(Tổ Quốc) - Cho đến nay, đã 1 tuần từ khi hàng vạn người dân sử dụng nguồn nước bẩn, phía chính quyền chưa có một phương án xử lý nào, chưa có một lời cam kết nào về thời hạn giải quyết vụ việc. Dường như, người dân tự xử lý cuộc khủng hoảng nước sạch này.
Từ ngày 10/10, hàng loạt khu dân cư tại Hà Nội phát hiện ra nước máy sử dụng hằng ngày có mùi lạ, mùi khét như các khu đô thị thuộc phía tây nam Hà Nội như các khu đô thị HH Linh Đàm (Hoàng Mai), Tây Mỗ (Nam Từ Liêm), Hà Đông, Thanh Xuân...Thế nhưng, phải sau đó 5 ngày, đến chiều 15/10, thành phố mới có thông tin chính thức về việc nước sạch được cấp ra từ nhà máy nước sông Đà có chứa hàm lượng styren cao gấp 1,3 đến 3,65 lần bình thường. Styren là hóa chất dùng trong công nghiệp hay dùng để chế tạo sơn, nhựa có thể gây hại tới sức khỏe con người, tiếp xúc lâu dài có thể gây ung thư. Một ngày sau, Công ty Cổ phần Nước sạch sông Đà phát đi thông báo tạm ngừng cung cấp nước để súc xả tuyến ống dẫn nước.
Hàng trăm người dân ở một khu dân cư xếp hàng trong đêm chờ lấy nước (ảnh Minh Khánh)
Một tuần dùng nước bị ô nhiễm, không ai khuyến cáo, không ai đền bù đến cho những người vốn được coi là "thượng đế" của nhà máy nước. Một lời xin lỗi hiếm hoi cũng chỉ đến từ ông giám đốc nhà máy nước sông Đà.
Điều đáng nói là, không một thông tin nào chính thức được phát đến các khu dân cư về tình trạng nước ở khu vực, để người dân hoang mang, lo lắng. Mọi thông tin đều xem từ báo chí. Một khu vực được khoanh vùng chung chung. Dân nháo nhác hỏi nhau, tìm mọi cách để xem khu mình đang sinh sống có "bị" không. Thậm chí có nhà liên hệ được với đơn vị cung cấp nước và biết nước nhà mình không bị ô nhiễm nhưng căn theo khuyến cáo của thành phố cũng ào đi mua nước đóng chai về dùng. Từ đó, bao hệ lụy xảy ra.
Nhà vật lý học, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải cho rằng: "Đến nay không có một nhà khoa học nào, cơ quan nào xử lý, quan trọng nhất là hướng dẫn cộng đồng xử lý, khắc phục tình trạng trên như thế nào. Chỉ lên báo nói bà con không được dùng nước đó để ăn. Còn người dân phải đi mua nước nơi khác về thì ai sẽ chịu trách nhiệm và đền tiền đó? Ví dụ một khi trả 1 lít nước khoảng 5-7 ngàn và mua 20l mất bao nhiêu tiền thì tôi sẽ mua đến bao giờ, bao nhiêu ngày nữa?
Có người gọi đây là cơn khủng hoảng nước sạch ở Hà Nội, quả không sai. Các siêu thị "cháy" mặt hàng nước đóng chai. Có nơi, các bà nội trợ thậm chí gần như giành giật để mua được bình nước sạch hiếm hoi. Không ai nghĩ, giữa Thủ đô còn cảnh khan hiếm hơn cả thời bao cấp!
Một số khu chung cư, Ban quản lý mua xe nước để cấp cho người dân. Trớ trêu thay, khi hàng trăm người dân xếp hàng chờ lấy nước nhưng đơn vị cung cấp lại sử dụng xe tưới cây để chở nước khiến nguồn nước được cấp có mùi tanh, màu vẩn đục nên người dân phải đổ đi. Nỗi khổ chồng thêm khổ!
Người dân tự cứu bằng cách tích trữ nước đóng chai (ảnh Nam Nguyễn)
Theo thông tin trên truyền thông, phải sang tuần sau, kết quả xét nghiệm chính thức các mẫu nước mới có. Từ nay đến lúc đó, người dân vẫn phải tự cứu mình bằng đủ mọi phương cách: Đến những nhà máy nước sạch được công bố để lấy nước, xếp hàng chờ xe nước đến cấp, hay lại chạy khắp thủ đô để mua nước đóng chai về dự trữ… Nhưng nỗi hoang mang là, tuần sau, khi có kết quả rồi thì nguồn nước có được xử lý, có đảm bảo cho người dân sử dụng hay không?
Chính quyền không lên tiếng! Trong khi đó, theo TS Khải, xử lý vấn đề này cực kỳ phức tạp, vì đây là dầu nhớt chứ không phải đất cát mà trôi hết được.
Là thành phố Thủ đô với hơn 8 triệu dân sinh sống, một phút chậm trễ của chính quyền thì hàng triệu người dân phải gánh chịu hậu quả. Nhưng liên tiếp sự cố gây ảnh hưởng đến môi trường sống của hàng triệu người dân, bao gồm sự cố thủy ngân ở Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông, ô nhiễm không khí và ô nhiễm nguồn nước đều cho thấy cách xử lý bị động của thành phố Hà Nội khi đứng trước các vấn đề về môi trường. Trong khi thực phẩm, không khí, nguồn nước là những nhu cầu thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến người dân nhưng thành phố chưa có được phản ứng với sự cố một cách nhanh chóng!