(Tổ Quốc) - Hiện tại, trên cả nước có 8.539 chợ trong đó có 83 chợ đầu mối, chiếm 0,97% tổng số chợ, tốc độ phát triển bình quân giai đoạn 2010-2017 đạt 4,5%.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương phát biểu tại Hội thảo phát triển chợ đầu mối. Ảnh: Phùng Nguyên. |
Chợ đầu mối có vai trò rất quan trọng, góp phần đáng kể trong việc phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương và của cả đất nước. Nó có vai trò đặc biệt thúc đẩy phát triển sản xuất tập trung và tiêu thụ hàng hóa, là nguồn cung cấp chủ yếu sản phẩm cho thị trường tiêu thụ tại các thành phố lớn. Đồng thời chợ đầu mối cũng là nơi tạo công ăn việc làm, gia tăng cơ hội sinh kế cho người dân và tạo nguồn thu cho ngân sách.
Bánh ngon không dễ ăn
Chợ đầu mối là “miếng bánh lớn” cho doanh nghiệp, tuy nhiên miếng bánh này vẫn chưa được “quét bơ” đủ tầm.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác phát triển và quản lý chợ nói chung và chợ đầu mối nói riêng thời gian qua vẫn còn một số hạn chế như: cơ sở vật chất còn yếu kém, lạc hậu; chuyển đổi mô hình quản lý chợ còn chậm; hỗ trợ đầu tư, xây dựng, nâng cấp, cải tạo còn khó khăn; Hơn nữa đó là vấn đề an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường và các dịch vụ cung cấp tại chợ còn rất hạn chế.
Theo ông Nguyễn Văn Hội, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cả nước hiện nay có 8.539 chợ, trong đó 75% là chợ nông thôn, chỉ có 83 chợ đầu mối. Nguồn vốn đầu tư cho một chợ đầu mối là khá lớn khoảng 40 tỷ đồng. Trong khi việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư rất khó khăn do cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư cho chợ đầu mới còn hạn chế và chưa phù hợp, hầu như không có chính sách ưu đãi.
Ông Nguyễn Văn Hội, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước chia sẻ trước báo giới. Ảnh: Phùng Nguyên. |
Đó là chưa kể tới yếu tố diện tích chợ còn quá nhỏ, quá tải khiến cho lượng hàng hóa, xe cộ lưu thông qua chợ bị hạn chế.
Trong khi đa số hàng hóa tại chợ đầu mối không có chứng nhận xuất xứ hàng hóa, các dịch vụ hỗ trợ mua bán hầu như chưa được tổ chức và cung ứng tại chợ. Việc kết nối giữa chợ đầu mối và chợ dân sinh, siêu thị còn kém, cộng thêm việc quảng bá sản phẩm, khai thác thị trường còn nhiều hạn chế.
Ngoài ra, việc kiểm soát an toàn thực phẩm đối với nguồn hàng, cũng như truy xuất nguồn gốc xuất xứ tại chợ gặp rất nhiều khó khăn. Trên thực tế, các chợ hiện mới chỉ đảm nhận tập trung mối hàng phân phối cho các tỉnh lân cận chứ chưa thực hiện chức năng kiểm tra chất lượng trước khi bán đến tay người tiêu dùng.
Nhìn ra thế giới
Để khắc phục những khó khăn, hạn chế Việt Nam rất cần những bài học kinh nghiệm từ những mô hình phát triển chợ đầu mối đã thành công trên thế giới.
Ông Ricardo Lopez, Giám đốc dự án quốc tế của tập đoàn Mercasa, Tây Ban Nha chia sẻ tại hành lang hội trường Bộ Công Thương. Ảnh: Phùng Nguyên. |
Tại buổi Hội thảo “Phát triển chợ đầu mối ở Việt Nam”, diễn ra vào sáng (27/6), ông Ricardo Lopez, Giám đốc dự án quốc tế của tập đoàn Mercasa, Tây Ban Nha đã giới thiệu mô hình phát triển chợ đầu mối của Mercasa tại Tây Ban Nha, một mô hình mà Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi.
Mô hình này thuộc sở hữu của nhà nước có chức năng quản lý, duy trì cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ cho các công ty, nhà bán buôn kinh doanh tại chợ. Mô hình này giảm thiều chi phí bằng cách tập trung những người buôn bán lại để nâng cao hiệu quả. Chia tách người bán lẻ và khách hàng lẻ ra khỏi khu vực bán buôn.
Mercasa không kinh doanh sản phẩm, mà hỗ trợ phát triển các hoạt động của các công ty kinh doanh tại chợ đầu mối trong điều kiện tốt nhất. Mô hình này rất hiện đại, bao gồm cả các dịch vụ công, quản lý toàn bộ các chuỗi từ việc cung cấp hạ tầng, kho bãi, đảm bảo sự minh bạch giá cả và sự cạnh tranh trong thị trường cho đến hỗ trợ các dịch vụ phụ trợ như: bao bì, đóng gói sản phẩm, dịch vụ vận tải, logistic, dịch vụ vệ sinh, kiểm dịch, tái chế, đóng gói sản phẩm, đào tạo cho doanh nghiệp, dịch vụ truyền thông, quảng bá… cho đến tận đảm bảo an toàn, an ninh.
Mô hình toàn cầu này cũng cải thiện và thúc đẩy các hoạt động bán buôn đầu mối, đóng góp rất nhiều cho giá trị sản phẩm. Thực hiện những chính sách môi trường bền vững thông qua những dự án quản lý rác thải tiên tiến.
Ông Ricardo Lopez cho biết, tại Tây Ban Nha, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm được người tiêu dùng rất quan tâm và đặt lên hàng đầu. Vì vậy mà mô hình Mercasa quan tâm rất nhiều đến việc truy xuất nguồn gốc, mọi người có thể truy xuất được nguồn từ nơi sản xuất, nơi bán đến nơi tiêu thụ.
Giải pháp nào cho phát triển chợ đầu mối ở Việt Nam?
Để Việt Nam có thể xây dựng mô hình chợ đầu mối hiện đại như Tây Ban Nha thì rất cần có sự hỗ trợ từ phía chính phủ. Ông Ricardo Lopez chia sẻ.
Chính vì vậy, rất nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích để thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển chợ đầu mối được đánh giá rất quan trọng. Tiếp theo là việc bố trí quỹ đất đủ để đáp ứng nhu cầu xây dựng với đầy đủ các khu chức năng.
Đi cùng với đó là đầu tư, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất của chợ đầu mối hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Chủ động thay đổi phương thức mua bán, giao dịch tại chợ đầu mối theo hướng hiện đại, phát triển các dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm, giám định chất lượng hàng hóa và các dịch vụ thương mại khác tại chợ đầu mối. Cũng như tăng cường công tác quản lý và cải thiện tình hình vệ sinh môi trường chợ đầu mối.
Ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.HCM phát biểu. Ảnh: Phùng Nguyên |
Theo ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.HCM, cần phải tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm tại chợ, áp dụng các phương thức truy xuất hàng hóa kinh doanh tại chợ đầu mối. Đặc biệt là cần xây dựng thành công việc truy xuất nguồn gốc, quản lý chuỗi cung ứng, và quản lý chợ đầu mối áp dụng công nghệ 4.0.
"Chợ đầu mối phải có truy xuất hàng hóa và thực phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm chống hàng giả và gian lận thương mại, bảo vệ hàng Việt Nam, cạnh tranh lành mạnh để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trong đó có chính chúng ta", ông Trung cho khuyến nghị./.
Phùng Nguyên