• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chủ động từ sớm, từ xa để kịp thời phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em

Văn hoá 08/12/2022 07:41

(Tổ Quốc) - Chiều 7/12/2022, Ban Chỉ đạo Kế hoạch số 506 của Bộ Công an về phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi (Kế hoạch số 506) tổ chức Hội nghị sơ kết 02 năm triển khai thực hiện Kế hoạch.

Báo cáo của Bộ Công an nêu rõ: Qua 2 năm, Ban Chỉ đạo Kế hoạch số 506 liên ngành Trung ương và địa phương đã có hơn 400 báo cáo Quốc hội, Chính phủ về tình hình, công tác chấp hành pháp luật, kết quả công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi; tham mưu, đề xuất ban hành hơn 500 kế hoạch triển khai các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ trong tăng cường các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa với loại tội phạm này.

Chủ động từ sớm, từ xa để kịp thời phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em - Ảnh 1.

Trang bị kỹ năng phòng chống xâm hại cho học sinh tiểu học (ảnh: Nam Nguyễn)

Ban Chỉ đạo KH506 các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch triển khai hàng năm, đã ban hành và triển khai trên 2.000 kế hoạch chuyên đề phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi; phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan thực hiện gắn với nhiệm vụ phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, chương trình phát triển kinh tế, xã hội, đổi mới công tác vận động phong trào đảm bảo ANTT tại địa bàn cơ sở.

Công tác xây dựng, phát triển, khai thác, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số vào công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi đã được tăng cường. Bộ Công an đã triển khai thí điểm thủ tục liên thông về "Khai sinh - cấp đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em 6 tuổi". Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai mạng lưới ứng cứu khẩn cấp trẻ em trên không gian mạng, đã tiếp nhận phản ánh, thu thập, xử lý hơn 700 vụ việc sử dụng các hình ảnh trang mạng tiêu cực ảnh hưởng đến trẻ em. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phát huy hiệu quả Tổng đài quốc gia về trẻ em (Tổng đài 111), đã tiếp nhận 355.000 cuộc gọi tư vấn, trao đổi về bảo vệ quyền trẻ em như trẻ em bị bạo lực, bóc lột, nghi mua bán…

Trong công tác đấu tranh, điều tra, xử lý tội phạm liên quan đến người dưới 18 tuổi, 02 năm qua, đã phát hiện 3.748 số vụ xâm hại trẻ em (giảm 5,5% số vụ), với 4.354 đối tượng, xâm hại gần 4.000 trẻ em (số trẻ bị xâm hại giảm 5,3% so với cùng kỳ giai đoạn 2019-2020). Trong đó, hiếp dâm trẻ em: 1.193 vụ/1.260 đối tượng/xâm hại 1.218 em; cưỡng dâm trẻ em: 29 vụ/30 đối tượng/xâm hại 29 em; giao cấu với trẻ em: 1.362 vụ/1.369 đối tượng/xâm hại 1.364 em; cố ý gây thương tích với trẻ em: 232 vụ/566 đối tượng/xâm hại 247 em…

Ban Chỉ đạo cũng xác định công tác phòng ngừa là giải pháp cơ bản trong phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi, xuất phát từ lý luận quản lý nhà nước về ANTT, coi công tác vận động quần chúng là biện pháp căn cơ hàng đầu; từ thực tiễn công tác đấu tranh, trên 90% các vụ xâm hại, bạo lực, bạo hành trẻ em xuất phát từ các nguyên nhân xã hội, do những người có mối quan hệ quen biết, người thân gây ra, nên cần phải tập trung vào công tác tuyên truyền, phòng ngừa cảnh tỉnh, mỗi địa phương, BCĐ giao cho 1 đơn vị làm thường trực, chủ công, phối hợp, huy động các ban, ngành, đoàn thể liên quan để thực hiện.

Đáng chú ý, Bộ Công an cũng đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương thành lập, đưa vào sử dụng 33 mô hình Phòng Điều tra thân thiện trong quá trình giải quyết các vụ việc liên quan đến người dưới 18 tuổi; chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng mới 19 mô hình, duy trì 5 mô hình "Phòng ngừa xâm hại trẻ em, phòng ngừa người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật tại cộng đồng" tại 11 địa phương, để kèm cặp, giáo dục, chấp hành pháp luật cho gần 2.300 em.

Tham luận tại hội nghị, nhiều địa phương đánh giá cao mô hình Phòng điều tra thân thiện trong thụ lý, giải quyết vụ việc, vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi. Theo Thượng tá Lê Xuân Thuỷ, Phó Giám đốc Công an tỉnh Kon Tum, mô hình Phòng điều tra thân thiện được xây dựng khang trang, sạch đẹp, trang trí, lắp đặt nhiều tiện nghi tạo cảm giác gần gũi, thân thiện giữa các em với lực lượng làm nhiềm vụ.

Qua thời gian đưa vào sử dụng, Phòng điều tra thân thiện và các thiết bị chuyên dùng đã phục vụ rất hiệu quả cho công tác điều tra, lấy lời khai với các trẻ em, đảm bảo tính nhân văn, giúp nạn nhân ổn định tâm lý, thoải mái khi cung cấp lời khai, trao đổi thông tin. "Trong 02 năm qua đã có khoảng 60 lượt trẻ em được lấy lời khai tại 02 phòng này qua đó góp phần tăng tỷ lệ điều tra thành công các vụ việc có liên quan đến trẻ em", Thượng tá Lê Xuân Thuỷ nhấn mạnh.

Chủ động từ sớm, từ xa để kịp thời phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em - Ảnh 2.

Gắn kết giữa Gia đình – Nhà trường – Tổ chức xã hội – Tổ chức quần chúng nhằm bảo vệ trẻ em một cách tốt nhât (ảnh minh họa: Nam Nguyễn)

Nhận định thời gian tới, tình hình tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm liên quan đến người dưới 18 tuổi còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phi truyền thống như lợi dụng không gian mạng để xâm hại trẻ em, trẻ em bị tổn thương do biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, cư trú ở vùng sâu, vùng xa… Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh, các yếu tố tác động trên là thách thức với các cấp, các ngành trong công tác bảo vệ trẻ em, do đó yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật luôn phải "đi trước một bước" trong phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm.

Do vậy, Ban Chỉ đạo Kế hoạch số 506 các cấp tiếp tục làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương các giải pháp phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi. Chủ động nắm, phân tích, dự báo tình hình từ sớm, từ xa, kịp thời tham mưu chủ trương, giải pháp lãnh đạo công tác đảm bảo an ninh, trật tự và phòng, chống tội phạm, không để tác động, hình thành các nguy cơ phát sinh tội phạm, đặc biệt là lợi dụng không gian mạng để xâm hại trẻ em. Ban Chỉ đạo Kế hoạch số 506 các địa phương chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp gắn kết giữa Gia đình – Nhà trường – Tổ chức xã hội – Tổ chức quần chúng nhằm bảo vệ trẻ em trong thời gian tới.

Thái Bình



* Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL thực hiện

NỔI BẬT TRANG CHỦ