Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ trong buổi tiếp xúc với cử tri tỉnh Hà Tĩnh, diễn ra hôm nay, 3/8.
Ngày 3/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp xúc cử tri tại huyện Kỳ Anh và TP. Hà Tĩnh, thông báo kết quả kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu với cử tri. Ảnh: VGP/Thành Chung
|
Đây là cuộc tiếp xúc đầu tiên của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hà Tĩnh với cử tri địa phương sau kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV.
Các cử tri bày tỏ vui mừng khi kỳ họp Quốc hội thứ nhất thành công tốt đẹp, hoàn thành việc quyết định công tác nhân sự cấp cao của Nhà nước theo đúng các quy định của pháp luật, phát huy được tinh thần trách nhiệm, dân chủ của ĐBQH và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng.
Đặc biệt, cử tri của tỉnh Hà Tĩnh đánh giá cao tinh thần hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp của Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ kể từ khi Chính phủ được kiện toàn hồi tháng 4/2016 tới nay; chia sẻ với những khó khăn của Chính phủ trong thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế, xã hội gắn liền với giữ vững môi trường hòa bình, ổn định của đất nước; chủ động xử lý, khắc phục và tìm ra nguyên nhân sự cố môi trường biển miền Trung là do công ty Formosa gây ra.
Cử tri đề xuất, kiến nghị những vấn đề xác đáng
Cử tri Hà Tĩnh cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục đổi mới công tác xây dựng luật pháp, bảo đảm chất lượng, phù hợp với thực tiễn cuộc sống; các cơ quan tư pháp và ngành Tòa án xét xử công minh, rõ ràng vụ án tại Ngân hàng Xây dựng.
Là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển, cử tri tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan có chính sách hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi nghề cho bà con ngư dân không thể ra khơi đánh cá; xác định các vùng biển an toàn để ngư dân có thể làm nghề truyền thống, xử lý nghiêm trách nhiệm các cá nhân, tổ chức có sai phạm trong cấp phép, quản lý xây dựng và vận hành nhà máy Formosa, đồng thời giám sát chặt chẽ các cam kết của Formosa.
Cử tri Hà Tĩnh cũng nêu ý kiến về việc các trạm thu phí đường bộ trên địa bàn tỉnh dày đặc, mức phí cao là gánh nặng cho người dân địa phương...
Thay mặt đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng những nguyện vọng, đề xuất của cử tri là xác đáng và Chính phủ đang nỗ lực hết mình, “nói đi đôi với làm, làm phải có trách nhiệm” như quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ để đáp ứng lại sự kỳ vọng của nhân dân.
Chính phủ sớm ban hành chính sách hỗ trợ sản xuất ở 4 tỉnh miền Trung
Giải đáp những kiến nghị cụ thể của cử tri, trong đó có sự cố Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường biển, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ sẽ rà soát lại từ cấp Trung ương tới địa phương đối với những cá nhân có liên quan tới cấp phép, xây dựng và vận hành dự án này. “Cho dù có mục đích vì sự phát triển của địa phương mà thiếu hiểu biết hoặc kém trách nhiệm hoặc cố ý làm trái thì phải xử lý nghiêm theo pháp luật. Chính phủ sẽ công bố cho đồng bào, cử tri cả nước biết”, Phó Thủ tướng nói.
Về việc công bố nguyên nhân sự cố môi trường biển vừa qua, Phó Thủ tướng cho biết Đảng, Chính phủ và các nhà khoa học trong và ngoài nước đã làm hết sức mình, kịp thời tìm ra nguyên nhân với đầy đủ chứng cứ khoa học mà đối tượng vi phạm không thể chối cãi, không như giọng điệu kích động về việc chậm công bố nguyên nhân của các thế lực thù địch.
Để ổn định tình hình và đời sống người dân sau sự cố này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan hữu quan sẽ sớm có đánh giá tác động ảnh hưởng tới cuộc sống người dân. Chính phủ cũng sớm thảo luận, ban hành chính sách ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất và đẩy lùi tác hại của sự cố này đối với 4 tỉnh miền Trung. Theo đó, chính sách này sẽ được ban hành nhanh chóng nhưng bảo đảm lâu dài, căn cơ và đi vào cuộc sống.
Thông báo tới cử tri của Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết số tàu thuyền của 4 tỉnh chịu thiệt hại từ sự cố môi trường biển miền Trung có 17.482 chiếc (trong đó có 1.900 tàu trên 90 CV) phải ngừng hoạt động; số người chịu ảnh hưởng trực tiếp là gần 50.000 người và gián tiếp hàng chục ngàn người.
Hiện mới có 50-70% tàu thuyền đánh bắt ở khu vực ngoài 20 hải lý; 45.000 lao động trực tiếp không có việc làm ổn định, thu nhập thấp; 90% tàu hoạt động trong khu vực 20 hải lý không hoạt động. Sản lượng khai thác ven bờ và vùng lộng giảm 1.600 tấn/tháng, tác động khá mạnh tới các hộ nuôi tôm, cá lồng bè, nghề muối, hậu cần thủy sản.
Chính phủ cũng đang chỉ đạo các tỉnh tiếp tục thống kê, điều tra, xác minh rõ ràng.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao đổi với cử tri Hà Tĩnh. Ảnh: VGP/Thành Chung
|
Thu hút đầu tư chọn lọc
Phó Thủ tướng cũng đồng tình với kiến nghị của cử tri Hà Tĩnh về quan điểm phát triển bền vững và nhấn mạnh mục tiêu phát triển của đất nước 5 năm tới là phát triển nhanh hơn nhưng quan trọng là bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường. Không đánh đổi lấy kinh tế mà gây bất ổn xã hội hay hy sinh môi trường.
Lãnh đạo Chính phủ cũng cho rằng cần phải nâng cao, hoàn thiện quy chuẩn môi trường và kiểm tra, đánh giá lại các dự án liên quan tới môi trường. Nếu dự án có sai phạm thì phải xử lý, có đủ điều kiện thì mới cho phép hoạt động.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nêu rõ quan điểm của Chính phủ trong thu hút đầu tư trong thời gian tới là chọn lọc các dự án đầu tư nước ngoài phù hợp với định hướng tái cơ cấu nền kinh tế trong nước, có kỹ năng quản trị tốt và mong muốn kết nối với doanh nghiệp trong nước để phát triển doanh nghiệp Việt Nam.
Liên quan tới kiến nghị về Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh có gần 100 km mà có tới 3 trạm thu phí, Phó Thủ tướng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở GTVT xem xét, đề xuất với Bộ GTVT trong việc thực hiện tính toán, sắp xếp các trạm thu phí trên cả nước nói chung, trong đó có địa bàn Hà Tĩnh.
Phó Thủ tướng cũng cho biết phí đường bộ tại các trạm thu đã được Chính phủ chỉ đạo giảm, dựa trên các cơ sở khoa học, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước hạn hẹp, Phó Thủ tướng cho rằng nguồn huy động trong xã hội để phát triển hạ tầng giao thông là tất yếu nhưng phải bảo đảm công khai, minh bạch, sòng phẳng, bảo đảm lợi ích các bên.
Đối với nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững chủ quyền quốc gia, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là việc lâu dài, chúng ta kiên quyết, kiên trì thực hiện vì môi trường hòa bình, thuận lợi để đất nước phát triển.
Thành Chung
Theo Chinhphu.vn