• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chống dịch trong tình hình mới: Giãn cách xã hội ở phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất, kiểm soát nhanh nhất

Thời sự 16/09/2021 09:25

(Tổ Quốc) - Những yêu cầu mới của Bộ Y tế nêu ra được coi là một trong những thay đổi căn bản trong chiến lược phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam. Các chuyên gia đã thể hiện sự đồng tình với những thay đổi căn bản này.

Giãn cách xã hội theo nguyên tắc ở phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất, kiểm soát nhanh nhất

Bộ Y tế vừa có công điện gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các tỉnh, thành phố về việc xét nghiệm và một số biện pháp phòng chống dịch khi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội.

Theo đó, trước biến chủng Delta, 23 tỉnh, thành phố đã thực hiện giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội và đã đạt được một số kết quả nhất định trong việc làm chậm tốc độ lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên vẫn có nơi thực hiện chưa nghiêm việc giãn cách, chưa xác định được mục tiêu, phạm vi, thời gian, các giải pháp kiểm soát dịch nhất là vấn đề xét nghiệm, dẫn đến phải thực hiện giãn cách kéo dài ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Thời gian tới, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc ở phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất.

Khi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội phải xác định được phạm vi, quy mô giãn cách theo nguyên tắc ở phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất có thể (thôn, xóm, tổ, ấp, khu phố…) và phải kiểm soát dịch nhanh nhất có thể (trong thời gian 14 ngày).

Chống dịch trong tình hình mới: Giãn cách xã hội ở phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất, kiểm soát nhanh nhất - Ảnh 1.

Xét nghiệm tại Hà Nội. Ảnh minh họa.

Trong đó, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp bao gồm: Thực hiện nghiêm việc giãn cách; Đảm bảo lương thực thực phẩm cho người dân, không để thiếu ăn, thiếu mặc; Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp về y tế như xét nghiệm, điều trị, tiêm chủng, đảm bảo người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở; Đảm bảo an dân, an ninh, an toàn trật tự xã hội, đồng thời tuyên truyền, vận động và huy động người dân tham gia công tác phòng, chống dịch.

Bộ Y tế cũng yêu cầu vùng đỏ, vùng cam phải xét nghiệm 3 lần trong 7 ngày. Theo đó, thần tốc xét nghiệm là then chốt, quan trọng nhằm sớm kiểm soát dịch. Đối với các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao (vùng đỏ, vùng cam) phải xét nghiệm toàn bộ người dân trên địa bàn 3 lần trong 7 ngày, ưu tiên sử dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh để bóc tách ngay các trường hợp F0 nhằm cách ly nguồn lây nhiễm và điều trị kịp thời. Có thể kết hợp xét nghiệm kháng nguyên nhanh và xét nghiệm Realtime RT-PCR (RT-PCR).

Đối với các địa bàn còn lại, thực hiện xét nghiệm từ 5-7 ngày/lần. Thực hiện việc gộp mẫu theo điều kiện thực tiễn, theo hộ gia đình, phòng ở và các hộ liền kề. Khi xét nghiệm RT-PCR phải đảm bảo trả kết quả trong thời gian 12 giờ. Khẩn trương điều động lực lượng ở các địa bàn đang ở mức bình thường mới để tập trung hỗ trợ lấy mẫu cho các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao.

Triển khai ngay các trạm y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn có nguy cơ cao, nguy cơ rất cao

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương thành lập và triển khai ngay các trạm y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn có nguy cơ cao, nguy cơ rất cao; địa điểm có thể lựa chọn tại trường học, nhà văn hóa, khu công sở... trên địa bàn theo nguyên tắc gần dân nhất.

Phân chia, quản lý vùng thật chính xác, gọn, quản lý nghiêm

Đồng tình với quan điểm của Bộ Y tế, GS. Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Huyết học và Truyền máu Việt Nam cho rằng cần đẩy mạnh việc phân chia, quản lý vùng cách ly dựa vào xác định các F.

Theo GS. Nguyễn Anh Trí, việc phân chia tình trạng nhiễm virus SARS-CoV-2 thành các F và phân chia các vùng có nhiễm, nguy cơ nhiễm Covid theo các vùng đỏ, vàng, xanh là những sáng tạo rất Việt Nam. Nhưng cần làm sao cho 2 loại phân chia này có sự gắn kết với nhau hơn nữa.

Vùng đỏ là vùng có F0 và những F1 có liên quan gần; Vùng vàng là có F1 và những F2; Còn lại là vùng xanh. Xác định vùng bị cách ly (vùng vàng) hoặc phong tỏa (vùng đỏ) trên thực tế là phải thật chính xác, thật gọn và quản lý thật nghiêm. Vùng đỏ là "nội bất xuất, ngoại bất nhập", rào chắn đường ngay ở đấy và chỉ ở vùng đấy thôi.

Chống dịch trong tình hình mới: Giãn cách xã hội ở phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất, kiểm soát nhanh nhất - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với GS. Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Huyết học và Truyền máu Việt Nam tại cuộc gặp gỡ của Thủ tướng với các nhà khoa học ngày 15/9.

Không thể yêu cầu giãn cách quá dài, không thể để đình đốn sản xuất và hạn chế sinh hoạt của người dân mãi nên cần cân nhắc thật thận trọng để đưa ra quy định hạn chế việc yêu cầu giãn cách, cách ly cả thành phố, cả một quận, thậm chí là cả phường.

Và cũng theo GS., căn cứ vào tình hình dịch bệnh mà các vùng đỏ/ vàng/ xanh có sự thay đổi theo thời gian và chính quyền cần công bố sớm để kịp thời tổ chức chống dịch ở những nơi vùng đỏ, cũng như để ổn định xã hội trong trạng thái "bình thường mới" ở vùng xanh sớm nhất.

Việc xét nghiệm, GS. Nguyễn Anh Trí cho rằng, xét nghiệm phát hiện F0 thần tốc là đúng và cần thiết nhưng phải đúng đối tượng, không bỏ sót, không làm sai (nhất là khâu lấy bệnh phẩm), hợp lý và hiệu quả.

Trừ những thành phố đặc biệt quan trọng, rất đông đúc dân cư, là nơi "hiểm yếu", có nguy cơ cao bùng phát dịch thì có thể làm xét nghiệm đại trà trên diện rộng, thần tốc để bóc tách F0 thực hiện cách ly.

GS. Nguyễn Anh Trí cũng đề nghị không nên tùy tiện chốt chặn đường trên các tuyến đường lớn, đặc biệt là quốc lộ, liên tỉnh, liên huyện mà chỉ chốt chặn vùng đỏ và vùng vàng. Bỏ phong tỏa càng sớm càng tốt khi không còn là vùng đỏ, dỡ bỏ cách ly khi không còn là vùng vàng.

GS. cũng đề xuất thêm, khi đã tiêm đủ 2 liều vaccine, xét nghiệm kháng thể đủ để phòng nhiễm SARS-CoV-2, xét nghiệm âm tính, thì cho trở lại sinh hoạt bình thường, mà đi hoặc đến thì không cần cách ly 14 ngày nữa. Vẫn tiếp tục việc đeo khẩu trang và sát khuẩn (tay, tắm rửa…), vẫn thực hiện giãn cách hợp lý ở những nơi quá đông người (như sân vận động, các hội trường lớn).

Với các hoạt động đông người (như khai giảng, hội họp, tổng kết, văn nghệ, tổ chức các sự kiện…) nên ưu tiên tổ chức ngoài trời hơn ở trong nhà./.

Song Đào

NỔI BẬT TRANG CHỦ