• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chống tảo hôn để xây dựng con người thời đại mới

Pháp luật 16/10/2023 08:30

(Tổ Quốc) - Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Quảng Nam đang đẩy mạnh cuộc vận động nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để góp phần xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh và xây dựng con người Việt Nam thời đại mới.

Cuộc tọa đàm phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống do Hội LHPN tỉnh Quảng Nam phối hợp với UBND huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) tổ chức mới đây đã thu hút nhiều ý kiến, trao đổi nhằm đánh giá đúng thực trạng tảo hôn, từ đó có các biện pháp đồng bộ xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, không để xảy ra tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Hai năm, gần 195 trường hợp tảo hôn

Nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các cấp của tỉnh Quảng Nam phối hợp hiện Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025" của Chính phủ đã đạt những kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn còn xảy ra trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam.

Giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh ghi nhận 830 trường hợp tảo hôn, giảm 704 trường hợp so với giai đoạn trước, bình quân giảm 9,2%/năm. Có 31 trường hợp kết hôn cận huyết thống, giảm 70 trường hợp so với giai đoạn trước, bình quân mỗi năm giảm 13,8%.

Theo bà Đặng Thị Lệ Thủy - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Nam, có 81 trường hợp tảo hôn trong năm 2021 và 113 trường hợp tảo hôn trong năm 2022.

"Chính điều này đã và đang tiếp tục ảnh hưởng đến chất lượng dân số và nguồn nhân lực, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số", bà Thủy nhận định.

Chống tảo hôn để xây dựng con người thời đại mới - Ảnh 1.

Bà Đặng Thị Lệ Thủy, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Nam phát động, diễu hành phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại huyện Tây Giang. Ảnh: Thị Bhố

Huyện Tây Giang có hơn 5.490 hộ với 21.409 nhân khẩu; có nhiều dân tộc anh em sinh sống, đa số là người Cơ Tu. Năm 2022, huyện miền núi này có 77 trường hợp tảo hôn, hầu hết là học sinh THCS và THPT.

Phòng Dân tộc huyện Tây Giang cho rằng, nguyên nhân do tồn tại một số phong tục, tập quán lạc hậu; mặt trái của mạng xã hội tác động không nhỏ đến bộ phận thanh thiếu niên; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành chưa quyết liệt; công tác xử lý theo thẩm quyền của UBND xã chưa nghiêm; nhiều địa phương buông lỏng quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Trong khi đó, theo đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tây Giang, tảo hôn là một phần nguyên nhân khiến các em bỏ học giữa chừng, không chịu ra lớp ở cấp THCS và THPT.

Đại diện xã Gari ở phía Tây Nam huyện Tây Giang cho biết, địa phương này vẫn còn vài trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các phong tục lạc hậu như: quan niệm những người có quan hệ họ hàng kết hôn với nhau sẽ gần gũi hơn, khi chung sống với nhau không phải phân chia tài sản cho người ngoài, không sợ mất con hay mất của, kết hôn sớm để có người lao động…

Chống tảo hôn để xây dựng con người thời đại mới - Ảnh 2.

Diễu hành phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại huyện Tây Giang. Ảnh: Thị Bhố

Cũng theo xã Gari, nguyên nhân khác là do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế. Công tác tuyên truyền pháp luật đến với người dân, trong đó có Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình… chưa đạt hiệu quả cao. Các biện pháp chế tài xử lý vi phạm trong hôn nhân chưa được thực hiện nghiêm và triệt để. Các hương ước, quy ước ở thôn, bản chưa được đổi mới kịp thời phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn xã.

Mặt khác, sự phát triển của internet, nhất là mạng xã hội, đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức, lối sống của một bộ phận thanh thiếu niên. Ngoài ra, do điều kiện kinh tế khó khăn nên tình trạng bỏ học vẫn xảy ra, hoặc học xong không tìm được việc làm, dẫn đến kết hôn sớm.

Nhiều giải pháp mạnh mẽ 

Đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, Hội LHPN huyện Tây Giang đã chỉ đạo 10 cơ sở Hội trên địa bàn huyện tổ chức khảo sát, thành lập mô hình "Phụ nữ nói không với tảo hôn" và tổ chức thí điểm tại thôn Arui, xã Dang. Đến nay, 10/10 xã thuộc huyện đều có mô hình này.

Đặc biệt, Hội LHPN huyện Tây Giang quan tâm những hộ gia đình có nguy cơ xảy ra tình trạng tảo hôn; phối hợp với Mặt trận, các hội, đoàn thể, các ban, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với mô hình "Phụ nữ nói không với tảo hôn" tại các điểm thôn có mô hình này.

Hội LHPN huyện Tây Giang còn phối hợp với Công an và Tòa án huyện Tây Giang tổ chức cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật cho học sinh các trường THCS, THPT về "An toàn cho phụ nữ và trẻ em" năm 2023; phối hợp với Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật huyện tổ chức tuyên truyền pháp luật tại 10 xã.

Mới đây, Hội LHPN tỉnh Quảng Nam đã phát động phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống năm 2023 nhằm vận động người dân phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của các dân tộc mình; xóa bỏ hủ tục về hôn nhân và gia đình; tạo chuyển biến căn bản về nhận thức trong xã hội và ý thức chấp hành pháp luật.

"Hội LHPN tỉnh Quảng Nam kêu gọi sự tham gia hưởng ứng của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương. Sự tham gia tích cực của hội viên, phụ nữ và nhân dân cùng có trách nhiệm thực hiện chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, xóa bỏ các phong tục lạc hậu về hôn nhân và gia đình; thực hiện các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi xâm hại, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, bảo vệ phụ nữ và trẻ em; phát huy vai trò của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, góp phần xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh và xây dựng con người Việt Nam thời đại mới", bà Đặng Thị Lệ Thủy nhấn mạnh.

Chống tảo hôn để xây dựng con người thời đại mới - Ảnh 3.

Ra mắt tổ truyền thông cộng đồng tại thôn Ta Vang, xã Atiêng, huyện Tây GIang. Tổ truyền thông cộng đồng tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày; tuyên truyền phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vùng dân tộc thiểu số...Ảnh: Thị Bhố

Trong khi đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tây Giang chia sẻ một số giải pháp như: Tiếp tục chỉ đạo về công tác dạy học và các hoạt động khác của các đơn vị trường; chỉ đạo các đơn vị trường lồng ghép việc tuyên truyền về tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống khi giảng dạy môn Sinh học, môn Giáo dục công dân, hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động tư vấn tâm lý học đường, các buổi sinh hoạt bán trú…

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tây Giang tạo sân chơi lành mạnh để thu hút học sinh đến trường, giúp các em có động cơ học tập đúng đắn và có định hướng tốt đẹp cho tương lai; phối hợp với Hội LHPN huyện, Công an và Tư pháp huyện tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông, bình đẳng giới, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

"Các con không nghĩ đến tuổi kết hôn hay chưa và cứ thế lấy vợ, lấy chồng. Nhiều cha mẹ muốn giữ của cải vật chất nên đồng ý hứa gả con trong mối quan hệ cận huyết thống mà không nghĩ đến tương lai con em mình. Vì vậy, chúng ta hãy chung tay góp sức đẩy mạnh phong trào Phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống", vị đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tây Giang nói.

Phòng Dân tộc huyện Tây Giang nhấn mạnh: Cần phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống theo đúng quy định hiện hành của pháp luật.

Theo đó, tăng cường kiểm tra, phát hiện và có biện pháp xử lý cán bộ, đảng viên, công chức, cán bộ xã, trưởng thôn, người có uy tín còn để gia đình, người thân vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình; tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, kịp thời đề ra các giải pháp chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả việc ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. 

H.An - Thị Bhố

NỔI BẬT TRANG CHỦ