• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chính phủ trình gói phục hồi kinh tế gần 350.000 tỷ đồng

Kinh tế 04/01/2022 10:57

(Tổ Quốc) - Chính phủ trình Quốc hội Chương trình phục hồi kinh tế gồm hỗ trợ tài khóa khoảng 291.000 tỷ đồng, hỗ trợ tiền tệ khoảng 46.000 tỷ đồng, hỗ trợ qua các quỹ khác 10.000 tỷ đồng và một số khoản khác.

Chính phủ trình gói phục hồi kinh tế gần 350.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình dự thảo nghị quyết.

5 nhóm giải pháp

Sau khi khai mạc kỳ họp Quốc hội bất thường, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình về dự thảo nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo tờ trình, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022-2023.

Thứ nhất, Chính phủ đề xuất chi khoảng 60.000 tỷ đồng để mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh.

Thứ hai, chi khoảng 53.000 tỷ đồng để đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm. Thứ ba, chi khoảng 110.000 tỷ đồng để hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Thứ tư, chi khoảng 114.000 tỷ đồng cho phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.

Cuối cùng, Chính phủ sẽ tập trung cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, huy động từ các quỹ tài chính ngoài ngân sách Nhà nước khoảng 10.000 tỷ đồng để phục vụ một số nhiệm vụ khác.

Nguồn lực đâu để thực hiện?

Cũng theo Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư, về giải pháp tài khóa sẽ có tổng quy mô 291.000 tỷ đồng. Trong đó, tăng bội chi để hỗ trợ trực tiếp từ NSNN là 240.000 tỷ đồng (trong đó đáng chú ý là giảm thuế, phí, lệ phí là 64.000) tỷ đồng; Bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi NSTW năm 2021 khoảng 6.600 tỷ đồng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; Giảm chi phí cho doanh nghiệp khoảng 6.000 tỷ đồng thông qua việc gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2022…

Về giải pháp tiền tệ, Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí quản lý để phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5-1% trong 2 năm. Tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, theo dõi sát diễn biến kinh tế, tiền tệ để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phù hợp, đồng thời bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Để có nguồn lực thực hiện, Chính phủ đề xuất tăng bội chi ngân sách với số tiền là 240.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023. Riêng năm 2022, Chính phủ ước tính tăng bội chi thêm khoảng 1,1% lên mức 5,1% để có số tiền khoảng 102.800 tỷ đồng.

Chính phủ cũng đề nghị cho phép nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách Nhà nước bình quân giai đoạn 2021-2025 có thể cao hơn 25%. Ngoài ra, tổng mức vay, trả nợ của ngân sách trung ương có thể cao hơn kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia; kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân thấp hơn 9 năm.

Ngoài ra, ngân sách Nhà nước có thể đi vay một số nguồn hợp pháp và hoàn trả khi có nguồn tăng thu hàng năm. Bộ Tài chính sẽ phát hành trực tiếp trái phiếu Chính phủ cho Ngân hàng Nhà nước.

Đến năm 2023, Chính phủ tổng hợp kế hoạch và dự toán ngân sách Nhà nước chung cho cả phần tăng thêm của Chương trình phục hồi và của năm 2023, trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định hiện hành./.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế (UBKT) Vũ Hồng Thanh cho biết, UBKT nhất trí với sự cần thiết thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình với các lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm cụ thể hóa Kết luận số 20-KL/TW ngày 16.10.2021 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, các Nghị quyết của Quốc hội và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Phân tích những nội dung cụ thể liên quan tới quy mô tổng thể chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác, UBKT thấy rằng một số chính sách hỗ trợ dự kiến triển khai nhưng chưa được tính toán vào quy mô hỗ trợ tổng thể của Chương trình. Đề nghị bổ sung, tính toán lại số liệu, làm rõ tổng quy mô của các chính sách hỗ trợ. Ngoài ra, đề nghị đánh giá tác động đầy đủ, nhiều chiều của việc thực hiện các chính sách nêu trên./.


Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ