(Tổ Quốc) - “Với tầm nhìn và quy hoạch bài bản của địa phương cùng sự vào cuộc của các nhà đầu tư có tâm có tầm, chúng tôi tin rằng Hà Nam sẽ có sự “thay da đổi thịt” về diện mạo. Chúng tôi kỳ vọng, đến năm 2030 sẽ đón được 10 triệu du khách và Hà Nam thực sự trở thành điểm đến mà du khách quốc tế không thể bỏ qua khi đến Việt Nam”, ông Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam khẳng định.
Hà Nam là vùng đất địa linh nhân kiệt chứa đựng rất nhiều nét đẹp văn hóa đặc sắc, nhiều công trình kiến trúc lịch sử hấp dẫn. Năm 2023, Hà Nam đã được vinh danh là "Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới".
Không bằng lòng với những điều kiện sẵn có và những thành quả đạt được, tỉnh Hà Nam cũng đang ấp ủ nhiều ý tưởng lớn để thay đổi diện mạo đô thị, từng bước đưa Hà Nam thăng hạng, trở thành điểm đến văn hóa tâm linh tầm cỡ khu vực và thế giới. Ông Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam chia sẻ với chúng tôi về những ý tưởng này.
Thu hút nhà đầu tư có tâm, có tầm, đưa du lịch thăng hạng
- Thời gian qua, Hà Nam đã đạt được nhiều thành tích ấn tượng về du lịch. Theo ông, đâu là thế mạnh lớn nhất khiến Hà Nam tạo được sức hút với du khách?
Hà Nam là một mảnh đất địa linh nhân kiệt với bề dày văn hóa lịch sử, nơi có nhiều địa danh gắn với các danh nhân văn hóa, đồng thời cũng sở hữu nhiều điểm đến du lịch tâm linh nổi tiếng và có cảnh quan độc đáo như: Chùa Tam Chúc, Chùa Long Đọi Sơn, Đền Trần Thương, Địa Tạng Phi Lai Tự, Chùa Bầu …
Thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh phát triển du lịch tâm linh gắn với việc bảo tồn thiên nhiên và đang quy hoạch một khu bảo tồn loài voọc mông trắng. Đặc biệt, năm 2023, Hà Nam đã được World Travel Awards vinh danh Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, du lịch Hà Nam còn một số điểm hạn chế như sản phẩm du lịch chưa đa dạng, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch vẫn còn khá khiêm tốn, kết nối giao thông cũng chưa được đồng bộ… Những hạn chế này khiến du lịch Hà Nam chưa thể thu hút được đông đảo du khách nước ngoài.
Thời gian tới, với việc triển khai đồng loạt nhiều dự án mới về hạ tầng, giao thông, các dự án đô thị quy mô lớn kết hợp khu vui chơi, công viên chuyên đề, đặc biệt là sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch lớn như Sun Group, du lịch Hà Nam chắc chắn sẽ có nhiều bước tiến đột phá, thu hút đông du khách trong nước và quốc tế.
- Để đưa Hà Nam trở thành một điểm đến tầm cỡ khu vực và thế giới, không chỉ là điểm đến văn hóa tâm linh, địa phương đã có chiến lược gì trong ngắn hạn và lâu dài?
Với kỳ vọng Hà Nam sẽ thay đổi diện mạo đô thị, từng bước trở thành điểm đến tầm cỡ khu vực và thế giới, công tác quy hoạch được chúng tôi đặt lên hàng đầu. Có một bản quy hoạch tốt thì mới có dự án tốt, có dự án tốt thì mới lựa chọn được nhà đầu tư tốt, đấy là việc thứ nhất.
Việc thứ hai là chúng tôi đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, kết nối giao thông giữa các khu du lịch với hạ tầng giao thông quốc gia, tạo điều kiện cho du khách có thể di chuyển an toàn, thuận lợi đến các điểm đến trong tỉnh.
Thứ ba, chúng tôi quan tâm, mời gọi các nhà đầu tư có tâm, có tầm để chung tay kiến tạo các sản phẩm du lịch đẳng cấp, chất lượng, đồng thời kết nối các sản phẩm và các điểm đến du lịch chặt chẽ với nhau.
Chúng tôi xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là làm sao để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch đủ sức hút, để khách không chỉ đến Hà Nam vào mùa xuân, mà cả bốn mùa trong năm, để khách cũng không chỉ đến các điểm du lịch tâm linh mà còn muốn đến Hà Nam để trải nghiệm văn hóa địa phương, tham quan danh lam thắng cảnh, tận hưởng nhiều trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn khác nữa. Như vậy thì du lịch Hà Nam mới có thể phát triển bền vững.
Đưa Hà Nam trở thành vùng đất đáng đến, đáng sống
- Vậy Hà Nam sẽ chào đón các nhà đầu tư lớn như thế nào, để đạt được mục tiêu thay đổi diện mạo đô thị theo hướng chất lượng cao và định vị lại vị thế điểm đến Hà Nam, thưa ông?
Trong quy hoạch tỉnh Hà Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chúng tôi định hướng xây dựng Hà Nam trở thành TP trực thuộc Trung ương vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi đẩy mạnh đầu tư theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt, trong đó tập trung nâng cấp hạ tầng giao thông để kết nối các khu du lịch, các khu công nghiệp với hệ thống giao thông của quốc gia.
Thời gian vừa qua, chúng tôi đã mời gọi các nhà đầu tư lớn đến với Hà Nam, trong đó có các tập đoàn lớn có thế mạnh phát triển dự án du lịch quy mô và đẳng cấp như Sun Group và Flamingo… Tại TP. Phủ Lý, hiện đang triển khai một đại dự án quy mô lớn, đó là Đô thị Thời Đại - Sun Urban City quy mô lên đến 420ha, tổng mức đầu tư 35.000 tỷ đồng. Dự án hứa hẹn đem lại diện mạo mới cho TP Phủ Lý với đa mục tiêu: Xây dựng khu đô thị văn minh, hiện đại, đem lại cuộc sống đa tiện ích cho người dân; Thay đổi cơ cấu kinh tế tỉnh Hà Nam, chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp và kinh tế dịch vụ.
Những người dân trong diện thu hồi đất của dự án đô thị này sẽ được bố trí chuyển đổi việc làm sang dịch vụ du lịch, thương mại, họ sẽ có việc làm tốt hơn, thu nhập cao hơn. Chúng tôi cũng kỳ vọng khu đô thị này với sự tích hợp nhiều công viên như công viên Sun World, công viên thể thao, công viên lễ hội, công viên văn hoá, công viên sinh thái…, sẽ mang đến cho Hà Nam một đô thị thời đại, hài hòa giữa các yếu tố hiện đại với thiên nhiên. Khi hoàn thiện, Sun Urban City Hà Nam chắn chắn sẽ là một thành phố nghỉ dưỡng ngoại ô lý tưởng dành cho du khách Hà Nội và khu vực Đồng bằng sông Hồng vào mỗi dịp nghỉ lễ, cuối tuần.
Đứng ở góc độ quản lý đô thị, dự án mới tại TP Phủ Lý có mật độ xây dựng rất thấp – khoảng 18%, nhưng lại đóng góp lớn cho ngân sách của tỉnh. Từ nguồn ngân sách này, chúng tôi sẽ tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, trường học, bệnh viện và các tiện ích xã hội khác để mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người dân địa phương. Tôi hy vọng Đô thị Thời Đại - Sun Urban City sẽ là dự án làm "thay da đổi thịt" TP Phủ Lý, đồng thời tạo động lực để Hà Nam từng bước vươn tầm, trở thành vùng đất đáng đến, đáng sống của cả nước.
Chúng tôi được biết, Tập đoàn Sun Group cũng đang tập trung triển khai một loạt hoạt động xúc tiến đầu tư, tổ chức chuỗi sự kiện, hoạt động văn hóa, nghệ thuật và du lịch hấp dẫn, quy mô diễn ra từ tháng 9 và kéo dài đến dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm 2025. Đây sẽ là chuỗi sự kiện điểm nhấn lớn chưa từng có được tổ chức, nhằm tôn vinh tinh hoa văn hóa Bắc bộ, kết nối những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể nổi tiếng tại địa phương, góp phần biến vùng đất "núi Đọi sông Châu" thành điểm đến du lịch hấp dẫn bậc nhất cả nước. Đồng thời, công viên Sun World Hà Nam cũng dự kiến được hoàn thiện và đưa vào vận hành mùa hè năm tới.
Chúng tôi tin rằng, với lợi thế về giao thông và thế mạnh du lịch sẵn có của địa phương, chuỗi sự kiện và những sản phẩm du lịch này sẽ góp phần gia tăng sức hút cho điểm đến, giúp chúng tôi đạt được mục tiêu đón 5-6 triệu lượt khách trong năm 2024, đặc biệt góp phần giải quyết được bài toán du lịch mùa vụ, đem lại nhiều cảm xúc cho du khách khi đến với Hà Nam.
- Với nhiều ý tưởng tâm huyết như vậy, ông hình dung như thế nào về Hà Nam trong 5 năm tới?
Thứ nhất, với quy hoạch bài bản cùng sự đồng hành của các nhà đầu tư lớn có tâm, có tầm, có năng lực tài chính và kinh nghiệm, tôi tin rằng, chỉ trong một thời gian ngắn nữa thôi, Hà Nam sẽ có sự thay đổi ngoạn mục về hạ tầng giao thông.
Thứ hai, diện mạo đô thị cũng sẽ thay đổi khác hẳn, với các khu đô thị được quy hoạch đồng bộ, đầy đủ tiện ích, đáp ứng nhu cầu của người dân và giới đầu tư như Sun Urban City, từng bước đưa Phủ Lý, Hà Nam trở thành đô thị đáng sống.
Thứ ba, du lịch Hà Nam sẽ được đầu tư và phát huy xứng tầm với tiềm năng. Du khách đến với Hà Nam không chỉ tham gia các hoạt động tâm linh, mà còn để tận hưởng và trải nghiệm văn hóa nghệ thuật độc đáo cùng nhiều dịch vụ vui chơi giải trí đẳng cấp, chất lượng, khác biệt. Chắc chắn trong thời gian tới, du khách đến Hà Nam sẽ ngày càng đông hơn. Chúng tôi kỳ vọng đến năm 2030 sẽ đón được 10 triệu lượt du khách và quan trọng là Hà Nam thực sự trở thành một điểm đến mà du khách trong nước và quốc tế không thể bỏ qua khi đến Việt Nam./.
Xin cảm ơn ông!