng ký ở Việt Nam và khối lượng giao dịch của Bitcoin xếp trong top 3 thị trường tại Đông Nam Á. Mặc dù ở Việt Nam có khoảng 12 sàn giao dịch, nhưng các dịch vụ giao dịch tiền tệ hợp pháp vẫn chưa ổn định. Do chính sách pháp lý của Việt Nam nghiêm ngặt hơn các nước Đông Nam Á.
Vi Phong (T/h)