• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chống tham nhũng: Lòng dân ủng hộ, phải làm tiếp, không dừng lại

Tổ Quốc Media 29/03/2018 11:19

 


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng đầu năm 2018 đã chỉ rõ, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ban chỉ đạo trong năm 2018 là chỉ đạo kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 21 vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp.

Bên cạnh đó là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc - tình trạng "tham nhũng vặt", kiên quyết loại khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước những cán bộ hư hỏng, tham nhũng. Đồng thời, năm 2018 sẽ khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm đối với các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, được dư luận xã hội quan tâm.

Và để tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng, sáng 22/1, theo lịch, Tòa án nhân dân TP Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).

Tại đây, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa tuyên án đối với bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐTV của PVN) về tội cố ý làm trái với hình phạt 13 năm tù. Bị cáo Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT của PVC) chịu trách nhiệm liên đới bồi thường trách nhiệm dân sự trong tội cố ý làm trái là 60 tỷ đồng, trong đó mỗi bị cáo phải bồi thường 30 tỷ đồng.

Cấm bị cáo Thăng đảm nhiệm các vị trí quản lý kinh tế tài chính trong doanh nghiệp nhà nước 5 năm sau khi chấp hành hình phạt. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh 14 năm tù về tội làm trái, chung thân tội tham ô, tổng hợp hình phạt là chung thân.

Ngoài hình phạt tù, HĐXX áp dụng biện pháp cấm đảm nhiệm chức vụ, quyền hạn đối với các bị cáo Đinh La Thăng, Nguyễn Quốc Khánh, Phùng Đình Thực, Nguyễn Xuân Sơn… Các bị cáo phạm tội Tham ô tài sản cần thiết phải áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền.


Tháng 12/2017, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đến năm 2020. 

Mục tiêu của kế hoạch là khắc phục những hạn chế, yếu kém, tạo chuyển biến rõ rệt trong thời gian tới về ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng cũng như củng cố lòng tin của nhân dân về một bộ máy trong sạch, vững mạnh.

Chính phủ đưa ra 8 nhóm nhiệm vụ chủ yếu thực hiện từ nay đến năm 2020, trong đó có những nhiệm vụ đáng chú ý như: tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, công chức, viên chức; hoàn thiện, thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức, cán bộ; Kiểm soát tài sản, thu nhập; tăng cường công khai, minh bạch trong thực thi công vụ; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử; nâng cao hiệu quả công tác giám định và thu hồi tài sản tham nhũng…

Tại Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, Chính phủ cũng yêu cầu tập trung chỉ đạo điều tra các vụ án tham nhũng lớn để truy tố, xử lý nghiêm minh trước pháp luật theo tinh thần không có vùng cấm, tất cả hành vi vi phạm đều phải được xử lý đúng pháp luật.

Clip: Tổng Bí thư phát biểu tại Hội nghị trực tuyến với Chính phủ

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định tại một hội nghị của Chính phủ vào cuối tháng 12/2017 tại Hà Nội, rằng việc chỉnh đốn Đảng và cuộc đấu tranh chống tham nhũng “được đẩy mạnh hơn bao giờ hết”. Đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đến dự một hội nghị trực tuyến của Chính phủ.

Trong một buổi tiếp xúc với cử tri quận Ba Đình, Tây Hồ, Tổng Bí thư nói: "Mong muốn phải nghiêm nhưng cũng phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Pháp luật của chúng ta cũng nhân văn, đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại. Nhưng nói như vậy không để vin cớ để xử nhẹ".

Theo Tổng Bí thư, đấu tranh phòng, chống tham nhũng "bây giờ đã trở thành phong trào, thành một xu thế".

 

“Cuộc chiến” do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo đã đụng đến “những nơi nhạy cảm” từng được coi là “vùng cấm” với nhiều vụ đại án đánh vào một số quan chức cấp cao và các nhóm lợi ích đầy quyền lực.

Lần đầu tiên một Ủy viên bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, bị truy tố trong cuộc chiến chống tham nhũng và nhận mức án cao.

Cũng trong cuộc chiến chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hồi tháng 9/2017, nguyên Tổng giám đốc OceanBank Nguyễn Xuân Sơn bị kết án tử hình, trong khi cựu chủ tịch Hà Văn Thắm lãnh án tù chung thân…

 “Cuộc chiến chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã “đến hồi quyết liệt,” đến giai đoạn “sống còn”, đã đụng đến "vùng cấm”, ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định.

Ngày 19/3, ông Đinh La Thăng cùng các bị cáo trong vụ án Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) thiệt hại 800 tỷ đồng khi góp vốn Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) tiếp tục ra Toà.

Bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐTV PVN) và 5 người khác gồm Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó tổng Giám đốc PVN), Vũ Khánh Trường (nguyên thành viên HĐTV PVN), Nguyễn Xuân Thắng (nguyên thành viên HĐTV PVN), Nguyễn Thanh Liêm (nguyên thành viên HĐTV PVN) và Phan Đình Đức (nguyên thành viên HĐTV PVN) bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

 Chưa đầy một tháng sau Tết Nguyên đán 2018, công cuộc chống tham nhũng đã tiếp tục những bước đi vô cùng quyết liệt. Ngày 2/3/2018, tại trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cho ý kiến về công tác cán bộ. Bộ Chính trị quyết định Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Trần Quốc Vượng giữ chức thường trực Ban Bí thư thay ông Đinh Thế Huynh đang tiếp tục chữa bệnh dài hạn. Chỉ 3 ngày sau đó, ông Trần Quốc Vượng, thay mặt Tổng Bí thư đã chỉ đạo xử lý vụ “Mobifone mua AVG”. Tiếp tục 3 ngày sau, ông Nguyễn Thanh Hoá, nguyên Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) thuộc Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) bị khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng vì hành vi tổ chức đường dây đánh bạc “nghìn tỷ”. Tiếp đến là phiên xử giai đoạn 2 ông Đinh La Thăng.

Sự việc cho thấy đòn “chống tham nhũng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang hướng thẳng vào mọi lĩnh vực. Đây là lần thứ hai liên tiếp, Tổng Bí thư thành công với phương châm “việc cần làm ngay” sau sự việc bắt ông Đinh La Thăng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố lòng tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân. Nhiều vụ tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng đã được đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh trước pháp luật, trong đó có cả những cán bộ lãnh đạo cấp cao, cán bộ đương chức và cán bộ nghỉ hưu có vi phạm.

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một công việc lâu dài; rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải tiến hành một cách đồng bộ, toàn diện, kết hợp nhiều biện pháp, trong đó phòng phải là cơ bản, chống phải làm quyết liệt.

Điều quan trọng nhất là đừng để xảy ra tham nhũng. Phải tìm cách ngăn chặn, răn đe trước, làm cho những người có chức quyền không muốn tham nhũng, không dám tham nhũng và không thể tham nhũng… Còn khi đã xảy ra rồi thì phải kiên quyết xử lý; xử lý thật nghiêm, đúng quy định của luật pháp. Xử lý nghiêm cũng là biện pháp phòng tránh tích cực.

Từ nay đến cuối năm, chắc chắn “lò” chống tham nhũng sẽ tiếp tục cháy một cách dữ dội hơn, nóng bỏng hơn, với qui mô rộng hơn. Nhìn lại công cuộc phòng chống tham nhũng năm 2017, đặc biệt là từ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát lệnh “đốt lò tham nhũng”, nhiều vụ án lớn đã và tiếp tục được phanh phui.

Những quyết tâm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thời điểm này đã và đang được người dân ghi nhận và hy vọng, trên cương vị của mình Tổng Bí thư sẽ có những hành động quyết liệt hơn nữa nhằm quét sạch nạn tham nhũng đang phá hoại đất nước.

 

Clip: 

Tổng Bí thư phát biểu về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (nguồn: VTV)




Biên tập: Hà Giang

Ảnh tư liệu: Nam Nguyễn- Hà Giang

Đồ họa: Minh Trang

NỔI BẬT TRANG CHỦ