(Tổ Quốc) - Ngày 29/6, tại phiên họp chuyên đề về pháp luật tháng 6/2023 của Chính phủ đã thống nhất thông qua Tờ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo, về các chính sách dự kiến đưa vào nội dung của Luật.
Nhằm thể chế đầy đủ các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng về giáo dục và vai trò, vị trí quan trọng của đội ngũ nhà giáo, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để phát triển đội ngũ nhà giáo, ngày 29/6, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ đã họp phiên chuyên đề pháp luật tháng 6 năm 2023, trong đó xem xét Tờ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo.
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn trình bày Tờ trình, báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ, ý kiến trao đổi của các Bộ trưởng thành viên Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kết luận: thống nhất với Tờ trình của Bộ GDĐT về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo, về các chính sách dự kiến đưa vào nội dung của Luật. Thủ tướng giao Bộ GDĐT tiếp thu ý kiến của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các thành viên Chính phủ; phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ để rà soát, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội xem xét, đưa việc xây dựng Luật Nhà giáo vào Chương trình xây dựng pháp luật.
Thủ tướng cũng lưu ý Bộ GDĐT: đây là bộ luật khó, có tác động rộng lớn trong xã hội, Bộ GDĐT cần tập trung nguồn lực, đảm bảo việc xây dựng và trình dự án Luật đúng tiến độ và có chất lượng; chú ý việc lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học; đồng thời tiếp thu được tinh hoa của nhân loại, kinh nghiệm quốc tế và phù hợp với điều kiện Việt Nam; khắc phục được sự tản mạn, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật về nhà giáo. Bộ GDĐT khẩn trương tiến hành công việc, đảm bảo tiến độ thông qua Chính phủ vào tháng 3 năm 2024 và trình Quốc hội vào kỳ họp thứ Tám Quốc hội khóa XV./.