(Tổ Quốc)- Theo quyết định của Bộ GTVT, xe công nghệ như GrabCar, beCar, FastGo,… chính thức dừng hoạt động thí điểm kể từ ngày 1/4 tới đây và sẽ phải thay đổi để hoạt động theo quy định mới. Tuy nhiên sự thay đổi này khiến khách hàng lo lắng giá cước sẽ bị điều chỉnh theo.
Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã ban hành Nghị định số 10/2020/NĐ-CP về vận tải và điều kiện kinh doanh vận tải, có hiệu lực vào ngày 1/4/2020 sau khi được Thủ tướng Chính phủ ký.
Theo Nghị định số 10/2020/NĐ-CP (thay thế Nghị định 86/2014), tất cả xe kinh doanh vận tải hành khách dưới 9 chỗ được xác định là taxi. Những xe này có quyền lựa chọn gắn "mào" taxi trên nóc xe; hoặc phải dán chữ "XE TAXI" bằng vật liệu phản quang trên kính trước và kính sau xe.
Trường hợp xe dưới 9 chỗ đang thí điểm là xe hợp đồng, kể từ 1/4, nếu tiếp tục hoạt động là xe hợp đồng phải cấp lại phù hiệu và dán lên kính xe, việc này sẽ phải thực hiện xong trước ngày 1/7/2020. Trường hợp có nhu cầu chuyển sang xe taxi, phải thực hiện cấp lại phù hiệu theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP.
Theo điều 35 Nghị định 10/2020, quy định: Đơn vị chỉ cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải không trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe; không quyết định giá cước vận tải; phải chấp hành các quy định theo pháp luật về giao dịch điện tử, các pháp luật khác có liên quan và phải đáp ứng một số yêu cầu theo Nghị định này.
Như vậy sau khi quyết định mới có hiệu lực, các hãng xe công nghệ nổi tiếng như Grab, be, FastGo, Vato sẽ có những thay đổi đáng kể trong hoạt động kinh doanh của mình.
Khách hàng lo lắng giá cước xe công nghệ có thể tăng
Các hãng xe công nghệ phải thay đổi theo quy định mới nếu muốn tiếp tục hoạt động, vậy điều này có làm khách hàng hay tài xế bị ảnh hưởng theo hay không?
Chia sẻ với chúng tôi, các tài xế GrabCar cho hay, việc dừng thí điểm xe công nghệ không ảnh hưởng gì đến "cần câu cơm" của tài xế.
"Tôi có xe riêng nên chạy GrabCar và đã nghe thông báo từ Grab về việc sắp dừng thí điểm xe công nghệ, ban đầu cũng hơi lo lắng nhưng khi tìm hiểu kỹ lại Nghị định thì không có ảnh hưởng gì lắm. Trong thời gian tới, xe tôi muốn hoạt động nữa sẽ phải gia nhập mô hình hợp tác xã để hợp thức hoá cho đúng luật", anh Phạm Thảo (tài xế GrabCar) chia sẻ.
Khi được hỏi phải gắn chữ "XE TAXI" có sợ bị ảnh hưởng không, anh Thảo cho biết điều này cũng bình thường, giúp khách dễ nhận biết. Hơn nữa việc này cũng không ảnh hưởng đến khách hàng, thậm chí họ được lợi nhiều hơn vì xe công nghệ được phép hoạt động trên toàn quốc.
Theo nhiều tài xế GrabCar và beCar, hầu hết đều vui khi cơ quan chức năng đã công nhận và cho phép xe công nghệ hoạt động trên toàn quốc theo quy định mới. Như vậy, việc hoạt động xe công nghệ được quy chuẩn hơn, chỉ cần thực hiện cấp lại phù hiệu xe hợp đồng thì sẽ hoạt động bình thường, vẫn kết nối với khách qua ứng dụng công nghệ.
Nhiều người hy vọng rằng, khi Nghị định mới có hiệu lực, các ứng dụng công nghệ gọi xe có thể sẽ mở rộng phạm vi hoạt động thêm nhiều tỉnh thành, từ đó các tài xế sẽ chở được nhiều khách hơn mà không còn bị hạn chế như trước.
Nếu như tài xế ít bị ảnh hưởng thì khách hàng cũng sẽ thoải mái di chuyển hơn, đứng ở đâu cũng có thể gọi được xe.
"Sau khi biết tin dừng thí điểm xe công nghệ, một số người hay di chuyển bằng xe công nghệ nghĩ mình sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhưng tôi thì không nghĩ thế. Việc thay đổi này chỉ là vấn đề pháp lý, hoạt động theo khuôn khổ hơn còn các công ty công nghệ vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên từ nay đến cuối tháng 3 năm nay, tôi cũng chờ xem GrabCar, beCar hay các ứng dụng gọi xe khác có sự thay đổi gì liên quan đến khách hàng hay không", anh Thanh (quận Tân Phú, TP. HCM) chia sẻ.
Theo anh Thanh, việc xe công nghệ được chấp nhận trên toàn quốc với hình thức kinh doanh vận tải theo luật định mới có thể giúp doanh nghiệp vận tải truyền thống có thể cạnh tranh công bằng với các hãng xe công nghệ và ngược lại, hai loại hình có thể hỗ trợ lẫn nhau để phát triển.
Còn chị Thảo Nguyên (quận Thủ Đức) chia sẻ: "Tôi cũng mới nghe thông tin này qua các phương tiện truyền thông và hơi lo lắng, sợ khách hàng như mình sẽ bị ảnh thưởng theo sau khi dừng thí điểm xe công nghệ. Bản thân tôi hay chọn GrabCar để đưa con nhỏ đi khám sức khoẻ và không biết ứng dụng gọi này có bị thay đổi gì không, chính sách khuyến mãi có bị ảnh hưởng nhiều không hay gọi xe sẽ khó ra sao…?".
Ngoài ra, vấn đề quan tâm nhất của chị Nguyên và nhiều khách hàng khác đó là giá cước sẽ bị thay đổi như thế nào. "Theo Quyết định mới, đơn vị cung cấp phần mềm hỗ trợ kết nối sẽ không có quyền quyết định giá cước vận tải, vậy giá cả sẽ được tính như thế nào?", chị Nguyên thắc mắc.
Các ứng dựng xe công nghệ phản ứng ra sao?
Theo các doanh nghiệp kinh doanh công nghệ như Grab, be, Vato, FastGo, trước mắt vẫn hoạt động bình thường từ nay cho đến khi Nghị định có hiệu lực. Tuy nhiên sẽ cần có một số điều chỉnh để tuân thủ theo quy định mới.
Đại diện truyền thông beGroup (beCar) cho biết, đang họp bàn phương án để có những quyết định phù hợp với quy định mới.
Còn đại diện Grab tại Việt Nam nhận định, Quyết định 146 thông báo về việc hết hiệu lực của Đề án thí điểm, cho rằng đây là một hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước và không ảnh hưởng gì đến hoạt động của Grab trên thị trường. Như vậy khách hàng và đối tác tài xế sẽ cũng sẽ không bị ảnh hưởng ở thời điểm hiện tại.
Hiện nay, Grab đang tích cực làm việc với các cơ quan chức năng có liên quan để triển khai các quy định của Nghị định 10/2020 một cách nghiêm túc, đúng pháp luật.
Thay vì hoạt động trong khuôn khổ một Đề án thí điểm, từ ngày 1/4/2020, Grab và các mô hình như Grab có thể chính thức hoạt động trên phạm vi toàn quốc theo luật định.
"Trên tinh thần của Quyết định 146 và Nghị định 10, chúng tôi đã, đang và sẽ tích cực làm việc với các cơ quan chức năng để tìm hiểu kỹ hơn về các quy định của pháp luật dành cho mô hình hoạt động của mình. Tuân thủ pháp luật, đảm bảo tối đa quyền lợi của khách hàng, đối tác tài xế và hướng đến sự phát triển của cộng đồng luôn là tôn chỉ hoạt động mà Grab hướng đến", đại diện Grab thông tin.