• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người trực tiếp lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Văn hoá 01/09/2020 18:27

(Tổ Quốc) - Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đang là một thanh niên trẻ tuổi đã thấu hiểu nỗi đau mất nước, không đành lòng nhìn cảnh lầm than, nô lệ của đồng bào mình, Người quyết định ra đi để thực hiện hoài bão tìm đường giải phóng đất nước khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc. Để rồi 30 năm sau, người con ưu tú của dân tộc đã trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành lại chính quyền, giành lại độc lập tự do cho dân tộc mình, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người trực tiếp lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Ảnh 1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. (Ảnh tư liệu)

Trong một lần trả lời phỏng vấn của nhà báo nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi". Từ một người yêu nước, Nguyễn Ái Quốc trở thành một người chiến sĩ Cộng sản rồi trở thành lãnh tụ của Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong thời gian bôn ba tìm đường giải phóng dân tộc, dù gặp nhiều gian khổ, bị đày trong lao tù đế quốc nhưng vượt lên những khó khăn, hạn chế của lịch sử, Người vẫn kiên định với con đường đã chọn, kiên nhẫn chờ đợi thực hiện khát vọng giải phóng dân tộc. Bằng trí tuệ và nghị lực phi thường với tấm lòng nhiệt tình đam mê cách mạng, Người đã trở thành người dẫn đường đưa cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng, đưa nhân dân từ thân phận nô lệ trở thành công dân của nước Việt Nam tự do, độc lập.

1. Nguyễn Ái Quốc trở về nước trực tiếp lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền.

Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, phân tích tình hình thế giới có nhiều chuyển biến, cũng như nhận thấy tình thế khẩn trương của cách mạng trong nước, ngày 28/1/1941 lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - người con ưu tú của dân tộc đã trở về Tổ quốc qua biên giới Trung Quốc - Việt Nam, thuộc địa phận xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Đoàn cán bộ cách mạng về nước cùng Người có đồng chí Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba, Đào Thế An, Đặng Văn Cáp và Phạm Văn Lộc.

Tại Cao Bằng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tiến hành xây dựng căn cứ địa cách mạng, mở nhiều lớp huấn luyện chính trị, quân sự ngắn hạn; giao nhiệm vụ cho một số cán bộ (do đồng chí Đặng Văn Cáp phụ trách) chuyên mở các xưởng nghiên cứu, chế tạo, sản xuất và sửa chữa vũ khí trang bị cho lực lượng vũ trang. Người hiểu rất rõ: "việc bổ sung cho kho dự trữ vũ khí và đạn dược của du kích sẽ là một nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài"([1]).

Sau một thời gian chuẩn bị, Người trực tiếp chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tám (tháng 5/1941), xác định nhiệm vụ cấp thiết nhất của cách mạng nước ta lúc này là giải phóng dân tộc. Theo sáng kiến của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh nhằm liên hiệp đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, xu hướng chính trị, tất cả cùng nhau hướng tới mục tiêu giải phóng dân tộc. Việc thành lập Mặt trận Việt Minh là chủ trương mang tính chiến lược, sáng tạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Người chỉ đạo làm thí điểm xây dựng Mặt trận Việt Minh ở Cao Bằng, nhằm kiểm nghiệm, bổ sung, hoàn thiện về chính cương, điều lệ, phương pháp tổ chức của Mặt trận Việt Minh trước khi mở rộng ra cả nước.

Ngay sau khi thành lập Mặt trận Việt Minh, nhằm tập hợp xây dựng lực lượng cách mạng, ngày 6/6/1941 lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã gửi cho nhân dân bức thư "Kính cáo đồng bào". Bức thư như lời hiệu triệu, khơi dậy tinh thần yêu nước của các tầng lớp nhân dân, động viên nhân dân phát huy tinh thần tự lực tự cường, dùng sức mình để tự giải phóng cho mình, đoàn kết toàn dân đánh đuổi Pháp - Nhật. Người chỉ rõ: "Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng... giành tự do độc lập"([2]).

Với mong muốn mở rộng căn cứ địa cách mạng, bên cạnh điều kiện địa thế hiểm trở chở che, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đặc biệt đề cao điều kiện quần chúng - yếu tố con người. Để có được sự cảm tình ủng hộ của quần chúng nhân dân, tháng 8/1941 Người quyết định xuất bản tờ báo Việt Nam Độc lập. Tờ báo đã trở thành ngọn đuốc soi đường, tuyên truyền cổ vũ, dẫn dắt và tổ chức quần chúng vào các hội cứu quốc của Mặt trận Việt Minh như: Hội Công nhân cứu quốc, Hội Nông dân cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc, Hội Thanh niên cứu quốc, Hội Phụ lão cứu quốc, Hội Quân nhân cứu quốc, v.v... Đây là điểm sáng tạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Đảng ta trong việc chọn cách thức xây dựng căn cứ địa cách mạng.

Thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian viết một loạt tác phẩm như: Lịch sử nước ta, Mười chính sách lớn của Việt Minh và nhiều bài đăng trên báo Việt Nam độc lập, báo Cứu quốc với nội dung ca ngợi truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, quật cường của dân tộc, kêu gọi các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia vào các đoàn thể cứu quốc; hướng dẫn xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, góp phần tạo ra một cao trào cứu nước mạnh mẽ, chờ đón thời cơ, tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Để phong trào cách mạng ngày càng phát triển toàn diện và rộng khắp, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí Trung ương rất quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết cộng đồng các dân tộc, tổ chức nhân dân thành lực lượng chính trị hùng hậu trên nền tảng liên minh công nông. Tính từ tháng 6-1941 đến tháng 4-1942 đã đào tạo được trên 300 cán bộ Việt Minh. Bên cạnh việc chú trọng hình thành lực lượng chính trị, nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang cũng đặc biệt được quan tâm. Khởi đầu từ các đội tự vệ chiến đấu, các đội du kích tập trung, các Trung đội Cứu quốc quân I và II cũng lần lượt ra đời và hoạt động mạnh mẽ tại chiến khu Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn và huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Cuối năm 1942 đến đầu năm 1943 đã tổ chức được 19 đội xung phong Nam tiến.

Thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam) ra đời tại khu rừng Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, Cao Bằng (nay thuộc xã Cẩm Lý, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng). Đội gồm 34 cán bộ, chiến sỹ, dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Võ Nguyên Giáp. Với tính chất là Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, nên đã tuyên truyền đường lối cách mạng sâu rộng trong nhân dân, từ đó tập hợp được một lực lượng đông đảo quần chúng, làm cho phong trào cách mạng phát triển ngày càng mạnh mẽ.

Nhằm giúp cho bộ đội, du kích có thêm kinh nghiệm trong chiến đấu, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã viết các sách: "Cách đánh du kích", "Kinh nghiệm du kích Tàu", "Kinh nghiệm du kích Nga" gửi tới các đội du kích, cho mọi người tham khảo kinh nghiệm trong chiến đấu. Những đóng góp của Người đối với việc thành lập đội vũ trang cứu quốc và Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã minh chứng cho tư tưởng quân sự đúng đắn, sáng tạo của Người.

Thời gian này các văn kiện mà lãnh tụ Hồ Chí Minh soạn thảo đều tập trung vào việc chỉ đạo phát triển lực lượng, đón thời cơ và góp phần thúc đẩy thời cơ mau chín muồi, chuẩn bị thực hiện Tổng khởi nghĩa. Tháng 10/1944, trong Thư gửi đồng bào toàn quốc, Người đã nêu rõ: "Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các Đồng minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh! Tôi mong rằng các đảng phái và các đoàn thể đều ra sức chuẩn bị cùng nhau thảo luận, để khai cuộc Toàn quốc đại biểu Đại hội trong năm nay. Như vậy thì ngoại viện nhất định cầu được, cứu quốc nhất định thành công"([3]). Suốt quá trình hoạt động và xây dựng căn cứ địa tại Cao Bằng, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian, tâm sức hướng dẫn chỉ đạo, lãnh đạo gây dựng phong trào, tổ chức đào tạo, giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ cốt cán; xây dựng Cao Bằng thành đại bản doanh, căn cứ địa cội nguồn vững chắc.

Tháng 3-1945, trên cơ sở phong trào cách mạng phát triển, ngay trong đêm phát xít Nhật nổ sung đảo chính Pháp (9-3-1945), Ban thường vụ Trung ương Đảng đã họp mở rộng, quyết định phát động cao trào "Kháng Nhật, cứu nước". Ngày 12/3/1945, Ban thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Tổng bộ Việt Minh lập ra Ủy ban Dân tộc giải phóng, tập dượt cho nhân dân nắm chính quyền.

Với chủ trương đúng đắn, phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng dâng cao, khởi nghĩa từng phần bùng nổ tại nhiều địa phương. Tại Việt Bắc, nhân dân làm chủ nhiều châu, huyện. Ở miền trung du và đồng bằng Bắc Bộ, nhân dân nổi dậy phá kho thóc cứu đói, trừng trị phản động, phát triển tự vệ, du kích và lập ra các chiến khu; Tại Trung Bộ, các tù chính trị ở Quảng Trị, Quảng Ngãi, Buôn Ma Thuật phá ngục về địa phương lãnh đạo phong trào; khởi nghĩa Ba Tơ bùng nổ. Ở Nam Bộ, các Đội Tự vệ, Đội Xung phong phát triển nhanh chóng tại Sài Gòn, Mỹ Tho, Bến Tre, Sa Đéc, tinh thần Nam kỳ khởi nghĩa bừng bừng trở lại.

Trên cơ sở vùng giải phóng đã được mở rộng và liên hoàn, để thuận tiện lãnh đạo phong trào cách mạng chung cả nước, tháng 5/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh quyết định chuyển đại bản doanh của Trung ương Đảng từ Cao Bằng về Tân Trào (Tuyên Quang) - mảnh đất hội tụ đầy đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa, có dân tốt, cơ sở cách mạng tốt, địa hình tốt, thuận tiện làm một trung tâm liên lạc với miền xuôi, miền ngược và nước ngoài. Sau hơn 2 tuần liên tục hành quân gian khổ, Người cùng đoàn về đến Tân Trào an toàn và gấp rút chuẩn bị những điều kiện cần thiết, đón nhận thời cơ cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân từ bọn phát xít, thực dân. Tại đây, Người đã chỉ thị thành lập Khu giải phóng Việt Bắc gồm 6 tỉnh: Cao Bằng - Bắc Kạn - Lạng Sơn - Hà Giang - Tuyên Quang - Thái Nguyên và quyết định Tân Trào là Thủ đô Khu giải phóng Việt Bắc, đồng thời thống nhất các lực lượng vũ trang thành Quân Giải phóng.

Khu giải phóng được xây dựng theo Mười chính sách lớn của Việt Minh, thực hiện đánh đuổi bọn phát xít và bè lũ tay sai, chăm lo đời sống và mang lại các quyền tự do, dân chủ cho nhân dân Khu giải phóng. Nhân dân bầu ra chính quyền dưới hình thức Ủy ban nhân dân cách mạng để thực hiện việc quản lý, điều hành. Khu Giải phóng ra đời là nguồn cổ vũ to lớn đối với nhân dân cả nước đang đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Đến cuối tháng 7, đầu tháng 8-1945, thực lực cách mạng Việt Nam đã phát triển hùng hậu, tình hình quốc tế chuyển biến có lợi cho ta, nhận được tin phát xít Nhật bại trận và sắp đầu hàng Đồng minh, cơ hội cứu nước ngàn năm có một đã tới, lãnh tụ Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng bàn bạc và quyết định tiến hành họp Hội nghị toàn quốc của Đảng. Hội nghị diễn ra từ ngày 13 đến ngày 15/8/1945 tại Tân Trào, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Để tổng khởi nghĩa toàn thắng, Hội nghị nhấn mạnh ba nguyên tắc: tập trung, thống nhất, kịp thời và đánh chiếm ngay những nơi chắc thắng. Mục đích cuộc đấu tranh của ta lúc này là giành quyền độc lập hoàn toàn. Hội nghị quyết định thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc. Quân lệnh số I (lệnh Tổng khởi nghĩa) được phát đi lúc lúc 23 giờ đêm ngày 13/8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa được bắt đầu từ thời điểm đó.

Ngay sau khi Hội nghị toàn quốc của Đảng kết thúc, Quốc dân Đại hội tiến hành họp ngày 16 và 17-8-1945, tại mái đình Hồng Thái (Tân Trào, Tuyên Quang) dưới sự chủ tọa của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Đây chính là "một cuộc Toàn quốc đại biểu Đại hội gồm tất cả các đảng phái cách mệnh và các đoàn thể ái quốc trong nước bầu cử ra"([4]). Bởi theo Người, cần phải có một cơ cấu đại biểu quốc dân đủ mạnh, đủ uy tín để thực hiện việc điều hành đất nước: "Trong thì lãnh đạo công việc cứu quốc, kiến quốc, ngoài thì giao thiệp với các hữu bang"([5]). Điều này đặt cơ sở pháp lý cách mạng cho một chế độ mới, chế độ của dân, do dân và vì dân sắp ra đời. Đại hội nhiệt liệt tán thành chủ trương phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền của Đảng; thông qua Mười chính sách lớn của Việt Minh và quyết định thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam (tức Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam) do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, đồng thời quy định Quốc kỳ và Quốc ca của nhà nước Việt Nam mới.

Ngay trong ngày 16/8, Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được truyền đi khắp các tỉnh thành, kêu gọi nhân dân: "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang ganh nhau tiến bước giành quyền độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ."([6]). Lời hiệu triệu thể hiện tư tưởng lớn về tính chủ động cách mạng ở các nước thuộc địa mà Người đã nêu lên từ đầu những năm 20 của thế kỷ XX.

Thực hiện Lệnh Tổng khởi nghĩa của Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, hưởng ứng Lời kêu Tổng khởi nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước từ Bắc đến Nam nhất tề đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Khắp cả nước từ thành thị đến nông thôn, hàng chục triệu quần chúng hăng hái vùng lên đấu tranh đập tan xiềng xích nô lệ. Với lực lượng chính trị mạnh mẽ của nhân dân, có lực lượng vũ trang hỗ trợ, lại biết vận dụng sách lược đấu tranh thích hợp với quân Nhật đang hoang mang bối rối, Tổng khởi nghĩa đã nhanh chóng thắng lợi trong cả nước. Từ ngày 14/8 đến ngày 18/8, thắng lợi tại nhiều xã, huyện ở hầu hết các tỉnh miền Bắc và Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Khánh Hòa; Ngày 18/8, các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam giành được chính quyền. Ngày 19/8, cuộc khởi nghĩa đã giành thắng lợi ở Hà Nội. Ngày 23/8, tổng khởi nghĩa tại Huế thành công; Ngày 25/8, khởi nghĩa thắng lợi tại Sài Gòn và các tỉnh lân cận, đến ngày 28/8, địa phương cuối cùng trong cả nước giành được chính quyền.

Với những nhận định đúng đắn, những quyết tâm kịp thời, táo bạo về thời cơ cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo toàn dân làm nên Cách mạng tháng Tám thành công, đập tan ách thống trị của thực dân phong kiến. Bằng thế áp đảo của lực lượng cách mạng hùng hậu, quân và dân ta đã giành được chính quyền trong cả nước từ tay phát xít Nhật.

2. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời

Sau khi Hà Nội khởi nghĩa thắng lợi, chính quyền cách mạng của nhân dân được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định rời Tân Trào về Hà Nội, tiếp tục chỉ đạo những nhiệm vụ cấp bách của chính quyền cách mạng và gấp rút chuẩn bị công việc khai sinh nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Ngày 26-8 tại số nhà 48 Hàng Ngang, Người triệu tập và chủ tọa phiên họp đầu tiên với Ban thường vụ Trung ương Đảng để bàn những nhiệm vụ cấp bách trước mắt của Nhà nước cách mạng, quyết định các vấn đề đối nội và đối ngoại trong tình hình mới. Theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Giải phóng dân tộc được cải tổ thành Chính phủ Lâm thời với sự tham gia của nhiều tầng lớp, giai cấp và đảng phái yêu nước; chuẩn bị bản Tuyên ngôn độc lập và tổ chức cuộc mít tinh lớn ở Hà Nội để Uỷ ban Giải phóng dân tộc ra mắt quốc dân. Ngày ra mắt của Uỷ ban cũng là ngày Việt Nam tuyên bố thành lập chính thể Dân chủ Cộng hoà. Ngày 28-8, Người bắt đầu soạn thảo Bản Tuyên ngôn Độc lập.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt chính phủ Lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử, trịnh trọng tuyên bố trước nhân dân và toàn thế giới về sự ra đời của một nhà nước mới: nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người tuyên bố: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy"([7]). Tuyên ngôn thể hiện rõ thiện chí hòa bình và quyết tâm sắt đá của nhân dân ta trong việc bảo vệ nền độc lập mới giành lại được sau hơn 80 năm phải sống dưới ách cai trị của đế quốc xâm lược. Đây là một sự thay đổi hoàn toàn về chất so với tất cả các kiểu nhà nước từng có trong lịch sử nước nhà, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân. Điều đó đã nói lên tính ưu việt của chế độ mới mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã đấu tranh giành được.

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, nhà nước Việt Nam non trẻ đứng trước muôn vàn khó khăn về kinh tế, chính trị, xã hội, quân sự. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng đã sáng suốt chọn lựa những đối sách đúng đắn, giải quyết kịp thời và có hiệu quả những nhiệm vụ vô cùng khó khăn, phức tạp; bình tĩnh chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua ghềnh thác hiểm nguy, tiến lên phía trước để xây dựng thành công chính quyền nhà nước mới và tổ chức ổn định đời sống của các tầng lớp nhân dân sau cách mạng.

Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ Lâm thời, ngày 3-9-1945 tại Bắc Bộ Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bao gồm: khắc phục nạn đói; nạn dốt; giáo dục nhân dân với việc thực hiện cần, kiệm, liêm, chính; bỏ ba thứ thuế: thuế thân, thuế chợ, thuế đò; thực hiện tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết và đặc biệt là phải tổ chức càng sớm càng tốt cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu để sáng suốt lựa chọn đại biểu đủ đức, đủ tài cùng tham gia xây dựng kiến thiết đất nước.

Với mong muốn hiện thực hóa chủ trương trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động "Tuần lễ vàng" từ ngày 4-9-1945 nhằm khuyến khích người dân đóng góp tiền của cho ngân khố quốc gia. Phong trào này nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giai cấp tư sản dân tộc. Tính tới thời điểm kết thúc "Tuần lễ vàng", ngoài tiền mặt, cả nước đã quyên góp được 370 kg vàng cho Quỹ Độc lập.

Để triển khai thực hiện nhiệm vụ, Người đã ký nhiều sắc lệnh cũng như chỉ đạo trực tiếp đối với từng nhiệm vụ. Nhằm từng bước khắc phục nạn mất mùa đói kém, trong Thư gửi nông gia Việt Nam, Người khẩn thiết kêu gọi: "Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa! ... Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do, độc lập"([8]). Người chỉ rõ mối quan hệ khăng khít giữa kháng chiến và cứu đói: "Chúng ta có hai nhiệm vụ cốt yếu, quan trọng như nhau: Kháng chiến và cứu đói. Phải kháng chiến để cứu đói, mà phải cứu đói mới kháng chiến được"([9]). Cùng với việc đề cao tinh thần nhường cơm sẻ áo, Người gương mẫu thực hiện trước: "Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo"([10]).

Song hành với Chiến dịch diệt giặc đói, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động Chiến dịch diệt giặc dốt với phương thức: "Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ... Vợ chưa biết thì chồng bảo,... cha mẹ không biết thì con bảo ..."([11]). Do đó, chỉ trong thời gian ngắn, hơn hai triệu người đã biết đọc, biết viết.

Riêng với nhiệm vụ thực hiện Tổng tuyển cử trong cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm, chú trọng để xây dựng được một nhà nước theo tinh thần dân chủ, tiến bộ. Đó là kiểu nhà nước mà mọi quyền lực đều bắt nguồn từ nhân dân; bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương đều là đầy tớ, công bộc của dân; thừa hành ý chí của dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về mọi hành vi xử sự của mình. Quan trọng nhất là nhà nước đó phải do nhân dân bầu ra bằng cuộc bầu cử dân chủ.

Ngày 8/9/1945, Người ký Sắc lệnh số 14/SL của Chính phủ Lâm thời về cuộc Tổng tuyển cử trong cả nước; ngày 26/9/1945, ký Sắc lệnh số 39/SL của Chính phủ lâm thời về lập Ủy ban dự thảo thể lệ Tổng tuyển cử; ngày 17/10/1945, ký Sắc lệnh số 51/SL quy định thể lệ Tổng tuyển cử và ấn định ngày 23/12/1945 sẽ là ngày Tổng tuyển cử trong cả nước; ngày 18/12/1945, ký Sắc lệnh số 76/SL về việc hoãn Tổng tuyển cử đến ngày 6/1/1946.

Cùng với việc ban hành các sắc lệnh liên quan đến công tác Tổng tuyển cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn viết bài về việc xây dựng một Chính phủ thật sự là công bộc của dân để nhân dân cùng biết rõ và tin tưởng: "Các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh"([12]) trong bài Chính phủ là công bộc của dân đăng trên Báo Cứu Quốc, số 46, ngày 19-9-1945.

Bên cạnh việc triển khai những công việc hành chính, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết nhiều bài báo kêu gọi những người có tài có đức ra ứng cử, đóng góp sức lực cho đất nước: "chúng tôi mong rằng đồng bào ta ai có tài năng và sáng kiến về những công việc đó, lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà thì xin gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng, có thể thực hành được thì sẽ thực hành ngay"([13]) trong bài Nhân tài và kiến quốc đăng Báo Cứu Quốc, số 91, ngày 14/11/1945. Đặc biệt, trong bài Ý nghĩa tổng tuyển cử đăng trên Báo Cứu Quốc số số 130, ngày 31/12/1945. Người nêu rõ: "hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó"([14]).

Đến sát ngày Tổng tuyển cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài: Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu đăng Báo Cứu Quốc ngày 05/01/1946, Người khẳng định: "Về mặt chính trị, thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn." Và kêu gọi: "Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do"([15]).

Lần đầu tiên trong lịch sử, mọi người dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt nam nữ, đều được hưởng quyền bầu cử và ứng cử. Hưởng ứng Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, cuộc bầu cử được tiến hành sôi nổi trong cả nước. Ngày 06/01/1946, trong cả nước hơn 90%, nhiều nơi đạt 95% tổng số cử tri đã đi bỏ phiếu. Nhân dân cả nước đã bầu 333 đại biểu vào Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Những đại biểu của Mặt trận Việt Minh ra ứng cử được nhân dân tín nhiệm tuyệt đối. Chủ tịch Hồ Chí Minh ứng cử ở Hà Nội và đã trúng cử với số phiếu cao nhất là 98,4%. Đây là lần đầu tiên, sau hàng nghìn năm dưới chế độ phong kiến và 80 năm dưới ách thống trị thực dân, người dân Việt Nam được tự do lựa chọn những người có đủ tài, đức để gánh vác công việc nước nhà. Trong điều kiện "thù trong, giặc ngoài" đe đọa, nhưng nhân dân ta đã tiến hành Tổng tuyển cử thành công, bầu ra Quốc hội; Quốc hội đã cử ra Chính phủ - một Chính phủ thực sự của nhân dân. Sự kiện trọng đại này đã đi vào lịch sử nước ta như một mốc son, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ, mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước.

Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa I ngày 09/11/1946, Bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Hiến pháp 1946) được Quốc hội thông qua đã thể hiện rõ những tư tưởng cơ bản của nhà nước mới - nhà nước độc lập, tự chủ, dân chủ. Đánh giá về Hiến pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới biết dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới: phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân. Hiến pháp đó đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp"([16]).. Có thể thấy, ngay sau khi mới được thành lập, nhà nước ta đã có đầy đủ các cơ quan cùng hệ thống những quy định để thực thi quyền lợi của người dân theo pháp luật.

Như vậy, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã trở về Tổ quốc thực hiện thành công hoài bão lớn của cuộc đời. Người trực tiếp lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền, giải phóng dân tộc, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Trên cương vị là người đứng đầu nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành"([17]). Và thực tế Người đã cống hiến trọn vẹn thời gian, trí tuệ, tâm sức của mình cho độc lập tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân./.


[1] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb Chính Trị Quốc gia, H.2011, tập 2, tr.582.

[2] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb Chính Trị Quốc gia, H.2011, tập 3, tr.230.

[3] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb Chính Trị Quốc gia, H.2011, tập 3, tr.538.

[4] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb Chính Trị Quốc gia, H.2011, tập 3, tr.537.

[5] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb Chính Trị Quốc gia, H.2011, tập 3, tr.537.

[6] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb Chính Trị Quốc gia, H.2011, tập 3, tr.596.

[7] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb Chính Trị Quốc gia, H.2011, tập 4, tr.3.

[8] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb Chính Trị Quốc gia, H.2011, tập 4, tr.135.

[9] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb Chính Trị Quốc gia, H.2011, tập 4, tr.127.

[10] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb Chính Trị Quốc gia, H.2011, tập 4, tr.33.

[11] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb Chính Trị Quốc gia, H.2011, tập 4, tr.40-41.

[12] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb Chính Trị Quốc gia, H.2011, tập 4, tr 21.

[13] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb Chính Trị Quốc gia, H.2011, tập 4, trang 114.

[14] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb Chính Trị Quốc gia, H.2011, tập 4, tr 153.

[15] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb Chính Trị Quốc gia, H.2011, tập 4, tr 166-167.

[16] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb Chính Trị Quốc gia, H.2011, tập 4, tr.491.

[17] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb Chính Trị Quốc gia, H.2011, tập 4, tr.187.

Nguyễn Thị Lệ Thủy

NỔI BẬT TRANG CHỦ