(Tổ Quốc) - Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi và sự ra đời của nhà nước mới: Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một trong những thắng lợi nổi bật vĩ đại nhất của Cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX, là mốc son chói lọi trong lịch sử ngàn năm của dân tộc Việt Nam. Thắng lợi đó gắn liền trực tiếp với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ, trở thành công dân của nước Việt Nam độc lập, tự do.
Kỷ niệm 75 năm ngày Cách mạng Tháng 8 (19/8/1945 - 19/8/2020) và Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2020), chúng ta cùng nhìn lại những đóng góp của lãnh tụ Hồ Chí Minh trong công cuộc giải phóng dân tộc, đưa nhân dân tiến lên làm chủ đất nước.
Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam và từng bước biến nước ta trở thành thuộc địa của chúng. Trước cảnh nước mất nhà tan, nhân dân lầm than, khổ cực, nhiều phong trào yêu nước đã nổ ra nhưng đều thất bại vì chưa có đường lối, phương pháp cách mạng đúng đắn. Ngày 05/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (sau này là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã quyết chí ra nước ngoài tìm đường cứu nước, với khát vọng giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc.
Nguyễn Ái Quốc đã có một cuộc hành trình rất dài đi vòng quanh châu Á, châu Âu, châu Phi, sang Mỹ, rồi đến nước Anh và Người đã rút ra kết luận: chủ nghĩa đế quốc, thực dân là cội nguồn của mọi đau khổ cho giai cấp công nhân và nhân dân ở các nước chính quốc cũng như thuộc địa. Năm 1917, Người trở lại Paris và tích cực hoạt động trong Đảng xã hội Pháp. Mở đầu một thời kỳ mới trong phong trào giải phóng dân tộc nói chung và cuộc cách mạng giải phóng của nhân dân Việt Nam nói riêng.
Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, năm 1919 các nước đế quốc thắng trận họp ở Véc-xai (gần Thủ đô Pa-ri), để chia lại thị trường thế giới. Nguyễn Ái Quốc thay mặt những người Việt Nam yêu nước sống ở Pháp đã đưa tới hội nghị bản Yêu sách của nhân dân An Nam đòi Chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ, quyền bình đẳng và quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam. Những yêu sách nói trên không được chấp nhận, nhưng việc làm đó đã có tiếng vang lớn đối với nhân dân Việt Nam, nhân dân Pháp và nhân dân các thuộc địa Pháp. Yêu sách đã nói lên rằng, phong trào cách mạng giải phóng của nhân dân Việt Nam đã có ngọn cờ lãnh đạo, đó là ngọn cờ yêu nước với người đứng đầu là Nguyễn Ái Quốc.
Cũng từ đây, Nguyễn Ái Quốc đã tìm đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp cuối năm 1920 và xác định con đường cứu nước, con đường giải phóng dân tộc đúng đắn. Từng bước một, thông qua hoạt động đấu tranh cách mạng, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần Người hiểu được rằng: "chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ"([1]).
Thời gian ở Pháp, thông qua báo chí Nguyễn Ái Quốc viết nhiều bài vạch rõ âm mưu và sự tàn ác của chủ nghĩa thực dân đế quốc, bọn chúng tiến hành xâm lược các nước thuộc địa dưới chiêu bài "khai hóa văn minh": "Để che đậy sự xấu xa của chế độ bóc lột giết người, chủ nghĩa tư bản thực dân luôn luôn điểm trang cho cái huy chương mục nát của nó bằng những châm ngôn lý tưởng: Bác ái, Bình đẳng"[2]. Dưới ngòi bút sắc sảo của Nguyễn Ái Quốc, thực chất công cuộc khai hóa văn minh của chủ nghĩa thực dân ở các châu lục đã bị phơi bày. Người nêu bật nỗi thống khổ của nhân dân Đông Dương, nhân dân Việt Nam dưới sự "khai hóa" của thực dân Pháp: "tính mệnh của một người An Nam bị xem như thân con chó, không đáng giá một đồng trinh"[3]. Người cho rằng: "Ở trên thế giới, không có dân tộc chiến bại nào bị kẻ chiến thắng ngược đãi hành hạ bằng dân tộc thuộc địa"[4]. Theo Nguyễn Ái Quốc, ở đâu có áp bức giai cấp, áp bức dân tộc, tất yếu xuất hiện đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc.
Trong tác phẩm Lời than vãn của Bà Trưng Trắc đăng trên báo L'Humanité (Nhân đạo), ngày 24/6/1922, Nguyễn Ái Quốc viết: "Thật là nhục nhã thậm tệ, thật là chán ngán ghê gớm, thật là cay đắng ê chề xiết bao cho các vị, nếu từ những tầng mây, tổ tiên mi phải trông thấy dân tộc mà các vị đã giành được tự do nay chịu phận nô lệ, đất nước đã được các vị giải thoát nay lâm vào cảnh nô dịch"[5]. Người viết bài đăng trên báo để kêu gọi các thế hệ con cháu noi gương ông cha dũng cảm đứng lên đánh đuổi thực dân, giành tự do, độc lập. Nhằm lên tiếng tố cáo tội ác của thực dân Pháp, Người không chỉ thường xuyên viết bài tuyên truyền trên các báo L'Humanité (Nhân đạo) và báo Le Populaire (Dân chúng), mà còn chủ động thành lập và phụ trách xuất bản tờ báo Le Paria (Người cùng khổ). Tờ báo này đã thật sự trở thành vũ khí chiến đấu, là diễn đàn để Nguyễn Ái Quốc và Hội Liên hiệp thuộc địa tuyên truyền tư tưởng giải phóng các nước thuộc địa. Mặc dầu gặp nhiều khó khăn trở ngại, nhưng tờ báo vẫn phát triển. Tất cả những tài liệu này đều được Người bí mật tìm cách gửi về nước và chuyển đến các nước thuộc địa.
Thời gian từ năm 1921 đến năm 1930, Nguyễn Ái Quốc dành nhiều gian truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với tác phẩm "Bản án chế độ thực dân Pháp" và "Đường Kách Mệnh", đặc biệt là việc xuất bản tờ Báo Thanh niên ra ngày 21/6/1925, Người đã chuẩn bị về đường lối chính trị để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Cũng trong thời gian này, Người chuẩn bị về tổ chức và cán bộ với việc lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1925), mở lớp đào tạo cán bộ cách mạng, gửi nhiều cán bộ đi học tại Liên Xô, vv…
Khi điều kiện thành lập Đảng đã chín muồi, trải qua một quá trình tích cực vận động, ngày 03-02-1930, tại Hương Cảng - Trung Quốc, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản có ý nghĩa như là một Đại hội thành lập Đảng. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã đánh dấu một bước ngoặc vĩ đại của cách mạng Việt Nam, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối chính trị, về con đường cứu nước, cứu dân, thoát khỏi ách áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến, thoát khỏi bần cùng, đói nghèo và lạc hậu. Với đường lối đúng đắn và sáng tạo, Đảng cộng sản Việt Nam đã tập hợp, lãnh đạo nhân dân đoàn kết đấu tranh trong cao trào cách mạng 1930 - 1931, cuộc vận động dân chủ 1936 - 1939, đặc biệt là cuộc vận động trực tiếp giành chính quyền 1939 - 1945.
Năm 1940 phân tích tình hình thế giới có nhiều chuyển biến, cũng như nhận thấy tình thế khẩn trương của cách mạng trong nước, Phát xít Nhật đã thay Thực dân Pháp chiếm đóng Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tìm cách trở về Tổ quốc, để thực hiện khát vọng lớn nhất là: giải phóng dân tộc, đưa nhân dân thoát khỏi cảnh lầm than nô lệ. Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, ngày 28/1/1941 lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - người con ưu tú của dân tộc về đến Việt Nam và quyết định chọn Cao Bằng để xây dựng căn cứ địa cách mạng. Tại đây, Người tiến hành mở nhiều lớp huấn luyện chính trị, quân sự ngắn hạn; giao nhiệm vụ cho một số cán bộ mở các xưởng nghiên cứu, chế tạo, sản xuất và sửa chữa vũ khí trang bị cho lực lượng vũ trang.
Sau một thời gian chuẩn bị, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập và trực tiếp chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tám (tháng 5/1941), xác định nhiệm vụ cấp thiết nhất của cách mạng nước ta lúc này là giải phóng dân tộc. Theo sáng kiến của Người, Hội nghị đã thành lập Việt Nam Độc Lập Đồng Minh (gọi là Mặt trận Việt Minh) nhằm liên hiệp đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, xu hướng chính trị, tất cả cùng nhau hướng tới mục tiêu giải phóng dân tộc.
Để có được sự cảm tình ủng hộ của quần chúng nhân dân, Người quyết định xuất bản tờ báo Việt Nam Độc lập, tháng 8/1941. Người đã dành thời gian viết một loạt tác phẩm như: Lịch sử nước ta, Mười chính sách lớn của Việt Minh và nhiều bài đăng trên báo Việt Nam độc lập, báo Cứu quốc với nội dung ca ngợi truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, quật cường của dân tộc, kêu gọi các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia vào các đoàn thể cứu quốc; hướng dẫn xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, góp phần tạo ra một cao trào cứu nước mạnh mẽ, chờ đón thời cơ, tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Chưa bao giờ, khát vọng hòa bình, không khí cách mạng lại sục sôi đến thế.
Mong muốn phong trào cách mạng phát triển ngày càng toàn diện và rộng khắp, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí Trung ương chú trọng làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết cộng đồng các dân tộc, tổ chức nhân dân thành lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang hùng hậu. Thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam) đã được thành lập.
Trong suốt quá trình hoạt động và xây dựng căn cứ địa tại Cao Bằng, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian, tâm sức hướng dẫn chỉ đạo, lãnh đạo gây dựng phong trào, tổ chức đào tạo, giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ cốt cán; xây dựng Cao Bằng thành đại bản doanh, căn cứ địa cội nguồn vững chắc.
Trên cơ sở vùng giải phóng đã được mở rộng và liên hoàn, để thuận tiện lãnh đạo phong trào cách mạng chung cả nước, tháng 5/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh quyết định chuyển đại bản doanh của Trung ương Đảng từ Cao Bằng về Tân Trào (Tuyên Quang) - mảnh đất hội tụ đầy đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa: có cơ sở cách mạng tốt, địa hình tốt, thuận tiện làm một trung tâm liên lạc với miền xuôi, miền ngược và nước ngoài. Tại đây, Người đã chỉ thị thành lập Khu giải phóng Việt Bắc gồm 6 tỉnh: Cao Bằng - Bắc Kạn - Lạng Sơn - Hà Giang - Tuyên Quang - Thái Nguyên, đồng thời thống nhất các lực lượng vũ trang thành Quân Giải phóng.
Tháng 8/1945, phát xít Nhật đầu hàng phe Đồng minh, quân đội và chính quyền tay sai rơi vào trạng thái hoang mang, tê liệt. Chớp thời cơ "ngàn năm có một", Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng kịp thời hạ quyết tâm phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong phạm vi cả nước theo tinh thần: dù hi sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập.
Thực hiện Lệnh Tổng khởi nghĩa của Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc và hưởng ứng Lời kêu gọi Tổng khởi nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang ganh nhau tiến bước giành quyền độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ"([6]), cả dân tộc đã vùng lên như "bão táp". Nhân dân cả nước từ Bắc đến Nam nhất tề đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày, từ 14 - 28/8, cuộc Tổng khởi nghĩa đã thắng lợi hoàn toàn. Lần đầu tiên trong lịch sử, chính quyền cả nước thực sự thuộc về tay nhân dân.
Với những quyết tâm kịp thời, những nhận định đúng đắn và táo bạo về thời cơ cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng đã lãnh đạo toàn dân làm nên Cách mạng tháng Tám thành công. Đây là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thành công triệt để nhất trong lịch sử. Nó phát huy được cao nhất sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, đập tan mọi xích xiềng nô lệ của chủ nghĩa thực dân và phát xít, rửa sạch nỗi đau mất nước kéo dài gần một thế kỉ; đồng thời lật nhào chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại cả ngàn năm, đưa nước ta từ một nước thuộc địa trở thành một nước độc lập, đưa nhân dân ta từ kiếp sống nô lệ thành người dân tự do, làm chủ vận mệnh nước nhà.
Dựa trên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời đọc Tuyên ngôn Độc lập công bố với nhân dân cả nước và toàn thế giới về sự ra đời của một nhà nước mới: Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Người tuyên bố: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy"([7]).
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là sự kết hợp của tinh thần yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh. Bằng trí tuệ sắc bén và nghị lực phi thường, Người đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng, đưa nhân dân từ thân phận nô lệ trở thành công dân của nước Việt Nam tự do, độc lập. Người đã mở ra một thời đại mới cho dân tộc Việt Nam, thời đại nước Việt Nam là của người Việt Nam. Người Việt Nam thực sự trở thành người làm chủ vận mệnh của đất nước và của chính bản thân mình. Thời đại dân tộc Việt Nam đứng trước thế giới với tư cách một đất nước, một quốc gia độc lập, ngang hàng và hội nhập với các quốc gia khác trong cộng đồng quốc tế. Từ Cách mạng tháng Tám, những tiếng Việt Nam - Hồ Chí Minh đã gắn liền với nhau và trở thành quen thuộc, thiêng liêng trong trái tim những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời và trở thành nhân tố nền tảng bảo đảm vững chắc cho nền độc lập, tự do mà nhân dân ta hằng khát khao. Đây là một sự thay đổi hoàn toàn về chất so với tất cả các kiểu nhà nước từng có trong lịch sử nước nhà, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, đánh dấu thắng lợi của một thế kỷ ngoan cường chống thực dân và phong kiến, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỉ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Trên thực tế, ngay sau khi thành lập, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thể hiện rõ bản chất chuyên chính vô sản, là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ Lâm thời, ngày 03/9/1945 tại Bắc Bộ Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bao gồm: khắc phục nạn đói; nạn dốt; giáo dục nhân dân với việc thực hiện cần, kiệm, liêm, chính; bỏ ba thứ thuế: thuế thân, thuế chợ, thuế đò; thực hiện tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết và đặc biệt là phải tổ chức càng sớm càng tốt cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, để sáng suốt lựa chọn đại biểu đủ đức, đủ tài cùng tham gia xây dựng kiến thiết đất nước.
Không lâu sau khi thành lập, Chính phủ Cách mạng Lâm thời đã tổ chức cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội (06/01/1946) và Hội đồng Nhân dân các cấp nhằm củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, xây dựng nền móng của chế độ mới, tạo cơ sở pháp lí vững chắc để đập tan những luận điệu xuyên tạc và hành động của các thế lực thù địch đang nuôi dưỡng mưu đồ đặt lại ách đô hộ lên đất nước ta. Sự kiện trọng đại này đã đi vào lịch sử nước ta như một mốc son, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ, mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, sau hàng nghìn năm dưới chế độ phong kiến và 80 năm dưới ách thống trị thực dân, mọi người dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt nam nữ, đều được hưởng quyền bầu cử và ứng cử, người dân Việt Nam được tự do lựa chọn những người có đủ tài, đức để gánh vác công việc nước nhà.
Sau khi Nhà nước mới ra đời 14 tháng, bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được thông qua tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I, ngày 09/11/1946. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: "Bản Hiến pháp đó còn là một vết tích lịch sử, Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông này nữa… Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới biết dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do"[8]. Hiến pháp thể hiện rõ những tư tưởng cơ bản của nhà nước mới - nhà nước độc lập, dân chủ. Có thể khẳng định, Chính phủ Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hết sức nỗ lực để ngay sau khi mới thành lập, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã có đầy đủ các cơ quan, ban, ngành, cùng hệ thống những quy định, để thực thi quyền lợi của người dân theo pháp luật.
Trên cương vị là người đứng đầu nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành"([9]). Đó là lý tưởng chính trị, lý tưởng đạo đức và cũng là lý tưởng nhân văn của Người. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, giải phóng con người trước hết là giải phóng họ khỏi những tai họa do cái đói, cái rét, cái dốt gây nên. Cuộc chiến đấu đó không thể tách rời cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc. Chỉ có thoát khỏi thân phận nô lệ, mỗi con người mới lấy lại được phẩm giá làm người. Điều đó cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề con người và giải phóng con người, coi đó là mục đích cao nhất cần phải đạt tới trong mọi hoạt động cách mạng của mình. Người đã thâm nhập trực tiếp vào các nước phương Tây để kiểm nghiệm giá trị "Tự do, Bình đẳng, Bác ái". Người đã đại diện cho nhiều chục triệu người Việt Nam yêu nước, cho cả dân tộc Việt Nam trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng Việt Nam luôn khát khao trở thành "một dân tộc tiên tiến", một dân tộc tự do, bình đẳng, hòa bình và thống nhất.
Trong 75 năm qua với nhiều mốc thăng trầm lịch sử, từ một xã hội lầm than, vươn lên một xã hội tươi sáng. Nhà nước Việt Nam đã từng bước khẳng định vị thế trên trường quốc tế, đời sống của người Việt Nam đã thay đổi hoàn toàn. Để có được những thành quả phát triển ngày hôm nay không thể không kể đến công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, sáng lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành công dân của một nước Việt Nam độc lập, tự do. Ngày nay, chúng ta đang đứng trước những thời cơ và vận hội mới, đồng thời có cả những thử thách mới đầy cam go trên con đường hội nhập và phát triển, mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân Việt Nam ở trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh để tiếp tục lãnh đạo nhân dân ta đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hòa bình và thịnh vượng./.
[1] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb Chính Trị Quốc gia, H 2011, tập 12, tr 563.
[2] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb Chính Trị Quốc gia, H 2011, tập 1, tr 93.
[3] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb Chính Trị Quốc gia, H 2011, tập 1, tr 113.
[4] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb Chính Trị Quốc gia, H 2011, tập 1, tr 387.
[5] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb Chính Trị Quốc gia, H 2011, tập 1, tr 98.
[6] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb Chính Trị Quốc gia, H 2011, tập 3, tr 596.
[7] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb Chính Trị Quốc gia, H 2011, tập 4, tr 3.
[8] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb Chính Trị Quốc gia, H 2011, tập 4, tr 491.
[9] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb Chính Trị Quốc gia, H 2011, tập 4, tr 187.