(Tổ Quốc) - Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò vô cùng quan trọng của văn hóa, văn nghệ, báo chí, tuyên truyền trong quá trình hoạt động cách mạng. Người coi văn hóa, văn nghệ, báo chí, tuyên truyền là vũ khí sắc bén để soi đường, tập hợp các tầng lớp nhân dân làm cách mạng.
PGS-TS NGUYỄN THẾ KỶ
Tại cuộc gặp mặt trọng thể kỷ niệm lần thứ 129 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lãnh tụ kính yêu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta do Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Ngôn ngữ học Việt Nam phối hợp tổ chức sáng ngày 15 tháng 5 năm 2019 tại trụ sở Đài TNVN, ba cuốn sách quý đã được công bố tới bạn đọc cả nước. Đó là cuốn ""Bác Hồ - Người có nhiều duyên nợ với báo chí", cuốn "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng" và cuốn "Tiếng nói cùng năm tháng". Xin giới thiệu bài phát biểu của PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài TNVN, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương tại sự kiện rất có ý nghĩa này:
"Tại diễn đàn long trọng và ấm áp này, chúng ta thành kính tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta; chiến sỹ đấu tranh không mệt mỏi để giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người; một lãnh tụ cộng sản xuất sắc, nhân hậu, được nhiều người, nhiều dân tộc ngưỡng mộ, tôn vinh; một người hiền của mọi thời đại... Năm 1987, Đại hội đồng UNESSCO lần thứ 24 tại Paris, nước Pháp đã ra Nghị quyết 24C/18.65 về việc kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đúng vào dịp Kỷ niệm trọng thể 100 năm Ngày sinh của Người, vinh danh Người là "Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Danh nhân văn hoá thế giới". Nghị quyết ghi rõ: "Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật chính là sự kết tinh của truyền thống văn hiến hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam, những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau...".
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc VOV, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương phát biểu tại cuộc gặp mặt
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò vô cùng quan trọng của văn hóa, văn nghệ, báo chí, tuyên truyền trong quá trình hoạt động cách mạng. Người coi văn hóa, văn nghệ, báo chí, tuyên truyền là vũ khí sắc bén để soi đường, tập hợp các tầng lớp nhân dân làm cách mạng. Với việc cho ra đời Báo Thanh Niên vào ngày 21/ 6/1925, tờ báo cách mạng của những người yêu nước Việt Nam theo xu hướng cộng sản, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc không chỉ là người sáng lập, mà còn là người cầm bút xuất sắc, là người thầy vĩ đại của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Từ mốc son ấy, báo chí Việt Nam đã lớn lên cùng cách mạng, phục vụ cách mạng, phụng sự nhân dân, đồng hành cùng dân tộc. Những lời Hồ Chí Minh căn dặn về sứ mệnh của báo chí, về cách làm báo, cách sử dụng từ ngữ, giữ gìn văn hóa Việt đã trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động của các cơ quan báo chí và nhà báo nước ta. Những người làm báo hôm nay học hỏi được rất nhiều điều từ Hồ Chí Minh: tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người; cách viết báo, làm báo, sử dụng báo chí như một vũ khí sắc bén. Trong bức thư gửi tới lớp dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng 70 năm trước, Người yêu cầu những người viết báo cần: "1, Gần gụi quần chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực. 2, Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài, và học kinh nghiệm của người. 3, Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cẩn thận. Tốt hơn nữa là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu. 4, Luôn luôn cố gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ". Lời căn dặn của Bác lúc sinh thời, đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị và vẫn nóng hổi tính thời sự.
Đúng dịp kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, thiết thực nhìn lại 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người, Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Ngôn ngữ học Việt Nam trân trọng giới thiệu cùng công chúng và những người làm báo cả nước 3 cuốn sách quý vừa ra khỏi nhà in:
(1) Sách "Bác Hồ - Người có nhiều duyên nợ với báo chí" của nhà báo, nhà văn lão thành Phan Quang, nguyên Tổng Giám đốc Đài TNVN, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Năm nay, nhà báo, nhà văn Phan Quang đã ở tuổi 91. Xin nồng nhiệt chúc mừng Nhà văn, Nhà báo Phan Quang và cuốn sách thứ 53 của Ông.
(2) Sách "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng", gồm 2 tập, 1.196 trang, do 3 cơ quan: Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Ngôn ngữ học Việt Nam phối hợp biên tập, trình bày. Hai tập sách này được khởi nguồn từ Hội thảo khoa học toàn quốc cuối năm 2017 với chủ đề "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng".
(3) Sách "Tiếng nói cùng năm tháng" do các nhà báo, phát thanh viên, nhà nghiên cứu của Đài Tiếng nói Việt Nam biên soạn, in ấn, phát hành.
3 cuốn sách được giới thiệu tại cuộc gặp mặt
Xin được báo cáo cụ thể hơn, đầy đủ hơn về 3 cuốn sách:
(1) Sách "Bác Hồ - Người có nhiều duyên nợ với báo chí", khổ sách 16 x 24 cm, 252 trang, Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội án hành. Cuốn sách là sự lựa chọn kỹ càng, sắp đặt khéo léo 35 bài báo, bài viết ghi lại những cảm xúc chân thực, những câu chuyện có thật qua đó khắc họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà báo, nhà văn hóa lớn Hồ Chí Minh qua góc nhìn của nhà báo, nhà văn Phan Quang. Là người thông thạo tiếng Pháp, trong cuốn sách, tác giả cũng đã tự mình chuyển ngữ và sử dụng một số bài viết của các nhà báo, sử gia, nhà văn hóa có tiếng của nước ngoài, giúp độc giả có thêm góc nhìn khách quan hơn, đầy đủ hơn về Hồ Chí Minh, về hình tượng Hồ Chí Minh. Được gặp Bác, tháp tùng Bác và được Bác trực tiếp góp ý về nghề báo, chắc hẳn nhà báo Phan Quang đã học được nhiều điều từ trí tuệ, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác. Đọc những trang viết của Phan Quang thấy thật đậm nét tình cảm của tác giả với Bác Hồ kính yêu cùng những câu chuyện sống động, những suy ngẫm, chiêm nghiệm về nghề báo - một nghề thực sự gian khó, nhiều thử thách. Chúng ta cảm phục sức lao động không ngừng nghỉ của cây đại thụ Phan Quang và cùng nhau chúc mừng tác phẩm thứ 53 của ông, hôm nay chính thức ra mắt bạn đọc và những người làm trong ngành báo chí, truyền thông.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn nhắc nhở những người làm báo khi viết và nói, tức là sử dụng ngôn ngữ thích hợp khi chuyển tải thông tin để những người bình thường nhất cũng có thể hiểu được. Về sử dụng từ ngữ, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt khi viết báo, làm báo, Người căn dặn: "Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp". Người nhắc nhở: "Làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết… Muốn tiến bộ, muốn viết hay, thì phải cố gắng học hỏi, ra công rèn luyện. Kinh nghiệm của tôi là thế này: Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc". Bác Hồ là tấm gương sáng ngời, là bậc thầy về sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt. Bộ sách 2 tập "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng" là kết quả lớn lao, đáng trân trọng từ Hội thảo khoa học toàn quốc do Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Ngôn ngữ học Việt Nam phối hợp tổ chức cuối năm 2017. Từ 235 bản tham luận của các nhà báo, nhà ngôn ngữ học, nhà quản lý trong cả nước trình bày hoặc gửi đến Hội thảo, Ban Tổ chức Hội thảo đã tuyển chọn, chắt lọc, giới thiệu gần 100 bài viết công phu, chất lượng in thành 2 tập sách. Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông ấn hành tháng 5 năm 2019. Bộ sách giới thiệu các tham luận, bài viết về việc sử dụng tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng, về sự phát triển của ngôn ngữ trong đời sống hiện đại, tiếng Việt với giao lưu, hội nhập với bên ngoài, nhất là việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong đời sống hàng ngày, ở trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bộ sách 2 tập này thực sự là một công trình khoa học giá trị, kết tinh những kiến thức quý về học thuật, lý luận và thực tiễn, phục vụ cho công tác học tập, nghiên cứu, giảng dạy, nâng cao nghiệp vụ về ngôn ngữ học, báo chí truyền thông, văn học, nghệ thuật, dạy tiếng Việt, nói và viết tiếng Việt. Việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt góp phần quan trọng vào việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam trước yêu cầu mới.
Toàn cảnh cuộc Gặp mặt kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và giới thiệu 3 cuốn sách mới xuất bản.
Sách "Tiếng nói cùng năm tháng", giới thiệu, tôn vinh nghề phát thanh viên và những giọng Vàng Phát thanh viên của Đài TNVN 74 năm qua. Sách do Nhà xuất bản Dân trí ấn hành. Như chúng ta đều biết, Đài Tiếng nói Việt Nam là cơ quan báo chí đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ, cộng hòa, được Chủ tịch Hồ Chí Minh huấn thị thành lập vào ngày 7 tháng 9 năm 1945. Từ Đài Tiếng nói Việt Nam, đã hình thành một nghề mới, khá đặc biệt, yêu cầu rất cao là nghề Phát thanh viên. Từ một số phát thanh viên ít ỏi, quý giá đầu tiên, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát triển dần thành đội ngũ phát thanh viên tiêu biểu, có năng khiếu, vững kiến thức, vững tay nghề. Từ năm 1970, cùng với đội ngũ phát thanh viên trên sóng phát thanh, Đài gây dựng, vun đắp thêm đội ngũ phát thanh viên trên sóng truyền hình, tiếp đó là người dẫn chương trình truyền hình, cả tiếng Việt, tiếng dân tộc và tiếng nước ngoài. Những phát thanh viên của Đài Tiếng nói Việt Nam đã có công nâng tầm nghề của mình trở thành nghệ thuật của giọng nói, của biểu cảm, của tiếng Việt. Họ đã làm bật lên những cảm xúc, ý tứ, hình tượng nằm sau con chữ mà các nhà báo, nhà văn, nhà thơ, bạn nghe đài muốn nói, muốn đọc, muốn nghe. Giọng đọc của thế hệ Vàng Phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam gắn liền với những sự kiện hào hùng, bi tráng của dân tộc trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và trên vùng biển chủ quyền của Tổ quốc. Chính họ đã truyền đi ngọn lửa chiến đấu, ngọn lửa lao động, sáng tạo, cổ vũ tinh thần cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cuốn sách "Tiếng nói cùng năm tháng" vừa "ra lò" và được giới thiệu hôm nay sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ những vất vả, hy sinh, niềm vui, nỗi buồn của các giọng vàng sau cánh sóng, những khoảnh khắc thăng hoa, hạnh phúc, những phút nghẹ ngào, rưng rưng của người phát thanh viên - nghệ sĩ - chiến sỹ. Lần đầu tiên, nước ta có một cuốn sách hấp dẫn, sinh động, lắng đọng về nghề phát thanh viên, nhất là những giọng Vàng tiêu biểu của Đài TNVN. Chúng ta sẽ được gặp những giọng đọc đã đi vào huyền thoại, vào niềm yêu, nỗi nhớ của biết bao thế hệ bạn nghe đài như NSND Tuyết Mai, NSND Việt Khoa, NSUT Trịnh Thị Ngọ...Câu chuyện Bác Hồ nhắc nữ phát thanh viên đầu tiên của Đài TNVN bà Dương Thị Ngân tại hang chùa Trầm Giao thừa Tết Đinh Hợi (1947) phải trang phục gọn gàng phù hợp khi đi kháng chiến, phải biết chăm lo cho đồng nghiệp... Tình cảm đặc biệt của Bác Hồ, những lời chỉ dạy của Người trong những lần đến thăm Đài Tiếng nói Việt Nam luôn luôn được những người làm báo ở Đài cũng như các cơ quan báo chí cả nước trân trọng khắc ghi và làm theo lời Người.
Cuộc gặp mặt hôm nay là dịp để chúng ta thêm một lần bày tỏ những tình cảm biết ơn, yêu kính Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các bậc tiền bối của cách mạng, của giới báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ; nguyện sẽ cùng nhau đoàn kết, sáng tạo, thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Di chúc thiêng liêng của Người, biến những nỗ lực ấy thành kết quả thiết thực và tiến bộ trong công việc và cuộc sống hàng ngày"./.