• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chọn phương án thi tốt nghiệp THPT: Cần “trưng cầu dân ý” để hợp lòng dân

Thời sự 08/08/2018 19:49

(Tổ Quốc) - Đây là quan điểm được đưa ra tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIV diễn ra hôm nay, 8/8.

Theo dự kiến chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành xem xét, cho ý kiến đối với một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

 

Tại buổi họp, nhiều ý kiến tập trung trao đổi về lựa chọn phương án thi tốt nghiệp THPT. Có 2 luồng ý kiến.Ý kiến thứ nhất cho rằng việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông là cần thiết để đánh giá mức độ đạt chuẩn giáo dục phổ thông của học sinh. Ý kiến thứ hai đề xuất không tổ chức thi mà nên xét và cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông để phù hợp với mục tiêu, tính chất của cấp học này; tương thích với xu hướng đổi mới đánh giá theo quá trình; giảm áp lực, tốn kém do thi cử mang lại.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, giáo dục phổ thông là vấn đề cử tri chú ý cho nên cần thận trọng. Ông Nguyễn Hạnh Phúc đề cập đến câu chuyện thi tốt nghiệp THPT vừa qua để lại nhiều dư âm và đang phải giải quyết, xử lý cả về mặt pháp luật.

Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng, “Hiện có hai luồng ý kiến và chưa rõ thực hiện theo hướng nào. Đây là vấn đề liên quan đến nhiều đối tượng nên cần xin ý kiến người dân, chuyên gia để thận trọng quyết sách cho trúng. Nếu kỳ họp tới (kỳ họp thứ 6 – PV) mà Quốc hội quyết thông qua Luật này thì hơi sớm.

Theo tôi chúng ta cần có thêm thời gian để lắng nghe thêm các ý kiến để đạt độ chín. Đây là sự thận trọng của Thường vụ Quốc hội và Quốc hội để thấu đáo hơn”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Liên quan tới vấn đề này, Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nêu quan điểm, nhiều ý kiến cho rằng thi tốt nghiệp THPT khoảng 98% thí sinh đỗ và chỉ 2% thí sinh trượt, do vậy tổ chức thi là tốn kém. Tuy nhiên, cũng chưa biết kết quả sẽ như thế nào nếu không tổ chức thi vì còn phải phụ thuộc vào chất lượng dạy và học. 

“Tổ chức thi tốn kém thì có nên không? Nhưng cần phải đặt câu hỏi nếu bỏ thi thì việc dạy và học có nghiêm túc không?”, bà Nguyễn Thanh Hải đặt câu hỏi.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh thì cho rằng “đã học thì phải thi”.  Ông cũng cho rằng, chủ trương 2 trong 1 vừa qua hoàn toàn đúng, chỉ trong quá trình triển khai là có vấn đề, thì cần phải chấn chỉnh lại.

Theo đại biểu Hà Ngọc Chiến, đây là vấn đề liên quan đến toàn dân, tác động trực tiếp đến xã hội nên cần lấy ý kiến đông đảo trong tầng lớp nhân dân.

“Nên “trưng cầu dân ý” để hợp với lòng dân”, đại biểu này nhấn mạnh.

Nhấn mạnh đây là dự án Luật quan trọng, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng, đây là dự án Luật được nhân dân, cử tri, các ĐBQH, vì thế, sửa đổi Luật này cũng là thách thức đối với Bộ Giáo dục - Đào tạo.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Luật với phạm vi cần sửa đổi lớn thế này thì cần có thêm thời gian để tổng kết, phân tích, đưa ra phương án xử lý nhằm bảo đảm tính khả thi trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay. Những sửa đổi tại dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) phải khắc phục được những hạn chế, bất cập của Luật Giáo dục hiện hành.

Về việc thi tốt nghiệp THPT, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh:  “Các đồng chí đưa ra 2 luồng ý kiến, lập luận cũng rất thuyết phục. Tôi thấy rằng, thời chúng ta trước đây thi cả 2 kỳ gồm tốt nghiệp THPT và thi đại học mà người được đào tạo ra vẫn tốt. Lúc đó kinh tế chưa phát triển, khó khăn nhiều, điều kiện thi cử khó khăn sao chúng ta vẫn làm tốt, trong khi hiện nay kinh tế phát triển, cuộc sống tốt hơn sao thi cử liên tục thay đổi khiến gia đình học sinh rất vất vả. Tôi cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu để chọn ra cách ổn định trong vấn đề này, chứ giáo dục mà thay đổi thường xuyên là không tốt. Hay sách giáo khoa cũng vậy, thay đổi liên tục. Chúng tôi ngày xưa học xong 5 năm sau em tôi vẫn dùng bộ sách đó”.

Tổng kết các ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, sau khi xảy ra những vụ việc tiêu cực trong thi cử vừa qua, nhân dân rất quan tâm đến việc này bởi gia đình nào cũng có người đi học. Vì thế cần một nền giáo dục ổn định. Đổi mới nhưng cần phải ổn định.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, cần phải rất tích cực thì mới chuẩn bị thấu đáo được dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7. Ảnh: Hà Giang

“Sách vở tôi học mấy năm sau em tôi vẫn dùng học lại được. Bây giờ mỗi năm một sách khác, tốn tiền nhân dân lắm!... Nói chung, dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) phải thông qua 3 kỳ họp cho chắc”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và đề nghị giao Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Sau đó tổng hợp lại, sau kỳ họp thứ 6 tiếp tục hoàn thiện và thông qua vào kỳ họp thứ 7.

Dù vậy, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, cần phải đánh giá, ghi nhận những nỗ lực trong ngành giáo dục, những thành quả mà nền giáo dục đã mang lại thời gian qua.

Cho ý kiến về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Luật giáo dục vô cùng quan trọng, mọi người dân đều quan tâm. Có một loạt vấn đề nếu chúng ta chỉ xử lý trước mắt mà không bàn đến tính lâu dài là không ổn. Bàn đến tính lâu dài thì phải bàn rất thấu đáo và lấy ý kiến đông đảo các đối tượng trong xã hội.

“Tôi cho rằng chúng ta cần phải rất tích cực thì mới chuẩn bị thấu đáo được để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh./.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ xin lùi đến kỳ họp thứ 7:

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến đại biểu tại phiên họp. 

Để chuẩn bị chu đáo hơn cho dự án Luật, Bộ trưởng xin phép được lùi dự án Luật đến kỳ họp thứ 7 trình Quốc hội.

"Với mục đích là có được sự đồng thuận cao và có Luật Giáo dục thật chất lượng, chúng tôi xin phép được trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Hà Giang

 

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ