• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chính phủ yêu cầu có giải pháp cụ thể, thiết thực về chính sách tiền tệ, tài khóa hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh

Kinh tế 13/04/2020 07:52

(Tổ Quốc) - Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh phải tập trung quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm, làm chậm, nhũng nhiễu, gây khó khăn trong triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

 Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 154/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội ứng phó với đại dịch COVID-19.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đại dịch COVID-19 tác động nặng nề đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội nước ta, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước cùng đồng hành, chung sức, đồng lòng phối hợp chặt chẽ quyết liệt phòng chống dịch, đồng thời quyết tâm cao độ để vượt qua khó khăn trên các lĩnh vực do dịch bệnh gây ra, với tinh thần "khó khăn gấp đôi thì cố gắng gấp ba"...

Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng chống dịch bệnh; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sớm thành lập các Ban chỉ đạo đủ thẩm quyền ở địa phương để kịp thời xử lý, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và trong triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn...

Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan: Khẩn trương xây dựng các kịch bản, phương án, kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4 năm 2020, trong đó xem xét kỹ lưỡng, có phương án điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 để báo cáo cấp có thẩm quyền.

Tổng hợp, tiếp thu ý kiến tại Hội nghị và ý kiến tham gia bằng văn bản của các Bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội ứng phó với đại dịch COVID-19, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 18/4/2020, trong đó lưu ý một số nội dung sau:

Có kế hoạch tổ chức lại, kiểm tra, đôn đốc việc đẩy mạnh sản xuất, cơ cấu lại thị trường, đa dạng hóa, mở rộng thị trường quốc tế, tận dụng tốt cơ hội của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết; tìm biện pháp đón nhận các dòng đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh đầu tư xã hội; khai thác và phát triển thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước. Có phương án để kịp thời nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất; thúc đẩy sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng; kiểm soát tốt thị trường, giá cả, nhất là mặt hàng thịt lợn và các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá.

Có giải pháp cụ thể, thiết thực về chính sách tiền tệ, tài khóa hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh trong điều kiện khó khăn, chú ý giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Tiếp tục cải cách mạnh mẽ, rà soát hoàn thiện các quy định của pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tiết giảm chi phí và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, tận dụng tốt các cơ hội phục hồi nền kinh tế sau dịch.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh phải tập trung quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, có quy định cụ thể và chế tài đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương để xảy ra tình trạng chậm giải ngân các dự án đầu tư công ở Bộ, ngành, địa phương mình; xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm, làm chậm, nhũng nhiễu, gây khó khăn trong triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Có kế hoạch, giải pháp cụ thể bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trong bối cảnh dịch bệnh; xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, lợi ích nhóm…

Chính phủ yêu cầu có giải pháp cụ thể, thiết thực về chính sách tiền tệ, tài khóa hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh - Ảnh 2.

PV (tổng hợp)

NỔI BẬT TRANG CHỦ