Đó là câu chuyện có thật của đôi bạn thân. Sự thật về tình bạn đáng quý này đã thu hút nhiều sự quan tâm của mọi người.
Được biết, đó là câu chuyện có thật của đôi bạn thân người Trung Quốc.
Theo đó, anh Tôn Thắng Vinh, 47 tuổi là một doanh nhân người Trung Quốc thành đạt ở Tây Ban Nha. Anh hiện đang giữ nhiều chức vụ quan trọng trong ngành dịch vụ thương mại ở Châu Âu.
Ngày trước, anh Tôn chỉ là một cậu bé nghèo không có đồng xu dính túi, nhưng cơ duyên đưa đẩy gặp được người bạn tốt đó là Trương Ái Dân (Trương đại ca), một thợ cắt tóc sống cùng khu lúc bấy giờ đã dang tay giúp đỡ và giúp anh có được cơ ngơi như ngày hôm nay.
Anh Tôn Thắng Vinh (bên trái) cùng ân nhân của mình là Trương Ái Dân (Trương đại ca) vào 20 năm trước. |
Trương Ái Dân nhớ lại, đó là mùa hè năm 1986, anh đã gặp một cậu bé gầy gò chỉ tầm hơn 10 tuổi xin học việc tại tiệm cắt tóc.
Anh nói: "Thời điểm đó, tôi rất ấn tượng với cậu bé ấy (Tôn Thắng Vinh). Vừa nghiêm túc vừa có tay nghề, chúng tôi cũng trao đổi nhiều chuyện. Cậu nói rằng là anh lớn nhất trong nhà nên chỉ mới hơn 10 tuổi đã phải ra ngoài làm kiếm tiền.
Hiểu được hoàn cảnh, tôi cũng bắt đầu chỉ dạy nhiều hơn. Sau một vài tháng, kỹ năng cắt tóc của cậu ta ngày càng tốt. Tuy nhiên, một ngày nọ đột nhiên cậu ấy biến mất không tung tích".
Thời điểm đó, Trương chỉ biết Tôn là người Thanh Điền, nên đã dò hỏi những người quen xung quanh, cuối cùng đã tìm ra cậu bé giỏi tay nghề từng học việc ở tiệm tóc của anh. Lúc ấy, gặp lại Trương đại ca, Tôn không biết nói gì, vẫn cảm thấy có lỗi vì đã bỏ đi mà không nói lời nào.
Trương Ái Dân không ghét, không giận gì, anh chỉ từ tốn hỏi lý do tại sao lại bỏ đi như thế thì Tôn mới nói rằng vì gia đình quá khó khăn, anh buộc phải tìm công việc khác để kiếm kế sinh nhai.
Nhận thấy người anh em này có tay nghề, Trương không muốn để anh đánh mất đam mê nên đã quyết định ngỏ lời cho Tôn mượn 1000 nhân dân tệ (khoảng hơn 3 triệu đồng). Đây là số tiền khá lớn vào thời điểm đó.
Sau này Tôn cho biết: "Tôi không nghĩ rằng anh ấy lại đưa cho tôi cả một năm lương của mình và nói rằng tôi hãy cầm lấy mà mở tiệm cắt tóc. Ơn này cả đời tôi không thể nào quên được".
Năm 1991, Tôn tròn 18 tuổi phải đi nghĩa vụ quân sự, hai anh em bắt đầu mất liên lạc từ đây.
Đến năm 1993, Tôn Thắng Vinh có cơ hội được đến Tây Ban Nha lao động, anh đã gặp được nhiều bạn bè và bắt đầu kinh doanh từ đây.
Anh nói: "Tôi đã trải nghiệm nhiều thứ ở nơi đất khách quê người, tuy nhiên lòng tôi vẫn hướng về người anh trai năm xưa cũng là ân nhân mà tôi không bao giờ quên".
Hình ảnh của Tôn Thắng Vinh (phải) và Trương Ái Dân hiện tại. |
Năm 2008, Tôn Thắng Vinh trở về Trung Quốc và đến Từ Châu để tìm lại anh Trương Ái Dân nhưng không thể tìm được. Đến tháng 7/2012, Tôn Thắng Vinh phải tìm đến sự giúp đỡ của cảnh sát và cuối cùng đã tìm được Trương đại ca.
Ngày 23/7/2012, Tôn Thắng Vinh đáp chuyến bay từ Tây Ban Nha về Trung Quốc để gặp người anh ân nhân sau bao năm xa cách.
Vừa nhìn thấy Trương đại ca, Tôn Thắng Vinh đã ôm chầm lấy. Sau khi đoàn tụ, Tôn Thắng Vinh hỏi thăm tình hình của anh Trương và biết rằng anh vẫn ở nhà cũ, cuộc sống cũng bình yên qua ngày. Lúc này, Tôn muốn mua tặng Trương đại ca căn nhà nhưng bị anh phản đối mạnh mẽ.
Tôn Thắng Vinh đưa vợ con về gặp ân nhân Trương Ái Dân và hy vọng anh có thể dạy dỗ các con của anh nên người. |
Để trả lại ân tình năm xưa, Tôn Thắng Vinh đã nói với Trương Ái Dân hãy cân nhắc về việc đầu tư cho một nhà máy rượu ở Từ Châu, Giang Tô, Trung Quốc - quê nhà của anh Trương.
Tôn Thắng Vinh sẵn sàng bỏ 10 triệu nhân dân tệ (khoảng 35 tỷ đồng) để anh Trương trở thành chủ tịch, điều hành toàn bộ nhà máy. Tấm lòng chân thành này của Tôn cuối cùng đã khiến anh Trương động lòng.
Anh Tôn bày tỏ: "Đây chỉ là mối liên kết của tôi và Trương đại ca, chỉ cần anh ấy sống bình yên thì đối với tôi đã đủ rồi". Sau khi đoàn tụ với Trương Ái Dân, Tôn Thắng Vinh thường xuyên về Trung Quốc hơn.
Anh còn đưa hai đứa con về với ý định muốn anh Trương nuôi dưỡng, anh nói: "Tôi hy vọng những đứa con của mình có thể giống như Trương đại ca và trở thành một người ưu tú như anh ấy".
(Theo Giadinhnet)