(Tổ Quốc) - Trước khi trở thành đồng Chủ nhân Giải thưởng Chính VinFuture 2024, doanh nhân Jensen Huang đã được cả thế giới biết đến như là "ngôi sao" của ngành bán dẫn toàn cầu. Là "cha đẻ" của những bộ xử lý đồ họa (GPU) mạnh nhất thế giới, mở ra kỷ nguyên mới cho trí tuệ nhân tạo (AI), CEO của gã khổng lồ Nvidia được xem là đại diện tiêu biểu cho việc đưa khoa học vào thực tiễn để mang lại những thay đổi tích cực cho cuộc sống của hàng tỷ người trên trái đất.
Tối 6/12 tại Hà Nội, VinFuture đã công bố chủ nhân các giải thưởng danh giá của mùa giải thứ 4 với tổng trị giá 4,5 triệu USD. Đáng chú ý, đứng chung sân khấu để nhận Giải thưởng Chính VinFuture, trị giá 3 triệu USD, cùng với 4 nhà nghiên cứu lỗi lạc là một doanh nhân - tỷ phú Jensen Huang, nhà đồng sáng lập kiêm CEO của Tập đoàn Nvidia. Khởi nghiệp năm 1993 với số vốn chỉ 40.000 USD, sau hơn 3 thập kỷ, vị doanh nhân tài ba đã đưa Nvidia vượt qua vô số hoài nghi, trở thành một đế chế công nghệ toàn cầu với giá trị vốn hóa đạt 3.350 tỷ USD (tháng 12/2024).
Nvidia và cuộc cách mạng hóa AI
Gần hai thập kỷ trước, có rất ít dấu hiệu dự báo sự bùng nổ của AI, một lĩnh vực đã mang lại hàng loạt tiến bộ trong các ngành như y tế, giáo dục, giao thông… Nhưng cũng từ nhiều chục năm trước, Jensen Huang đã luôn tin tưởng vào tiềm năng của bộ xử lý đồ họa (GPU) trong việc phát triển AI.
Sinh năm 1963 tại Đài Loan, ông Huang bắt đầu say mê máy tính từ thời trung học, sau đó theo học ngành khoa học máy tính và thiết kế chip tại Đại học Bang Oregon (Mỹ). Sau khi tốt nghiệp, ông chuyển đến sống tại Thung lũng Silicon và bắt đầu sự nghiệp tại AMD, đối thủ của Intel.
Ông tiếp tục học lên cao, nhận bằng Thạc sĩ Kỹ thuật điện tại Stanford vào năm 1992. Trong thời gian làm tại LSI Corp., ông gặp Malachowsky và Curtis Priem – những người sau này cùng ông sáng lập Nvidia vào năm 1993.
Khi quyết định thôi việc để sáng lập Nvidia, ông Huang chưa bao giờ nghĩ tới tương lai sẽ trở thành lãnh đạo của một trong những công ty có vốn hóa lớn nhất thế giới. Ông và các bạn chỉ đơn giản nhận thấy cơ hội lớn trong công nghệ điện toán tăng tốc (sử dụng các bộ tăng tốc phần cứng, thay vì phần mềm chạy trên CPU).
"Chúng tôi tin rằng mô hình điện toán này có thể giải quyết những vấn đề mà mô hình thông dụng không thể xử lý được", ông Huang chia sẻ với Fortune.
Với số vốn 40.000 USD, Nvidia ra đời và tập trung sản xuất GPU cho game với đồ họa chân thực, tốc độ cao. Nhưng ông Huang luôn tin rằng chip đồ họa của Nvidia có tiềm năng vượt xa lĩnh vực game, dù ông chưa hoàn toàn dự đoán được sự chuyển dịch sang học sâu.
Kỹ thuật học sâu đã được thảo luận trong giới học thuật từ sớm nhất là thập niên 1960, sau đó đạt bước tiến trong những năm 1980-1990. Nhưng thuật toán này vẫn còn vướng hai rào cản lớn: Lượng dữ liệu khổng lồ để huấn luyện thuật toán, và sức mạnh điện toán với chi phí thấp. Internet đã giải quyết vấn đề đầu tiên, nhưng thách thức thứ hai vẫn chưa được tháo gỡ, cho đến khi Nvidia ra mắt CUDA vào năm 2006 dưới sự lãnh đạo của ông Huang.
Để hiểu được sự đột phá của CUDA, cần hiểu về nguyên lý hoạt động của GPU. Các bộ xử lý đồ họa GPU hoạt động như hàng nghìn máy tính cùng chạy song song để hiển thị từng điểm ảnh. Lập trình GPU từng là quá trình rất khó khăn, đòi hỏi phải viết nhiều mã code cấp thấp.
Nhưng CUDA giúp đơn giản hóa quá trình trên, tạo điều kiện để giới nghiên cứu xây dựng các mô hình học sâu với tốc độ nhanh hơn trong khi vẫn tiết kiệm chi phí. Đặc biệt, nền tảng này mở ra cánh cửa cho phép ứng dụng GPU của Nvidia vào các tác vụ thông dụng, không chỉ giới hạn trong đồ họa.
"Học sâu gần giống như bộ não", ông Huang chia sẻ trên Forbes. "Nó hiệu quả đến mức khó tin. Bạn có thể dạy nó làm gần như bất kỳ điều gì nhưng có trở ngại lớn: Nó cần sức mạnh điện toán khổng lồ. Và GPU của chúng tôi là mô hình điện toán gần như lý tưởng cho học sâu".
Hiện nay, các lĩnh vực như nhận diện giọng nói, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính và robot đều đã đạt được những tiến bộ vượt bậc nhờ vào công nghệ GPU và CUDA.
Ví dụ, trong y học, CUDA hỗ trợ phân tích dữ liệu gen, giúp đẩy nhanh quá trình phát triển thuốc mới và phương pháp điều trị bệnh hiểm nghèo. Trong công nghệ ô tô, Nvidia đã đóng vai trò quan trọng trong phát triển xe tự hành, giúp xử lý dữ liệu cảm biến theo thời gian thực để đưa ra các phản ứng an toàn và chính xác.
Tham vọng chữa khỏi ung thư
Không chỉ là biểu tượng về tầm nhìn chiến lược trong mắt nhiều người, ông Huang còn nổi bật với phong cách lãnh đạo hiệu quả, không theo khuôn mẫu. Ông duy trì cơ cấu tổ chức "phẳng", giảm thiểu sự phân tầng để thúc đẩy tính linh hoạt và sáng tạo.
Dưới sự lãnh đạo của ông Huang, Nvidia không chỉ nổi bật với các sáng tạo công nghệ mà còn được biết đến là một công ty nhân văn. Nvidia được xếp vào nhóm doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội cao bậc nhất nước Mỹ, theo bảng xếp hạng Just 100. Các chính sách như nghỉ phép 22 tuần có lương cho người mới làm cha mẹ và chương trình hỗ trợ phụ nữ trong ngành kỹ thuật đã giúp công ty nhận được sự yêu mến từ nhân viên.
Và bằng cách kết nối công việc của nhân viên với những tác động lớn hơn đối với xã hội, chẳng hạn như thúc đẩy nghiên cứu ung thư hay phát triển công nghệ AI, Huang đã xây dựng nên một doanh nghiệp nơi sự đổi mới và mục đích xã hội hòa quyện. Trên thực tế, gã khổng lồ công nghệ Nvidia đang tiến sâu hơn vào lĩnh vực y tế với tham vọng đưa AI vào mọi góc của bệnh viện.
"Công việc chúng tôi làm phải đem lại lợi ích cho xã hội, ở mức độ gần như là khoa học viễn tưởng. Chẳng hạn, chúng tôi muốn có thể tăng tốc hoàn thành mục tiêu tìm ra biện pháp chữa trị ung thư", ông Huang nói trên Forbes.