Hôm nay, 4/10, ngày làm việc thứ hai của phiên họp thường kỳ tháng 9/2016, Chính phủ thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, tập trung vào những giải pháp để hoàn thành cao nhất mục tiêu đã đề ra năm 2016.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2016. Ảnh: THống Nhất- TTXVN |
Theo chương trình làm việc, tại phiên làm việc hôm nay, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ thảo luận 8 nội dung, trong đó có Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng năm 2016 và kế hoạch năm 2017; Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính-ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020 và Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.
Theo báo cáo do Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày, mặc dù còn nhiều khó khăn hạn chế, nhưng nhìn chung, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,54% so với tháng trước và tăng 3,14% so với tháng 12/2015.
Tăng trưởng GDP quý III tăng mạnh so với 2 quý trước (đạt 6,4%), 9 tháng đạt 5,93%. Khu vực nông nghiệp có bước phục hồi khá. Khu vực dịch vụ, du lịch, khách quốc tế tăng mạnh. Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng ước đạt 128,2 tỷ USD, xuất siêu hơn 2,7 tỷ USD.
Mặt bằng lãi suất ổn định và có xu hướng giảm. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng khá.
Phát triển doanh nghiệp chuyển biến tích cực. Trong 9 tháng, có 81.451 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 629.000 tỷ đồng, tăng hơn 19% về số doanh nghiệp và tăng khoảng 50% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ. Trung bình mỗi tháng có hơn 9.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.
Theo Bộ KH&ĐT, nếu quý IV tăng trưởng như quý III là 6,4%, thì cả năm 2016 tăng trưởng chỉ đạt 6%, nếu tăng trưởng tương đương quý IV/2015 là 7% thì cả năm 2016 tăng 6,3%. Để tăng trưởng cả năm đạt 6,5%, thì quý IV phải tăng 7,7%. Theo đó, phải có sự nỗ lực cao thì tăng GDP cả năm mới có thể đạt khoảng 6,3-6,5%.
Bộ KH&ĐT cho rằng, trong 3 tháng cuối năm, còn một số dư địa về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bao gồm đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ năm 2016, cải thiện cầu và sức mua trong nước, phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch và sự phục hồi của ngành nông nghiệp.