(Tổ Quốc) - Bất cứ ai có dịp đặt chân đến vùng cao biên giới đều có chung nhận xét là các buổi chợ phiên gây ấn tượng mạnh nhất với họ. Cũng dễ hiểu, vì gọi là chợ nhưng chợ vùng cao không chỉ có các hoạt động bán mua, mà còn là nơi để giao lưu, gặp gỡ, 'phải lòng nhau'...
Mang bản sắc vùng cao, du khách đến chợ phiên Sa Phìn có thể chiêm ngưỡng những sắc màu văn hóa của 16 dân tộc sinh sống trên Cao nguyên đá và mua những mặt hàng đặc sản vùng cao.
Để tham gia phiên chợ, từ sáng tinh mơ bà con đã gùi hàng hóa để mang đến chợ phiên Sà Phìn bán. Người nào cũng mang trên mình một chiếc gùi sau lưng và tấp nập nối hàng nhau đi bộ trên con đường dài tới chợ, một số ít thì thồ hàng trên ngựa, trên xe máy.
Nếu du khách thấy ai đó tay xách đôi gà, dắt con lợn, con bò béo hay đàn dê là biết ngay đem đến chợ phiên Sà Phìn bán.
Trong chợ phiên Sà Phìn có rất nhiều mặt hàng được bày bán.
Nào là thực phẩm như: Gạo, rau, thịt... đến các vật dụng gia đình, vật dụng làm nương rẫy, quần áo, vải vóc… phần lớn đều là những thứ mà bà con dân tộc tự làm ra được, rất dân dã và gần gũi.
Có một số người mang đến chợ chỉ là 1 con gà, chục quả trứng hay cũng có khi đơn giản chỉ vài bó mía, mấy mớ rau quả trong vườn nhà. Nhưng bên cạnh đó, còn có các mặt hàng đặc sản như: Mật ong bạc hà, chè tuyết Sà Phìn, gà đồi, thổ cẩm...
Những sắc màu rực rỡ và nét văn hóa độc đáo của chợ Sà Phìn đã khiến nhiều du khách nước ngoài thích thú
Đến chợ phiên Sà Phìn, du khách được hòa mình vào dòng người với những món hàng hóa dân dã, cảm nhận không gian đa sắc màu để trải nghiệm nét độc đáo về văn hóa chợ của người vùng cao...
Người người đến chợ không chỉ để trao đổi buôn bán hàng hóa, họ còn gặp mặt hàn huyên nói chuyện sau một tuần lao động mệt nhọc.
Dãy hàng ăn bao gồm nhiều đặc sản của đồng bào dân tộc nơi đây
Chợ phiên là nét văn hóa không thể tách rời trong tâm thức người già và trẻ nhỏ thuộc cộng đồng các dân tộc vùng cao nguyên đá Hà Giang.